Kính thưa quí Thầy Cô, quí vị và quí đạo hữu,
Cách đây 2 năm, tôi đã có dịp trình bày tại đây, nhân ngày Giỗ Kỷ niệm 20 năm của Hoà Thượng Thích Thiện Châu, người đã sáng lập ra Thiền viện Trúc Lâm Villebon, một bài về ”Công trình giảng dạy và hoằng pháp của Thầy”.
Hôm nay, được Thầy Trụ trì chùa Trúc Lâm và chị Hội trưởng Hội PT VN tại Pháp cho phép, tôi xin nhắc lại một vài điểm cốt yếu về giáo lý mà Thầy Thiện Châu đã trao truyền lại trong hơn 30 năm, để chúng ta tiếp tục nương theo đó mà tu học, đồng thời phổ biến Chánh pháp theo con đường của Thầy.
Đặc điểm đầu tiên của đạo Phật giảng dạy bởi Thầy Thiện Châu là tính chất thuần túy, trung thực của nó, một con đường giải thoát vạch ra cách đây hơn 2500 năm tại Ấn Độ bởi đức Phật Gotama, dòng họ Sakya.
Chính vì vậy cho nên, trong mỗi buổi thuyết giảng, Thầy thường bắt đầu bằng câu: ”Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật”, có nghĩa là ”Xin đảnh lễ vị Thầy căn bản, Phật Thích Ca trầm lặng”. Để nhắc nhở rằng đức Phật là một vị thầy, một con người lịch sử, chứ không phải là một thần linh, hay một nhân vật siêu nhiên nào.
Thầy còn có khi niệm bằng tiếng pali : ”Namo tassa Bhagavato Arahato Samma Sambuddhasa”, có nghĩa là : ”Xin đảnh lễ đức Thế Tôn, bậc giải thoát, giác ngộ hoàn toàn”.
Dĩ nhiên, đức Phật không phải là một con người tầm thường như bao nhiêu người khác, mà là một người đã giải thoát, giác ngộ hoàn toàn, đã chứng nghiệm và chỉ dẫn con đường giải thoát cho tất cả những ai muốn đi theo chân ngài.
Giáo lý của đức Phật mà Thầy Thiện Châu đã dạy là một giáo lý trong sáng và giản dị, dựa lên:
”3 pháp ấn” là vô thường, vô ngã và khổ; ”4 sự thật” là khổ, tập, diệt, đạo, với ”con đường chánh 8 nẻo” và ”duyên khởi” là nguyên lý vận hành của vũ trụ.
Cách tu tập của người Phật tử là trì ”giới”, thiền ”định” và trí ”huệ”.
Giáo lý của đức Bổn sư chỉ cô đọng và đơn giản như vậy thôi, nhưng chúng ta không nên coi thường, cho rằng đã biết rõ được đạo Phật, và đâm ra lơ là, nhàm chán.
Vì đạo Phật không cần chỉ học và biết, mà còn phải hiểu sâu, hiểu rõ, bằng trí huệ Bát Nhã, và nhất là phải kiên trì tu tập từ năm này qua năm nọ, trọn một đời người.
Cũng như lời một cổ đức: ”Tu mà không học là tu mù. Học mà không tu là đãy sách”. Nhờ tu tập, người ta mới hiểu thêm đạo Phật, và nhờ học Phật, người ta mới thấy rõ hơn đường tu.
Và thiền định là một phương pháp tu tập chính yếu, mà Thầy luôn luôn khuyến khích các Phật tử thực hành đều đặn, ngay cả trước khi được nghiên cứu và áp dụng bởi khoa học tại Tây phương, từ khoảng 4 chục năm nay…
Điểm thứ nhì mà Thầy Thiện Châu thường nhấn mạnh là mục đích của đạo Phật rất thực tiễn, nhằm giải thoát khỏi khổ đau, dẹp tan phiền não, lậu hoặc và đem lại thanh tịnh, an lạc. Trong Kinh Cullavaga (IX, 1.4.), đức Phật khẳng định: « Này các tỳ kheo, ta chỉ dạy có hai điều, khổ và diệt khổ ».
Điều quan trọng là sự giải thoát này không kêu gọi đến các thần linh hay sức mạnh siêu nhiên nào, mà dựa lên chính mình, tự mình giải thoát khỏi những ràng buộc do chính mình tạo nên.
Thầy thường nhắc lại lời Phật dạy trong Kinh Đại Bát Niết Bàn pali: « Hãy tự mình là hòn đảo, là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa vào mình, chớ nương tựa vào một nơi nào khác ». Và trong Kinh Pháp Cú (165): « Tự mình làm điều ác, Tự mình sanh nhiễm ô, Tự mình không làm ác, Tự mình thanh tịnh mình. Tịnh hay không do mình, Không ai thanh tịnh ai ».
Dĩ nhiên, vì những lý do lịch sử, cho nên Phật giáo VN đã bị ảnh hưởng nặng nề của Đại Thừa Trung quốc, dựa lên nhiều Kinh Luận mà các vị Tổ Ấn Độ và Trung quốc đã thêm thắt vào, bắt đầu từ hơn 5 thế kỷ sau đức Phật. Nhiều Tông phái đã xuất hiện tại Trung quốc và truyền sang VN, đặc biệt là Tịnh Độ tông, Thiền tông, và Mật tông, và trong thực tế nhiều khi được kết hợp với nhau.
