Thế nào là con đường Phật giáo

 

Hoang Phong

 

 

"Này Subhadda, thuở ấy mới vừa hai-mươi-chín tuổi,

Ta đã rời bỏ thế giới hầu mong cầu sự Tốt Đẹp;

Này Subhadda, thế rồi năm-mươi-mốt năm trôi qua.

Trong suốt thời gian ấy ta từng là một kẻ lữ hành,

ngao du trong thế giới của Đạo Đức và Sự Thật"

 

                                                                                              Đức Phật

 

            Câu trên đây là lời của Đức Phật nói với người đệ tử cuối cùng mà Ngài đã thu nhận trước khi hòa nhập vào Đại bát Niết bàn. Câu này được trích từ Kinh Đại-bát Niết-bàn, Trường Bộ Kinh DN15, phân đoạn V, tiết 62, theo bản dịch từ tiếng Pa-li sang tiếng Anh  của ni sư người Đức Vajirabhikkhuni đến tích Lan quy y và đã lưu lại vĩnh viễn tại nơi này và nhà sư người Anh Anagarika Sugatananda (Francis Story, 1910-1972) đã từng phiêu bạt 25 năm tại các nước Tích Lan, Ấn Độ, Miến Điện để tu học và đã để lại một công trình trước tác và dịch thuật đồ sộ và giá trị. Quyển sách trên đây của họ đã được tái bản nhiều lần, đó là quyển Maha-parinibbana Sutta: Last days of the Buddha, Buddhist Publication Society, Kandy, Sri Lanka, ấn bản 1998.

 

Trong Phật giáo có một thuật ngữ rất quen thuộc nhưng cũng rất đơn giản, đơn giản đến độ không mấy ai nghĩ đến ý nghĩa sâu xa của nó, tiếng Pa-li và tiếng Phạn gọi là "yana" nguyên nghĩa là con đường. Tiền ngữ ya là một động từ có nghĩa là đi hay bước đi. Chữ yana là danh từ ngoài ý nghĩa là con đường còn có nghĩa là một "phương tiện chuyển tải", một "cỗ xe", một "học thuyết" hay một "đường hướng tư tưởng" - kinh sách Hán ngữ dịch là "thừa" - chẳng hạn như Hynayana/Tiểu thừa, Mahayana/Đại thừa, Vajrayana/Kim Cương thừa, v.v. Tuy nhiên dường như ý nghĩa bao quát của chữ này trong thuật ngữ Dhammayanam tạm dịch    Con Đường Đạo Pháp, nói lên đường hướng Giáo Huấn của Đức Phật, là đáng lưu ý hơn cả.    

 

Đức Phật nêu lên toàn bộ đường hướng đó - tức là Con Đường mà Ngài vạch ra - ngay khi Ngài thuyết giảng lần đầu tiên cho năm người bạn đồng tu với mình trước kia về Bốn Sự Thật Cao Quý và khái niệm về Con Đường nêu lên trong Sự Thật Thứ Tư, tức là Con Đường mang lại sự chấm dứt khổ đau. Cũng xin lưu ý là trong tiếng Pa-li và cả tiếng Phạn còn có một chữ khác cũng có nghĩa là con đường, đó là chữ magga (tiếng Pali) và marga (tiếng Phạn), trong các ngôn ngữ này các chữ yanamagga được sử dụng tùy theo từng trường hợp. Khi giải thích về Sự Thật Thứ Tư tức là Con Đường mang lại sự chấm dứt khổ đau thì Đức Phật cho biết là Con Đường đó gồm có tám yếu tố và được goị là Con Đường Cao Quý gồm Tám Điều [Đúng Đắn], tiếng Pa-li là: Ariyo atthangiko maggo, tiếng Phạn là Aryastangamarga.

