Thầy Thiện Châu và Phật tử ở Đức
______________________________________
Kể từ ngày gia nhập đoàn Phật tử vào năm 1972, tôi được gặp Thầy Thiện Châu nhiều lần. Gặp Thầy tại các trại hè, Tết Phật Tử ở Pháp. Có lần đến thăm Thầy tại căn phòng nhỏ khi chưa có chùa Trúc Lâm. Và sau đó có đến thăm Thầy ở chùaTrúc Lâm. Nhưng có lẽ nhớ nhất vẫn là những lần Thầy sang Đức. Vì trong những lần này chúng tôi được gần gũi Thầy Thiện Châu nhiều hơn.
Những năm đầu Thầy qua Đức dự các sinh hoạt của Đoàn SVPT VN tại Tây Đức, có mấy lần Thầy qua Đức theo lời mời của Hội Tôn giáo Thế giới vì Hòa Bình. Sau 1975, lúc Đoàn Phật tử không còn nữa, chúng tôi cũng mời Thầy sang để Đức mấy lần làm lễ Phật, thuyết pháp hoặc làm lễ cầu siêu cho thân nhân quá cố của bè bạn trong Hội Người Việt.
Những lần Thầy qua dự sinh hoạt trong Đoàn, tôi nhớ nhất là trại học tập ở Pforzheim, họp đoàn ở Schwäbisch Gmünd, ở Donauwörth, Trại mùa đông ở Pforzheim.
Ở trại học tập Pforzheim, ngoài những buổi trao đổi đề tài triết học, chủ trương của Liên Đoàn... Thầy cũng có buổi nói chuyện đạo và đặc biệt làm lễ qui y cho một số đoàn viên. Thầy cử hành lễ qui y rất đơn giản và độc đáo. Thầy ngồi trong tư thế „hoa sen“ dưới một gốc cây trong khu vườn. Nhưng người xin qui y được gọi đến ngồi bên. Thầy nhắn nhủ mấy câu và trao cho Pháp danh. Thật đơn giản nhưng đủ lay động được tâm tư của người xin vào đạo. Anh Bách được trao Pháp danh Nguyên Châu, Anh Hải Nguyên Quảng, Anh Trung Nguyên Giác, Anh Đễ Nguyên Trạm, … và tôi Pháp danh Nguyên Ấn.
Tôi được kết nạp bên lửa trại của kỳ sinh hoạt ở Schwäbisch Gmund. Thầy và một số anh chị của đoàn bên Pháp cũng qua tham dự. Sau này được xem lại một số hình ảnh của lần sinh hoạt này càng củng cố thêm kỷ niệm đáng nhớ như buổi liên hoan mừng các cặp „Trung & Thu“, „ Củng & Lan“ mới làm đám cưới. Hai chữ „Lục Hòa“ được treo trong buổi liên hoan. Không còn nhớ buổi thảo luận về đề tài „xã hội lục hòa“ có được tổ chức trong lần sinh hoạt này không.
Trại mùa Đông do đoàn Đức tổ chức ở Pforzheim được Thầy đặt tên là „Trại Liễu Quán“. Một vị thiền sư Việt Nam với công án thiền nổi tiếng: Tất cả qui về một, một qui về đâu? Lực lượng tham dự của Đoàn Pháp rất hùng hậu, có cả một đội múa sang hỗ trợ đêm văn nghệ trại. Các bạn đoàn ở Đức cũng được mời tham dự. Một lần trại đông vui. Trong chương trình trại có một buổi „trà đạo“ do Thầy chủ trì, nghi thức đơn giản, mỗi người vẫn ngồi ở chỗ của mình, có người đem trà tới, có nghi thức „cho và nhận“ cũng như „tĩnh lặng“ thưởng thức hương trà. Thầy cũng hướng dẫn đi dạo bên giòng Nagold. Hôm đó Thầy có sáng tác một bài thơ. Đã có lần tôi tìm lại được một „tờ báo trại Liễu Quán“ có đăng bài thơ này, nhưng nay không còn tìm lại được nữa. Tôi còn nhớ cùng đi dạo hôm đó có chị Thanh Hằng. Lúc đó ở Pháp, sau qua Đức rồi về Việt Nam, đã xuất gia và đang tu ở một ngôi chùa ở Lâm Đồng.