Thầy Thiện Châu không muốn sự phân chia ra các tông phái gây nên chia rẽ giữa các Phật tử. Chia rẽ tức là kỳ thị, tranh cãi nhau giữa các ngành Nguyên Thủy, Đại Thừa, Kim Cương Thừa, giữa môn phái này và môn phái nọ. Thầy chỉ muốn các Phật tử, hoà tuy không đồng, gặp gỡ nhau trên mẫu số chung là giáo lý căn bản của đức Phật Thích Ca, nhằm giác ngộ và giải thoát, với các phương pháp tu tập tùy theo căn cơ của mỗi người.
Tuy nhiên, Thầy chỉ trích cách xếp loại giáo lý gọi là « ngũ thời bát giáo » của các Tổ Trung quốc, xem nội dung các Kinh A Hàm (tương đương với Bộ Kinh của Nguyên Thủy), là thấp kém, và nội dung các Kinh Pháp Hoa, Niết Bàn là cao nhất.
Điều này hoàn toàn chủ quan và trái ngược lại với lịch sử tư tưởng Phật giáo.
Theo Thầy, “Quan niệm lệch lạc về lịch sử tư tưởng Phật giáo này đã gây nên hậu quả nguy hiểm là khinh rẻ giáo lý căn bản do chính đức Phật thuyết trong 45 năm, trái lại ham chuộng kinh điển phát triển về sau… Như vậy, điều quan trọng đối với chúng ta là phải phân biệt Kinh nào là Kinh Phật, Kinh nào là Kinh Tổ.”
Đó cũng là lý do tại sao Thầy chủ trương tụng niệm bằng tiếng Việt chứ không phải bằng tiếng Hán hay tiếng Phạn, tụng Kinh là để hiểu ý nghĩa của Kinh chứ không phải ”tụng để mà tụng”…
Đối với các Phật tử hướng về đức tin nhiều hơn, sùng bái chư Phật và chư Bồ tát, đặc biệt Phật A Di Đà, Bồ Tát Quán Thế Âm, Thầy tỏ ra thông cảm và không hề ngăn cản, nhưng chỉ khuyên nên học hỏi thêm về giáo lý nguồn gốc, để hiểu rằng đạo Phật trước hết là một con đường trí tuệ và tự giác, dựa vào sự cố gắng tu tập bản thân hơn là cầu xin chư Phật, chư Bồ tát cứu độ.
Và vì thời đạingàynay là một thời đại khoa học, cho nên Thầy chủ trương bài trừ mê tín, dị đoan, bác bỏ các phong tục cổ hủ dựa lên các truyền thuyết dân gian lạc hậu, không liên quan gì đến đạo Phật, như : bói toán, phong thủy, bùa phép, lên đồng, cúng sao giải hạn, tin vào oan hồn, quỷ dữ…
Cuối cùng, nhưng cũng đã từ lâu, một trong những ưu tư của Thầy là sự đóng góp vào chấn hưng văn hóa Phật giáo VN, bằng cách thành lập một trung tâm nghiên cứu Phật học với những học giả như các GS Hoàng Xuân Hãn, Lê Thành Khôi, đồng thời đóng góp vào sự hiện đại hóa đạo Phật, qua các Hội thảo về ”Phật giáo và thời đại” tổ chức vào cuối thập niên 90.
Thầy ý thức rằng khoa học và công nghệ đã mang lại cho xã hội hiện đại sự phát triển đầy đủ về vật chất, nhưng về tinh thần con người vẫn cảm thấy thiếu thốn, lạc loài, vẫn bị đè nặng bởi phiền não, khổ đau, với những vấn đề xã hội, tâm lý, môi trường mỗi ngày một thêm gay go và phức tạp.
Thầy đã ra đi quá sớm vào tuổi 67, công trình còn dang dở và không có ai đủ khả năng nối tiếp, chống đỡ nổi tham vọng của một số người, gây nên sự suy đồi của Trúc Lâm, trong 15 năm trời.
Nhờ sự nhẫn nại, kiên trì của các Thầy và các Phật tử, chùa đã được xây dựng lại và sửa sang, với không khí trong lành trở lại. Tuy không còn lại bao nhiêu nữa, nhưng chúng tôi, các học trò cũ của Thầy, cũng cố gắng hết sức giữ gìn và truyền lại những lời dạy trong sáng, giản dị và nhẹ nhàng của Thầy.
Mong rằng giáo lý trong sáng đó sẽ còn được lưu truyền trong nhiều thế hệ nữa; và dù vật đổi sao rời, ngôi chùa và Thiền viện Trúc Lâm vẫn còn phảng phất bóng dáng của một vị Tỳ kheo, đạo đức và trí tuệ song toàn, xứng đáng với tên Thiện Châu, có nghĩa là ”Viên ngọc quí của sự thánh thiện”.
Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Villebon s/Yvette, 04/10/2020
nhân dịp Giỗ kỷ niệm 22 năm
sau khi Hoà Thượng Thích Thiện Châu,
vị Tổ khai sơn Thiền viện Trúc Lâm, viên tịch
Trịnh Đình Hỷ (pháp danh Nguyên Phước)