Nhớ Thầy Thiện Châu

__________________________

 

Cách đây 20 năm, chúng tôi gặp Thầy lần cuối. Trí nhớ đã mỏi mòn làm tôi không còn biết đó là nơi nào, nhưng ấn tượng không thể nào quên, chỗ Thầy nằm là một căn phòng hiu quạnh trong một bệnh viện không xa Paris lắm. Lúc chúng tôi ra về, thầy im lặng nhìn theo lưu luyến. Còn chúng tôi cũng lặng yên, đoán biết đây là lần cuối gặp Thầy. Thầy Thiện Châu, vị Thầy đã cho tôi một pháp danh.

 

Cái lặng yên không nói của ngày xa xưa đó rõ là do ngôn ngữ nín lặng, không biết nói sao cho phải. Nhưng sau nhiều năm tôi mới biết, sự yên lặng trong lời nói, trong tâm tưởng, kể cả lúc chia tay vĩnh biệt, có lẽ là thái độ đúng đắn nhất của một người theo đạo Phật. Yên lặng để trực tiếp nhận biết luật vô thường. Sau bao nhiêu năm tôi vẫn còn nhớ buổi chiều lặng lẽ đó.

 

Nhưng hôm nay chúng ta gặp nhau nơi chùa Trúc Lâm lịch sử này, anh chị hãy cho tôi được đôi lời nói về Thầy. Đã thế thì chúng ta phải đi lui chừng nửa thế kỷ.

 

„Đây là con sông gì?“, Thầy hỏi. „Dạ, sông Neckar“. Con sông Neckar uốn lượn chảy qua vùng Stuttgart, Heidelberg tại CHLB Đức, tuy được nhiều du khách quốc tế biết đến, nhưng có lẽ lần đầu tiên nó được đưa vào một bài thơ tiếng Việt ký tên Thiện Châu. Tôi còn nhớ nét chữ mềm mại lẫn chút nghệ sĩ của Thầy trong một bài thơ hay, vài ngày sau khi Thầy nghe tên con sông gần trại Phật Tử chúng tôi. Đó là đầu những năm 70 của thế kỷ trước.

 

Nhưng tại sao Thầy vừa nghệ sĩ nhưng lại theo phái Thiền đầy khắc khổ?  Hồi đó tôi xem Thiền là khắc khổ, ngồi mà mong sao cho sớm hết giờ. Không khắc khổ sao được khi ta phải ngồi thật yên, lưng thật thẳng và nếu lưng không thẳng thì Thầy sẽ cho người đem thiền bảng gõ lưng cho thẳng?

 

Thiên nhiên, sông nước, rừng Thiền và giáo lý nguyên thủy của Phật là những ấn tượng đầu tiên của tuổi thanh niên chúng tôi. Rồi một ngày nọ, người này sau người kia, anh em chúng ta làm lễ qui y Tam bảo. Năm giới qui y xem ra là qui định đạo đức hiển nhiên trong xã hội, tôn giáo nào cũng có. Thế nhưng cũng có một giới luật trong năm giới không dễ thực hiện trong một xứ Đức chuyên uống bia. Chúng tôi tuyên đọc giới luật nhưng nháy mắt liếc nhau mỉm cười.

 

Ngày nay sau nửa thế kỷ có lẽ tất cả chúng ta đều nhận chân nhiều Sự thực mà ngày xưa ta coi là tầm thường quen thuộc. Một tâm hồn rung động nhạy cảm với thơ văn nghệ thuật là vốn quí của tâm hồn con người. Một cặp mắt biết nhìn trời mây sông núi và biết thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên thật đáng giá biết bao trong thời đại Internet này. Thiền định và phép Thiền theo lời dạy nguyên thủy của Phật là phước báu cho những ai muốn hiểu và giải thoát khỏi cảnh khổ trong tâm. Và những giới thuật nghe qua thì cũ mòn sáo rỗng nhưng thực ra lại là những điều tiên quyết cho một đời sống an lạc. Không có Giới thì chẳng có Định, không tự giữ kỷ luật thì tâm không thể yên lặng. Tâm không yên lặng thì không thể phát sinh tuệ giác.