Trong những năm đó, Thầy Thiện Châu còn trẻ lắm. Những lần Thầy đến dự các sinh hoạt chúng tôi cảm nhận được sự nhẹ nhàng, hồn nhiên thanh thản của Thầy. Duy chỉ một lần họp Đoàn (hình như ở Donauwörth). Anh em trong đoàn bất đồng ý kiến, tranh luận căng thẳng. Thầy không dự họp, nhưng cũng biết chuyện. Trong lần đó, tôi thấy Thầy trầm ngâm, suy tư ...
Trước và sau năm 1975, chị Thái Thị Kim Lan tổ chức các sinh hoạt Phật Giáo, sinh hoạt tham thiền ở Münich, có mời Thầy Thiện Châu sang thuyết pháp và hướng dẫn tu học. Người tham dự đa phần là người Đức và người các nước cư ngụ ở đây. Tôi cũng có lần được tham dự một sinh hoạt như thế. Còn nhớ trước buổi lễ, cùng nhau lập bàn thờ Phật. Một Phật Tử người Đức cứ khăng khăng đặt bát hương sau lưng tượng Phật. Ý anh muốn là Đức Phật nồi trong khói hương mà không bị khói hương che khuất. Lúc Thầy vào phòng, thấy vậy Thầy mỉm cười rất thoải mái, cũng không phản đối gì.
Anh Bách, Chị Vinh tổ chức sinh hoạt Phật giáo ở vùng Mannheim nơi anh chị cư ngụ. Thây Thiện Châu được mời chủ trì lễ Phật, thuyết pháp. Buổi lễ qui tụ được các gia đình Việt kiều ở trong vùng. Sau lễ có tổ chức ăn chay do mẹ và các em chị Vinh đảm trách. Dịp đó thầy nghỉ ở nhà anh chị Bách Vinh. Buổi sáng được cùng đi dạo với Thầy quanh khu ruộng trồng cây thuốc lá. Lúc đi dạo Thầy hay chỉ cho chúng tôi những cây mọc dại bên đường có thể hái đem về nấu canh hoặc thêm vào salat.
Ở Stuttgart có lần Thầy qua làm lễ trong lễ tang em anh Châm. Đặc biệt có lần Thầy dự một sinh hoạt tết của chi hội người Việt tại đây. Năm đó tôi đã vào BCH chi hội, có đề nghị có sinh hoạt Phật giáo trong buổi tết, nên có một phòng riêng để tổ chức lễ Phật. Lúc đó Việt Kiều di tản hoặc qua đoàn tụ gia đình đã đông. Tình hình khá phức tạp, phải dự trù tình huông có chống phá buổi vui tết vì vậy anh Nguyễn Minh Nhật – một võ sĩ Hiệp Khí Đạo được cử đi đón Thầy ở nhà ga, „hộ vệ“ Thầy khi đưa thầy vào hội trường. Thầy nghỉ ở nhà anh Nhật. Được nghe Thầy giảng về đạo Phật, anh rất tâm đắc, nên mấy lần qua Pháp sau đó anh đều có ghé thăm Thầy. Anh nói với tôi: sẽ có dịp sang chùa Trúc Lâm ở „cả tuần“. Nhưng rồi anh qua đời và đã đã không thực hiện được ý muốn đó.
Ở Đức về sau có chùa, và càng ngày càng có thêm chùa, niệm Phật đường, Các chùa cũng qui tụ đông dảo Phật tử. Hiện nay lại có thêm một số nhóm tu học Phật Pháp mới hình thành như các tăng thân Làng Mai, Nhóm theo học Thầy Thích Trí Siêu, nhóm Thiền tánh không của Thầy Thích Thông Triệt.... Số Phật tử trong đoàn cũ thì tứ tán, vài người tham gia các nhóm, phần tôi và một số đạo hữu trong đoàn cũ vẫn giữ tư thế độc lập, tự do... Nếu có ai hỏi đến thì chỉ trả lời gọn ghẽ: Tôi trước đây qui y với Thầy Thiện Châu...
Được nghe Thầy thuyết Pháp, dậy ngồi thiền.. đọc một số bài viết của Thầy và tụng niệm theo nghi thức lễ Phật chùa Trúc Lâm, sau đây xin ghi lại vài suy ngẫm quanh một số điều Thầy giảng.