 

Suốt trong lịch sử Phật giáo cho đến ngày nay, các bài giảng, bài viết cũng như các tập luận về Bốn Sự Thật Cao Quý và Con Đường gồm Tám Điều [Đúng Đắn] đã quá nhiều, do đó bài viết này không hề là một cách đẩy một cánh cửa đã mở mà chỉ là một cố gắng nêu lên ý nghĩa bao quát về Con Đường mà Đức Phật đã vạch ra cho những con người sống cách nay hơn 25 thế kỷ và cả chúng ta hôm nay. Con Đường đó thật sự là gì, có đúng là một hình thức tín ngưỡng như các tín ngưỡng khác hay không?  

 

Một cách tổng quát con đường là một "phương tiện" giúp mọi người bước đi, bước đi là một hành động và cũng có nghĩa là một sự dấn thân. Đức Phật khám phá ra Con Đường giúp chúng ta bước đi để thoát khỏi một thứ gì đó và đạt được một cái gì khác. Đức Phật không phải là một Giáo chủ mà chỉ là một Con Người sáng suốt, một vị Thầy siêu việt, khám phá ra một Sự Thật và tiếp theo đó vạch ra một Con Đường giúp chúng ta dấn thân để đạt được Sự Thật ấy.  

 

Đức Phật không phải là một người sáng chế ra tôn giáo, tấm bảng Phật giáo trên Con Đường là do chúng ta dựng lên. Bất cứ ai cũng có thể bước vào Con Đường bởi vì nó không đòi hỏi phải có đức tin hay một hình thức ngoan ngoãn nào cả. Trên Con Đường đó không có cổng soát vé hay tra hỏi lý lịch, cũng không có một tòa án xét xử nào cả. Hành trang duy nhất để bước vào Con Đường vỏn vẹn chỉ là lòng quả cảm và tình thương yêu. Đối với một kẻ lữ hành bước đi trên Con Đường đó thì sau lưng sẽ không có một Địa ngục nào hăm dọa và trước mặt cũng chẳng có một Thiên đường nào chờ đợi, mà duy nhất trong lòng chỉ ôm nặng một hoài bảo, một chủ đích, một bổn phận hay trách nhiệm nào đó đối với chính mình và kẻ khác. Vậy Con Đường là gì, mang các đặc tính như thế nào để giúp mình thực hiện cái bổn phận hay trách nhiệm đó mà mình tự đặt ra cho chính mình?     

 

Con Đường của Phi-bạo-lực  

 

Những lời giảng dạy cua Đức Phật tức là Giáo Huấn của Ngài, tiếng Pa-li là Dhamma, tiếng Phạn là Dharma, kinh sách Hán ngữ dịch là Pháp (), nguyên nghĩa của chữ Pháp này là luật pháp, do đó cách dịch này không chính xác vì ý nghĩa của chữ Dhamma hay Dharma bao quát và sâu sắc hơn nhiều. Dầu sao Giáo Huấn của Đức Phật cũng không phải là luật pháp hay phán lệnh mà chỉ là những lời chỉ dẫn giúp chúng ta bước đi thật vững chắc trên Con Đường. Những lời chỉ dạy đó gồm chung trong ba tạng kinh điển gọi là Tam Tạng Kinh. Thế nhưng thật ra thì chỉ có hai tạng đầu tiên là những lời giảng dạy trực tiếp của Đức Phật, tạng thứ ba là những lời giải thích thêm của các vị đại sư sau này về Giáo Huấn của Ngài. Trong tạng thứ nhất Đức Phật đưa ra các quy tắc còn được gọi là giới luật, các đệ tử của Ngài, nam cũng như nữ và cả những người thế tục, tùy theo trường hợp phải tuân thủ một số các quy tắc đó. Mục đích của giới luật là nhằm tạo ra một Tăng đoàn gương mẫu, một xã hội hài hòa, không xung đột, nói chung là mang lại một nền Đạo Đức cho cuộc sống cá nhân và cả tập thể hầu tạo ra các điều kiện thuận lợi giúp mỗi người hướng vào các mục đích cao xa hơn.

 

Đức Phật đưa ra hơn ba trăm giới luật, tại sao Ngài lại khắt khe đến như vậy đối với những con người trong thời đại của Ngài? Chỉ cần nhìn vào giới luật đầu tiên là không được tước đoạt sự sống của bất cứ một chúng sinh nào và sau đó nhìn vào những cảnh hung bạo nhan nhãn trong xã hội ngày nay thì chúng ta sẽ hiểu ngay tại sao Đức Phật lại khắt khe như thế cách nay đã hơn 25 thế kỷ.