 

Sự thực không vì thời gian mà mất giá trị. Ngược lại Sự thực thông qua thời gian mới phô bày giá trị. Mà thời gian thì không biết đợi. Thầy Thiện Châu đã chỉ cho nhiều Sự thực. Điều mà tôi ngày xưa thấy là khắc khổ thì mãi sau này mới kịp thấy giá trị của nó. Thầy đã ra đi 20 năm trước, một số anh chị ở Pháp và ở Đức cũng đã ra đi, dù ít dù nhiều, người này kẻ khác, ai cũng mang chút ơn của Thầy.

 

Nhìn mặt khác, Thầy có giúp chúng ta nhưng cuộc đời của Thầy cũng lắm gian nan. Vì lẽ, chúng ta đều là người Việt Nam và nửa thế kỷ trước Việt Nam còn nằm trong một cuộc chiến tranh khốc liệt. Hơn thế nữa, Việt Nam không những chỉ bị họa chiến tranh mà dân tộc này vốn có một quá khứ phân hóa và chia rẽ. Phân hóa và chia rẽ từ bao giờ? Từ 1960, từ 1954, từ 1945 hay từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh? Tôi không biết và sẽ không đi sâu vào điều này.

 

Tôi nhắc đến tính chất thù hận và hằn học của người mình là chỉ để nhớ đến một buổi tối nọ trước 1975 tại giảng đường K2 của Đại học Stuttgart. Thầy Thiện Châu trình bày tại đó tính chất của cuộc chiến Việt Nam cho thính giả người Đức và người Việt. Chúng tôi ngồi dưới hồi hộp lo lắng, có khả năng thầy bị hành hung. Luận điểm của Thầy hồi đó rất mềm mỏng, điều mà chúng tôi gọi là „ba yếu tố của cuộc chiến tranh Việt Nam“. Thế nhưng tâm hồn hằn học của người Việt mấy ai chịu nghe, họ chỉ biết đả đảo hoan hô và sẵn sàng sử dụng bạo lực.

 

Thời mà Thầy qua Đức thường xuyên cũng là thời mà lòng người phân hóa tột độ, chính trường trong nước được xem là có đến ba thành phần chính trị. Thầy là người tiêu biểu kẻ phải đi giữa hai lằn đạn. Dân tộc phân hóa thì Phật giáo cũng phân hóa, cho nên Thầy cũng gặp cả sự chống đối của tăng sĩ đồng đạo.  

 

Thế nhưng, những ai hiểu Thầy đều biết ước nguyện của Thầy là chỉ làm một vị „sơn tăng“.

 

„...Ưa thanh bần, dễ dàng chịu đựng

Ít bận rộn, vui đời giản dị

Chế ngự giác quan và thận trọng

Không liều lĩnh, chẳng mê tục lụy...“

(Trích Kinh Từ Bi, dịch giả Thích Thiện Châu)

 

Gặp thời thái bình vô sự thì nhà sư tài hoa với dòng dõi Hồ Đắc này sẽ là một vị tăng trên núi, sống với thiên nhiên cây cỏ, an trú trong Thiền và thỉnh thoảng cho những ai hữu duyên vài lời khuyên về phép sổ tức để đi vào cửa ngõ của Đạo. Nhưng cũng như thái bình mãi mãi là giấc mơ không thành của Việt Nam, Thầy Thiện Châu phải vướng bận với thời cuộc. Nhưng làm sao khác được?

 

Trong một nước Việt Nam của đầu những năm 70 thế kỷ trước, không người trí thức nào có thể đứng ngoài cuộc. Trí thức phải „xớ rớ“, nói như anh Cao Huy Thuần, phải tham gia vào thời cuộc. Mà Thầy là người trí thức hiếm hoi của Phật giáo Việt Nam, lại đang ở nước ngoài, đang ở châu Âu, nơi đang luận hội và luận tội về Việt Nam. Nỗi khổ tâm của Thầy là phải làm những điều Thầy không muốn. Thầy phải nhập cuộc mặc dù có lẽ Thầy chỉ muốn nhìn thế sự không phải theo cái nhìn đúng sai, thiện ác, mà theo cái nhìn Duyên khởi của đạo Phật.

 

Tri kiến đúng sai thiện ác buộc ta phải hành động mà hành động thì tạo nghiệp khen chê. Ngược lại tri kiến Duyên khởi thì thấy rõ sự vật nhưng không tạo nghiệp. Chúng ta mấy ai làm được điều đó trong thời bấy giờ, thầy Thiện Châu cũng không. Thầy đã chọn một thái độ hành động và chấp nhận mọi dư chấn của thái độ chính trị đó.