Điều gây ấn tượng với tôi khi nghe Thầy giảng về lý Vô Ngã. Thầy đưa ra khái niệm GIẢ HỢP. Chữ này tôi được nghe lần đầu. Sau này tìm hiểu thêm thì theo tôi hai chữ này rất đúng với bản ý của Đức Phật. Theo tôi Đức Phật là bậc thầy của phân tích. Khi trình bầy một sự vât, các phương pháp, các con đường tu học... ngài đều đưa ra nhưng yếu tố cấu thành của nó, mà không tìm cách diễn tả một khái quát chung. „Khái quát, Tổng hợp“ là việc mỗi người tự làm. Ngài không luận bàn theo hướng bản thể luận! Đức Phật không muốn nói nhiều về cái đạt đến, mà chỉ ra con đường đạt được điều đó.
Tụng đọc nghi lễ Phật của chùa Trúc Lâm do Thầy Thiện Châu soạn tôi hiểu được bản ý của Thầy về việc truyền bá và tu tập đạo Phật. Cũng như Thầy Minh Châu, Thầy Thiện Châu cũng phát xuất từ thiền môn Đại thừa, và được qua tu học ở Ấn Độ, hoạt động trong môi trường trí thức, nghiên cứu nên quan tâm nhiều đến những điều do chính đức Phật đức Phật truyền dạy . Các kinh Chuyển Pháp Luân, kinh Vô Ngã Tướng được đưa vào vào nghi thức lễ Phật, đưa chúng ta về ngay thời kỳ đầu của Phật giáo, tụng đọc – tuy không vần điệu, văn phong xưa cũ, lập đi lập lại, nhưng làm cho chúng ta cảm thấy được gần gũi với đức Bổn sư hơn, gần gũi với những giáo lý điều cơ yếu của đạo Phật. Kinh Từ Bi và kinh Chân Hạnh Phúc do Thầy dịch có thể coi là báu vật truyền thừa mà Thầy Thiện Châu đã để lại cho chúng ta. Đối với những người đã quen với kinh tụng ở các buổi lễ Phật trong chùa ở Viêt Nam thì đây quả là một điều mới lạ. Sau này đọc thêm nghi thức của Phật giáo Nguyên thủy thì biết Thầy Thiện Châu đã có tham cứu những nghi thức lễ Phật đó. Phát triển lòng từ bi là pháp môn tu học thù thắng, những lời giảng dạy của đức Phật trong hai kinh đã khái quát được việc đưa đạo Phật vào cuộc đời.
Khi dạy Thiền, tôi còn nhớ Thầy cũng dựa vào kinh Quán niệm hơi thở, dạy về Tứ niệm xứ. Vào thời điểm cuối những năm 60, 70 các Guru Ấn Độ qua Âu Châu dạy Meditation xuất hiện rất nhiều. Thầy cũng hay phê phán các lối thiên „ngoại đạo“. Có lần tôi nghe thầy phê phán về thiền „xuất hồn“ của ông Lương Sĩ Hằng. Khi dịch „Bát Nhã Tâm Kinh“ Thầy đã đổi chữ „chú“ trong „thị đại thần chú, thị đại Minh chú“ thành „sức sáng, sức lớn“. Câu „nhất thiết chú viết“ được dịch thành „nghĩa tinh yếu như vầy“. Và khi dịch câu cuối của Tâm Kinh, Thầy đã lược bỏ chuyện bờ bên này, bờ bên kia, mà chỉ nêu lên những mục đích cao cả của việc tu chứng trí tuệ siêu việt là để giải thoát và giác ngộ hoàn toàn.