 

"Này Subhaddha, thuở ấy mới vừa hai-mươi-chín tuổi,

Ta đã rời bỏ thế giới để mong cầu sự Tốt Đẹp"

 

            Câu trên đây cho thấy quyền lực, hạnh phúc gia đình, tiện nghi và xa hoa không phải là những gì Tốt Đẹp. Thái tử Siddhartha đã nhận thấy điều đó trước khi khám phá ra Con Đường. Bám víu vào các thứ ấy là nguồn gốc của bạo-lực, từ bỏ các thứ ấy là cội nguồn của an vui. Cắt phăng những lọn tóc trên đầu, vứt bỏ đôi dép, đổi quần áo với một người ăn xin để đi tìm con đường Sự Thật không hề là một thái độ điên rồ mà là một hành vi can đảm, một quyết tâm phi thường, một sự từ bỏ tuyệt đối. Sự Từ-bỏ trọn vẹn đó là thể dạng Phi-bạo-lực sâu xa nhất, tiếng Pa-li là Avihinsa, tiếng Phạn là Ahimsa. Thái độ Phi-bạo-lực đó không hề là một sự yếu hèn mà là cội nguồn của Đạo Đức đích thật.   

 

            Chính trị che dấu bao lực của uy quyền, giàu sang đội lốt bạo lực của sự ích kỷ, hạnh phúc gia đình đồng lõa với bạo lực của sự bám víu, tín ngưỡng ẩn nấp phía sau bạo lực của sự sợ chết. Thật vậy, bạo lực hiển hiện dưới muôn ngàn hình thức: từ trộm cắp đến xâm chiếm thuộc địa, từ tiền bạc đến buôn bán nô lệ, từ cướp giật đến đại chiến thế giới, từ đói nghèo đến tỷ phú, từ một kẻ ôm bom đến các đạo quân thiện chiến, từ súng đạn đến bom hạt nhân, từ chiếc xe đạp "thồ" khí giới trong rừng đến chiếc phi cơ mang bom hạt nhân bay trên trời cao, từ chiếc tàu ngầm dưới đáy đại dương đến chiếc hàng không mẫu hạm kềnh càng trên mặt biển..., tất cả phản ảnh sự sôi sục của bạo lực, phát sinh từ một nguyên nhân thật đơn giản: sự bảo vệ miếng ăn! Cái nguyên nhân đơn giản đó bắt nguồn từ bản năng sinh tồn, ăn sâu trong tâm thức con người, tiếc thay khi phát lộ ra bên ngoài thì nó trở nên vô cùng thô bạo và khủng khiếp.

 

Những kẻ lợi dụng uy quyền và tiền bạc để sách nhiễu tính dục với phụ nữ, những kẻ cô thế không phương tiện dùng vũ lực để hãm hiếp, những kẻ đạo mạo thích "sờ mó" trẻ con, phụ nữ ăn mặc hở hang, trát phấn thoa son, làm duyên làm dáng, khích động những kẻ đam mê tính dục ..., tất cả là các hình thức bạo lực phát sinh từ bản năng truyền giống. Dù thuộc các tầng lớp thấp trong xã hay các cấp lãnh đạo quốc gia, đôi khi cũng khó cho họ tránh khỏi các hình thức bạo lực thô thiển và lộ liễu của bản năng truyền giống. Thế nhưng cũng lạ, bản năng truyền giống lắm khi cũng hiện ra dưới các hình thức bạo lực vô cùng tinh tế, trá hình thật tài tình qua các sinh hoạt thật "lý tưởng" và "tuyệt đẹp": nào là tình yêu, sự trìu mến, vuốt ve, hôn hít, nào là thi phú ướt át, tiểu thuyết tình cảm, âm nhạc trữ tình, đôi khi liên hệ đến cả lãnh vực khoa học với các viên thuốc màu xanh hay giải phẩu thẫm mỹ..., các hình thức bạo lực này quả hết sức kín đáo, rất nghệ thuật và đầy sáng tạo.  