 

Biến cố 1975 như một đợt sóng lớn phủ lấp mọi cấu trúc trên cát. Thế nhưng nhân duyên vẫn còn ảnh hưởng. Ước  nguyện „Sơn tăng“ của Thầy thì sao? Dĩ nhiên sơn tăng trong nguyện ước  phải là một ngôi chùa trên một triền núi tại quê nhà, nhưng cuối cùng thì Thầy thiết lập được một ngôi chùa trên núi. Núi đây chính là vùng Villbon sur Yvette này, đủ cao và đủ xa Paris để được gọi là „Sơn“, đủ thấp và đủ gần Paris để bà con Phật tử lui tới. Chúng tôi đã chứng kiến được những công đoạn xây dựng, đã chứng kiến niềm vui thanh thoát của Thầy. Ngày nay Trúc Lâm vẫn được trùng tu và thăm viếng, hẳn Thầy vừa lòng. Còn „Tăng“? Tăng chuyên giảng pháp Phật. Kinh sách do Thầy giảng giải và phiên dịch trong ngôi chùa trên núi này được lưu hành rộng rãi trong giới nghiên cứu học thuật cũng như Phật tử. Từ sau năm 1975 chúng tôi thỉnh thoảng thăm Thầy tại Trúc Lâm, thỉnh thoảng tại Saigon, nơi Thầy an trú bên Hòa Thượng Minh Châu, vốn là người đồng hành trên đường hành hương Ấn Độ, cũng là nguồn kinh sách Nguyên Thủy cho Thầy và cho chúng ta. Tại Saigon có khi chúng tôi ngồi bên nhau, nhớ Paris và Stuttgart, nhớ vận nước non và những ngày tháng mệnh danh là „hoạt động“, thấy có có không không như giấc mộng đêm qua. Cứ thế mà kéo dài cho đến buổi chiều trong bệnh viện nói trong đoạn đầu bài này.

 

Còn học trò của Thầy thì sao? Hội Phật Tử vẫn trường tồn và sinh hoạt đều đặn. Trưởng tràng như các anh Bùi Mộng Hùng, Lê Văn Tâm và các anh khác đã mất trong sự quí trọng của người ở lại. Số người còn lại thì có kẻ xuất gia, có kẻ đi hành hương, có kẻ viết và dịch kinh sách, một số chuyên tâm thực hành Thiền định. Một sự thực khác là ngoài một số người đã mất thì hầu hết đều tứ tán mỗi người một ngả, đúng như Luật Vô thường ngày xưa Thầy đã dạy. Chúng ta hãy nhìn sự vật trong cái nhìn Duyên khởi, không lên án đúng sai. Còn điều kiện thì sinh thành, hết điều kiện thì hoại diệt, cũng như Đoàn Phật tử đã hoại trong một ngày nào đó sau năm 1975. Hoa nở hoa tàn, có ai nói là đúng hay sai?

 

Hôm nay chúng tôi có một lòng cảm khái vô biên. Cảm khái vì nói được lòng mình đối với cuộc đời của Thầy. Số phận của một con người cá thể trôi nổi theo dòng lịch sử thường là một đề tài viết văn viết truyện hay, sâu sắc và xúc động, nhất là trong một lịch sử như lịch sử Việt Nam. Huống hồ cuộc đời của một nhà tu Phật giáo lỗi lạc, hướng nội, yêu thiên nhiên, cầu giải thoát. Những tưởng chỉ giới hạn mình trong một triết lý nhận thức, nhà tu đó đành phải lấy một triết lý hành động và phải hành động trong một bối cảnh ác liệt của chiến tranh và thù hận. Điều đó làm đời nhà tu nhuốm chút màu bi tráng trong một cuộc đời không dài lắm. Nhưng có hề gì, cuộc đời như một cuốn sách. Sách không cần dày mỏng, nhưng nó phải hay, phải chạm đến tâm can người đọc. Đời Thầy làm ta cảm khái và xúc động.

 

Chúng tôi cũng vô cùng thú vị được gặp lại đông đủ quí anh chị hôm nay, trong ngôi chùa này. Gặp lại anh chị là gặp lại quá khứ của thế kỷ trước, của những ngày trại tại Pháp, tại Đức, dưới bóng Thầy. Hay thay gặp lại nhau hôm nay sau suốt một thời gian vắng tin nhau, ai biết được còn lần nào nữa không.

 

 

Nguyễn Tường Bách

(pháp danh Nguyên Châu)

23.9.2018