Phát biểu Tưởng niệm20 năm ngày
Cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Châu viên tịch
_______________________________________________________________________
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,
Kính thưa chư tôn thiền đức và quý Phật tử,
Cố Hoà thượng ân sư thượng Thiện hạ Châu từ giã cõi thế vào ngày trăng tròn tháng tám năm Mậu Dần (tức ngày 05-10-1998). Nay đã đến mùa trăng năm 2018, đúng tròn 20 năm, sự kiện viên tịch. Trong không khí trang nghiêm của buổi lễ tưởng niệm, trước tiên, chúng con kính cẩn đảnh lễ giác linh Hòa thượng, và sau đó, xin được chia sẻ với quý Phật tử đôi lời cảm niệm, thể hiện tâm thành kính ngưỡng của hàng hậu học đối với bậc Thầy khả kính.
Kính bạch giác linh Hòa thượng, kính thưa chư vị,
Cứ mỗi độ trăng mùa thu rực sáng, mái nhà xưa - Trúc Lâm Thiền Viện - lại đón những đàn con trở về nương náu, thấp nén tâm hương, tưởng niệm cuộc đời và đạo nghiệp của bậc sư trưởng, sứ giả Như Lai, người đã dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp xương minh, duy trì mạng mạch chánh pháp. Buổi lễ hôm nay, là dịp để chúng ta được nhìn lại tôn dung, ôn lại di huấn của Thầy tổ. Đó cũng là hành động thiết thực thể hiện lòng tri ân báo ân, một đức tính cao đẹp của người con Phật.
Kính thưa quý vị,
Trong kinh điển truyền thống xác nhận rằng các bậc trí giả mệnh chung để lại tiếc thương cho vô số người vì những lợi lạc mà chư vị đã làm cho chúng sinh trong cõi đời này. Ôn lại cuộc đời và đạo nghiệp của cố Hòa thượng Viện chủ, chúng ta không khỏi bồi hồi xúc động xen lẫn tự hào khi Phật giáo Việt Nam có được một bậc cao tăng thạc đức với trí tuệ sáng ngời, được Phật tử và nhiều giới trí thức trong nước, cũng như hải ngoại quý kính.
Kính thưa quý vị,
Hòa thượng đi theo sự nghiệp giáo dục trồng người - tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức - nên đã sớm lập chí nguyện thông làu giáo điển Phật giáo và cả triết học học Đông Tây. Sau khi rời Phật học đường Báo Quốc ở cố đô Huế, ngài xuất dương, tu học tại những môi trường học thuật danh tiếng như: Đại học Nàlandà (Ấn Độ), Học viện Đông Phương và Phi Châu (Anh quốc), Đại học Sorbonne (Pháp). Mỗi nơi ngài đi qua, đều lưu lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng bạn bè, giới trí thức quốc tế.
Kính thưa quý vị,
Qua 67 năm trụ thế, với 50 năm xuất gia tu học, nghiên cứu và giảng dạy Phật pháp, bên cạnh nếp sống giới đức, tâm đức, tuệ đức của một Tăng sĩ Phật giáo, Hòa thượng để lại cho hậu thế một sự nghiệp học đạo và hành đạo rất đáng trân trọng học hỏi. Thật đúng là
« Đàm hoa lạc khứ, hữu dư hương ».
« Nhất nhơn tác phước, thiên nhơn hưởng. Độc thọ hoa khai, vạn thọ hương ».
Pháp âm của gần 60 năm trước vẫn còn vang vọng trong tâm tưởng hàng nghìn Phật tử khắp các tỉnh miền Trung Việt Nam có nhân duyên được nghe Hòa thượng thuyết giảng. Hơn 50 năm trước, Nàlandà Ấn Độ từng in dấu chân tinh cần của một học tăng Việt Nam hiền lành và học giỏi. Học viện Đông phương và Phi Châu thuộc Đại học Luân Đôn Anh quốc từng nể phục bóng dáng một Tăng sĩ Việt Nam giỏi về triết học Đông Tây và cả Ấn Độ học. Đại học Sorbonne Pháp từng tự hào về một tu sỹ Phật giáo Việt Nam giỏi cả Hán ngữ lẫn Pàli, chuyên sâu về triết học Phật giáo các bộ phái. Người Việt lấy làm tự hào khi đọc thấy danh tánh một tu sỹ Phật giáo Việt Nam được lưu danh vào Từ điển Các Triết gia thế giới. Phật tử Việt Nam và học giả Phật giáo trên thế giới sung sướng được thừa hưởng nhiều tác phẩm dịch thuật, nghiên cứu và biên soạn công phu của Hòa thượng như: Đường về xứ Phật, Vài lá Bồ-đề, Tìm đạo, Phật tử, Kinh Pháp Cú, Luận án Tiến sỹ Triết học (Sorbonne-1971 ), Luận án Tiến sỹ Quốc gia về văn chương và Khoa học nhân văn (Sorbonne-1977), và nhiều tác phẩm có giá trị khác.
Kính thưa quý vị,
Cuộc đời và đạo nghiệp của Hòa thượng là bài học an tịnh sống động của một bậc Như Lai sứ giả. Ngài đã đến thế gian này với tâm tư hiểu biết và chia sẻ, và rời trần thế này với tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Hôm nay, kỷ niệm 20 năm ngày ngài rời Thiện viện Trúc Lâm thân thương trở về Phật xứ, chúng ta vẫn không sao quên được hình ảnh một bậc cao tăng Phật giáo Việt Nam hiền hòa được nhiều người quý mến tại các diễn đàn Phật giáo thế giới, càng khó quên hơn bóng dáng một bậc Thầy từ ái ngày ngày trì kinh tại chánh điện, tham cứu điển tịch ở thư viện, thuyết giảng Phật pháp tại giảng đường, chia sẻ kinh nghiệm hành thiền tại thiền đường, chánh niệm kinh hành qua từng luống hoa khóm trúc trong khuôn viên Trúc Lâm Paris thân thương.
Thưa quý vị,
Như nhạn quá trường giang, Hòa thượng ra đi không lưu lại dấu tích. Thế nhưng, cuộc đời một lòng vì đạo của Hòa thượng mãi mãi còn in đậm trong ký ức và niềm tin giải thoát của mỗi người con Phật chúng ta, luôn luôn mỉm cười khích lệ chúng ta trên từng bước chân tu học và phụng sự Phật pháp, sao cho Trúc Lâm Paris tiếp tục tỏa sáng, xứng danh là ngôi phạm vũ tiêu biểu cho Văn hóa và Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại, như cố Trưởng lão Hòa thượng từng nhắn gởi:
“Trúc thạch hài hòa trang nghiêm an lạc độ,
Lâm phong phổ hợp xưng tán Như Lai ân”.
Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát.
Tỳ kheo Thích Tâm Huy,
Pháp danh Nguyên Nguyện
Trụ trì Trúc Lâm Thiền viện
Villebon s/Yvette (Pháp)