 

Từ hành tinh đến Thượng đế, từ địa ngục đến thiên đường, từ đức tin đến ly giáo, từ ngoan ngoãn đến sợ hãi, từ ẩu đả đến thánh chiến ngàn năm, từ khuyến dụ đến tử đạo..., tất cả là sản phẩm của tôn giáo và tín ngưỡng, tất cả phát sinh từ các hình thức bạo lực của bản năng sợ chết. Thế nhưng bản năng này đôi khi cũng hiện lên dưới các hình thức thật cầu kỳ và phức tạp: từ các hang động thiêng liêng đến các nơi thờ phượng nguy nga, tinh xảo và đồ sộ, từ triết học đến thần học, từ cờ xí đến hiến sinh, từ van xin đến lễ lạc, từ quỷ sứ đến thánh nhân, từ phù thủy đến các giáo sĩ đạo mạo,..., tất cả nói lên một sự sinh hoạt náo nhiệt, phản ảnh kín đáo bạo lực của bản năng sợ chết.

 

Thật ra con người cũng đã thiết lập được nhiều biện pháp bảo đảm cho sự vận hành của ba thứ bản năng trên đây được suôn sẻ, chẳng hạn như chính trị, truyền thống, luân lý, công an, cảnh sát, nhà giam, trại cải tạo, kinh tế mới, goulag, cách mạng văn hóa, v.v. Trong số các biện pháp này dường như luật pháp là quan trọng hơn cả, thế nhưng luật pháp thì lại có đến hai thứ: luật pháp của con người và luật pháp của Thượng Đế. Nếu suy xét cẩn thận thì luật pháp của con người, dưới một góc nhìn nào đó, cũng chỉ là một sự trả thù, chẳng hạn như xử tử một cụ già 83 tuổi dù trong quá khứ người này đã từng là một kẻ sát nhân cũng vậy. Đấy cũng chỉ là một cách trả thù nhỏ mọn, hoặc khi luật pháp cho phép mỗi công dân được quyền mang súng để tự bảo vệ thì đấy cũng chỉ là một thứ luật pháp rẻ tiền.

 

Luật pháp của Thượng Đế cũng không hơn gì, chỉ là một hình thức thưởng phạt độc đoán mang tính cách vĩnh viễn, không có thủ tục chống án, cũng không có chuyện bảo lảnh ưu tiên 1 hay 2 gì cả, không ai cứu được ai, khôn nhờ dại chịu. Dù luật pháp đó vô cùng đơn giản: hoặc trắng hoặc đen, thế mà cũng có một vị Giáo chủ không thuộc bài khi cho rằng không có địa ngục. Địa ngục và Thiên đường chỉ là hai thái cực nhị nguyên và đối mặt mang tính cách khái niệm, cả hai phải lệ thuộc vào nhau để hiện hữu: "cái này có cái kia có, cái này không có cái kia không có".

 

            Tóm lại dù là luật pháp của con người hay của Thượng Đế thì cả hai cũng chỉ là các biện pháp sử dụng bạo lực để trấn áp bạo lực mà thôi. Một số bạo lực tuy phát sinh từ sự tranh dành rất đơn giản là miếng ăn, thế nhưng cũng có thể tạo ra các vị anh hùng quốc gia và dân tộc. Một số bạo lực tuy phát sinh từ sự thúc đẩy kín đáo của của bản năng truyền giống, thế nhưng cũng có thể tạo ra các nghệ sĩ tài ba trong mọi lãnh vực nghệ thuật trong đó kể cả văn chương. Một số bạo lực phát sinh từ các cảm tính thiêng liêng và cầu kỳ của bản năng sợ chết, thế nhưng cũng có thể tạo ra các thánh tử đạo, các vị Giáo chủ đạo mạo để kẻ khác tôn kính và khúm núm. Che dấu phía sau các thứ bạo lực phát sinh từ các bản năng ấy là hận thù, xung đột, đau thương kéo dài trong suốt lịch sử nhân loại. Duy nhất chỉ có bản năng truyền giống là gây ra các tác hại tương đối "nhẹ nhàng" hơn, chỉ loanh quanh các chuyện tương tư, thất tình, ghen tuông, đâm chém, án mạng, tự tử, sờ mó, hãm hiếp, hoặc ngược lại thì sinh đẻ quá nhiều, nuôi con không xuể, dân số gia tăng.