Tâm Kinh đã được rút ra từ Kinh Bát Nhã và được xử dụng tụng đọc rộng khắp như một bài chú. Nhưng Thầy Thiện Châu tuy vẫn giữ truyền thống nêu bật „tánh không“ của đại thừa (cho đọc Tâm Kinh) nhưng cũng nhắc nhở Phật Tử không nên coi Tâm Kinh là một bài chú với những mật nghĩa linh diệu. Khi tìm hiểu về tôn giáo, tôi thấy một đặc điểm của tôn giáo là quan tâm đến những điều linh thiêng, huyền nhiệm. Phật Giáo Đại Thừa, với việc tuyệt đối hóa đức Phật, đưa ra các khái niệm Phật Tánh, Chân Như, chú trọng về bản thể luận,.... đã làm cho Phật giáo mang hình thức trọn vẹn của một tôn giáo với những yếu tố triết lý cao siêu và huyền nhiệm, đáp ứng được sự nhu cầu tôn giáo quảng đại quần chúng Phật Tử. Và nhờ điều này mà Phật giáo đã phát triển mạnh mẽ thành một tôn giáo thế giới. Hiện nay mái nhà chung của Phật giáo thế giới đã qui tụ tất cả các môn phái với nhiều pháp môn tu tâp khác nhau. Khi việc đánh giá và chọn lựa một Pháp môn tu tập là một điều khó khăn, thì việc tìm hiểu chính xác những điều của chính đức Bổn sư truyền dạy là một điều cần thiết hơn bao giờ hết.
Tôi còn nhớ các bạn đạo trong đoàn trước đây hay bàn luận đề tài Phật giáo và khoa học, Phật giáo và vật lý lượng tử, Phật giáo có phải là một tôn giáo,…v.v. Những điều này làm cho nhiều người, đặc biệt những ai ham mê khoa học cảm thấy gần gũi với Phật giáo. Nhưng theo tôi có lẽ không vì lý do đó mà có người dấn thân trên con đường đạo. Niềm „khao khát, đam mê“ tu đạo hình như bắt nguồn từ một nơi sâu thẳm đâu đó trong tâm tư con người.
Tôi xin được quí vị và các bạn cho phép dừng lại ở đây những suy tưởng lan man. Để kết thúc xin kể thêm một câu chuyện nhỏ về Thầy Thiện Châu và Thiền. Có một lần tôi đến gặp Thầy ở Trúc Lâm Thiền Viện, Thầy có bảo tôi nhắn với anh Tô Đình Hải, một bạn đạo cũng ở Đức, một người rất thích chụp ảnh, gởi cho Thầy một tấm ảnh có thể làm đề tài thiện định để treo. Anh Hải đã gởi cho Thầy một tấm ảnh chụp cảnh biển mênh mông bao la hiện ra sau một ghềnh đá. Tôi nghĩ chắc Thầy rất hài lòng.
Các vị Tu sĩ Phật giáo ở Ấn Độ đi về hướng đông để truyền bá đạo Phật. Các vị sư Trung quốc, Nhật Bản VN đi về hướng tây để trở về cội nguồn của Phật giáo. Cũng như thế, Thầy Thiện Châu đã đi về hướng tây, và không chỉ dừng ở Ấn Độ, mà còn qua Anh quốc rồi trụ lại ở Pháp. Tại đây Thầy đã dày công xây dựng Trúc Lâm Thiền Viện, Hội người Việt Nam tại Pháp. Thầy mất đã 20 năm, nhưng hình bóng và ảnh hưởng của Thầy vẫn còn đó. Hai năm trước đây khi sang Pháp dự hội thảo, tôi rất tâm phục và thực sự cảm động khi nghe các anh chị trong BCH Hội Phật Tử chùa Trúc Lâm quan tâm bàn luận về việc in ấn kinh sách và tác phẩm của Thầy.
Thầy Thiện Châu là một vị Thầy „có những nét rất riêng“ nhưng Thầy hoàn toàn không có ý muốn lập ra một môn phái trong Phật Giáo. Hôm nay tưởng nhớ Thầy Thiện Châu, chúng ta nhớ đến những nỗ lực của Thầy trong việc cách tân Phật Giáo như xử dụng tiếng Việt trong nghi thức Lễ Phật, giữ cho việc giảng dạy giáo Pháp của Đức bổn sư một cách trung thực, tinh yếu, giản dị và trong sáng phù hợp với căn cơ thời đại; cũng như nhớ đến phong cách nhẹ nhàng, bình dị, luôn sẵn sàng lắng nghe và đối thoại với người khác, với cả những học trò của Thầy.
Mong mỏi chùa Trúc Lâm mãi vững chãi trường tồn. Hôi Phật tử VN ở Pháp hoạt động mạnh mẽ và thành công, đóng góp cho sự phát triển của Phật Giáo theo tinh thần và phong cách của Thầy Thiện Châu.
Trúc Lâm Thiền Viện, 23.09.2018
Phạm Như Phúc,
Pháp danhNguyên Ấn