Lời giới thiệu buổi Lễ Tưởng niệm Thầy Thiện Châu

______________________________________________________________

 

Kính thưa Thầy, các bác, các anh và các chị,

        Tôi gặp thầy Thiện Châu năm 1968 và quy y với thầy khi đi trại hè Lục hoà năm 1971. Lúc đó thầy 37 tuổi học cao biết rộng ra sao ai cũng rõ, và Thầy Tâm Huy cũng đã nói rồi, lát nữa các anh chị khác sẽ trình bày thêm sau.

        Trong những năm đó, nếu các anh chị đồng đạo với tôi ngưỡng mộ thầy vì tài năng, nhưng riêng tôi thích Thầy vì thầy hiền và bình dị quá! Lúc đó chúng tôi đa số còn là sinh viên nên rất quậy, tối nào chúng tôi cũng lén mua rượu uống say sưa mà không dè thầy ngồi thiền ở trên cao Thầy dòm thấy hết. Sau khi lăn lóc ngủ bên đống lửa khi thức dậy, đã có bàn tay từ bi nào đó đắp mền cho từng người. Thầy cũng chỉ cười mà chẳng trách móc gì cả, chỉ khuyên là các em uống rượu thì không sao, nhưng đừng nên uống đến say quá độ thì được rồi. Ở trại hè buổi sáng khi dậy thầy lái xe khi đi ngang cái suối cạn thầy không dám lái qua, tôi tưởng thầy sợ hư xe, ai dè thầy nói : “Đi qua lỡ cán sinh vật mà mình không biết thì tội chúng nó lắm”!

        Trong nhiều năm sau, tôi theo thầy kiếm đất xây chùa. Nguyện vọng của thầy đã đạt được khi tìm ra miếng đất ở Villebon và khởi công khoảng năm 1983. Ai đã xây nhà bên Pháp cũng dư biết vấn đề ngân quỹ eo hẹp ra sao rồi, việc gì cũng phải tự tay làm lấy! Thầy là một thư sinh, chỉ biết đi học, tu, và viết sách, cho đến nấu cơm ăn mà còn không biết, thế mà tôi vẫn thấy thầy gậm bánh mì, một mình khiêng từng cục đá ong rất to, để tạo ra khu vườn bây giờ chúng ta được ngắm.

        Như tôi đã nói Thầy rất hiền! Nhưng chính cái hiền của thầy đã mở cửa cho bao nhiêu ma đồ ùa vào chùa với mục đích biến chùa thành một công ty thương mại. Lúc đó chùa vui lắm! Bán đủ thứ! Nào quần là áo lụa từ Việt Nam mang qua, nào phong lan từ các trung gian mang vào, chùa nhộn nhịp vui hơn cả siêu thị ngày đại hạ giá. Thầy không thích thế nhưng không biết chống đỡ ra sao vì bị áp lực từ trong lẫn ngoài. Chùa Villebon chưa xong thì lại mang nợ mua chùa Marseille. Sở thích của thầy là nghiên cứu mà cái đầu cứ phải lo nghĩ bao nhiều việc trần tục, không biết trông cậy vào ai. Thầy cứ im lặng ôm lấy mối lo trả nợ cho đến một hôm bị đột quỵ, làm liệt cả nửa người. Mỗi lần tôi qua thăm thầy tôi chợt thấy nụ cười hiền hậu từ thời trai trẻ của thầy đã tắt đi, và được thay vào bằng cái miệng ngậm đầy đắng cay, vì có than thở cũng chẳng ai nghe.

        Có lẽ khi lâm bệnh thầy cũng đã hình dung ra được tình trạng của chùa sau khi thầy qua đời. Và quả thực như vậy! Thầy vừa nằm xuống ma đồ đã nổi dậy, gây nên suy xụp cho chùa trong vòng hơn 10 mấy năm. Lúc đó học trò giỏi của thầy tự nhiên biến đâu hết cả, chỉ còn leo teo vài mạng chống đỡ với một lũ gian manh gây tiếng xấu cho chùa và làm hại thanh danh của thầy.

        Nhưng có lẽ trời cao có mắt, Thầy đã linh thiêng về phù hộ cho chùa phục hồi. Bây giờ các Phật tử đến đông và vui hơn trước. Không khí ở chùa bây giờ đã an lành hơn, và có lẽ hợp với sở thích của Thầy như lúc Thầy còn sống vì có nhiều buổi hội thảo, thiền định, tu An Lạc, Pháp đàm, v.v. Nhiều đệ tử cũ của thầy cũng đã quay về góp tay xây dựng,và khẳng định lại đường lối của thầy.

        Năm mươi năm sau, khi kiểm điểm lại đoạn đường tôi đã đi với Thầy và đoạn đường tôi đi một mình, lúc nào cũng có cảm tưởng như Thầy vẫn dẫn dắt, nhiều lúc gặp khó khăn tôi lại càng thương Thầy hơn. Thôi thì cũng như các con chỉ biết thương cha mẹ một khi cha mẹ đã qua đời ! Cho nên tôi chỉ còn hối tiếc, và chỉ hứa được với Thầy là sẽ bảo trì công trình của Thầy,để một mai có gặp thầy ở nơi nào đó, tôi còn được ngng mặt nhìn Thầy mà không xấu hổ.

        Nam mô chư Phật và các Thầy đã khuất, xin giúp con trọn thành lời hứa đó.

 

                                                   H Th Thanh Mai,

                                                   Pháp danh Nguyên Thanh

                                          Hội trưởng Hội Phật tử Việt Nam tại Pháp