 

Con Đường của Phi-bạo-lực là một sự Từ bỏ toàn toàn và dứt khoát tất cả các hình thức bạo lực phát sinh từ các thứ bản năng đó. Thế nhưng bước đi trên Con Đường mà chỉ có một chút vốn liếng Đạo Đức mang theo thì cũng chưa đủ, mà phải còn "Trông Thấy", có nghĩa là ý thức được từng bước chân mình trong thế giới và cả hướng đi đang mở ra trước mặt. Vậy sự "Trông Thấy" ấy là  gì?

 

"Này Subhadda, thế rồi năm-mươi-mốt năm trôi qua.

Trong suốt thời gian ấy ta từng là một kẻ lữ hành,

ngao du trong thế giới của Đạo Đức và Sự Thật"

 

Con Đường của Sự thật

 

Sự "Trông thấy" ở đây có nghĩa là quán thấy được Sự Thật, là khía cạnh thứ hai và cũng là cốt lõi căn bản nhất của Con Đường. Kinh sách gọi sự "Trông Thấy" ấy là Trí Tuệ, tức là sự sáng suốt, đối nghịch lại với vô minh là một sự "hiểu biết lầm lẫn". Chúng ta nhìn vào thế giới nhưng lại mù tịt về thế giới. Đủ mọi thứ hiện tượng hiện lên chung quanh chúng ta trong thế giới đó, có những hiện tượng thích thú và xinh đẹp, nhưng có những hiện tượng đớn đau và xấu xa. Thế giới đó chuyển động và biến đổi không ngừng. Khi nhìn trở vào tâm thức mình, thì thật hết sức bất ngờ mình cũng lại trông thấy thêm một thế giới khác nữa bên trong tâm thức đó của chính mình. Cái thế giới bên trong đó là của riêng mình, do mình tạo ra cho mình, nó không giống với bất cứ một thế giới nào trong tâm thức của những người khác. Nếu nhìn ngược về quá khứ để hình dung ra thế giới của thuở còn cắp sách đến trường hay trong lúc còn được mẹ bồng bế vỗ về, thì mình cũng sẽ nhận thấy cái thế giới xa xưa ấy của mình cũng luôn ở thể dạng chuyển động và không ngừng biến đổi.  

 

Sự nhận định khác biệt nhau về thế giới bên ngoài và sự bám víu vào thế giới bên trong giữa tất cả mọi người là nguyên nhân sâu xa nhất đưa đến mọi sự tranh cãi, chấp nhất, xung đột, từ trong gia đình đến bên ngoài xã hội, suốt trong lịch sử con người. Thế nhưng nguyên nhân nào đã làm phát sinh ra các cảm nhận khác biệt đó giữa mọi người đối với thế giới bên ngoài cũng như đối với sự bám víu vào thế giới bên trong của chính mình?

 

Đức Phật cho biết chúng ta nhìn vào thế giới, cảm nhận được thế giới và tiếp xúc với thế giới xuyên qua sáu thể loại tri thức: thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác, xúc giác và tâm thần. Sáu thể loại tri thức đó phát sinh từ sáu cơ quan cảm giác: mắt, tai, mũi, lưỡi, da thịt và não bộ. Dưới một góc nhìn nào đó cũng có thể xem sáu cơ quan cảm giác này như là sáu "lăng kính" khiến sự nhận thức vừa bị méo mó vừa trở nên khác biệt nhau giữa mỗi cá thể, đối với thế giới bên ngoài và cả bên trong tâm thức mình. Khả năng và sự bén nhạy của sáu cơ quan cảm giác không những hạn hẹp và lệch lạc như trên đây mà còn bị chi phối bởi rất nhiều điều kiện khác nữa. Chỉ cần đơn cử một thí dụ cụ thể: một người mù sẽ không trông thấy được hình tướng, sự chuyển động, ánh sáng, màu sắc, v.v., do đó thế giới mà người này cảm nhận được sẽ khác hẳn với thế giới mà mỗi người trong chúng ta "nhìn thấy". Trong số sáu cơ quan cảm giác đó thì tâm thức là rắc rối hơn cả, nó cảm nhận được các tín hiệu phát sinh từ năm cơ quan cảm giác khác, và sau đó thì nó diễn đạt các cảm nhận ấy xuyên qua các công thức và quy ước mang lại bởi giáo dục và các kinh nghiệm cá nhân của chính nó. Đặc biệt hơn nữa là nó có thể ý thức được chính nó, tức là sự "vận hành" của nó. Cũng xin nhắc thêm là sự "ý thức" về sự vận hành của nó thường bị người ta hiểu lầm và đồng hóa với cái được gọi là "linh hồn" của một cá thể.

 

Giáo dục, sự bén nhạy của các cơ quan cảm giác và các kinh nghiệm cá nhân nơi mỗi cá thể chỉ là các nguyên nhân "bên ngoài" tạo ra các sự nhận biết khác biệt nhau về thế giới giữa các cá thể. Nguyên nhân sâu xa hơn thuộc "bên trong" và liên hệ đến quá khứ - đôi khi rất lâu đời - của từng cá thể, kinh sách gọi các nguyên nhân này là karma/nghiệp. Nghiệp là kết quả do "hành động" tạo ra, nói một cách khác là hậu quả mang lại bởi cung cách suy nghĩ, thái độ hành xử cũng như các phản ứng của mỗi cá thể trước các bối cảnh chung quanh. Không có hai cá thể cùng cảm nhận, suy nghĩ và hành động giống nhau trước một hiện tượng nào đó, vì thế kết quả mang lại - tức là nghiệp - cũng sẽ khác biệt  nhau, đưa đến các quan điểm, chính kiến và các kinh nghiệm cảm nhận khác nhau. Hình ảnh một người hành thiền, bất động trên thân xác và im lặng trong tâm thức hàng giờ, thật hết sức tương phản với hình ảnh một người ăn nói huyên thiên, không thể suy nghĩ hay chú tâm vào bất cứ một chủ đề nào quá năm phút. Người hành thiền đạt được thể dạng phi-bạo-lực thật sâu bên trong tâm thức mình, trong khi đó tâm thức của người ăn nói huyên thiên luôn bị dấy động, sôi sục và nổ tung mỗi khi tiếp xúc với một cảm nhận nào đó dù chỉ nhỏ nhoi và vô nghĩa.

 

Ngoài các nguyên nhân - nghiệp, giáo dục, tình trạng bén nhạy của các cơ quan cảm giác - làm méo mó các cảm nhận của mình đối với thế giới, còn có một nguyên nhân khác nữa thuộc vào lãnh vực triết học và tâm lý học - và do đó cũng sâu xa và khó nắm bắt hơn - khiến sự quán thấy của mình về thế giới bị lệch lạc hẳn đi, xin nhắc lại sự lệch lạc đó kinh sách gọi là "vô minh". Hiện thực hiện lên với mình qua các hiện tượng rất thật thế nhưng không hoàn toàn đúng là thật như mình tưởng.

 

            Bất cứ một hiện tượng nào cũng vậy, dù là bên ngoài hay bên trong tâm thức, vô hình hay hữu hình, nhất thiết phải liên kết với các hiện tượng khác để hiện hữu, không có bất cứ một hiện tượng nào tự nó có thể hiện hữu được. Nguyên lý đó mang tính cách toàn cầu chi phối sự vận hành của toàn thể thế giới hiện tượng, tiếng Pa-li gọi là Paṭiccasamuppada, tiếng Phạn là Pratityasamutpada. Nguyên lý về sự "tương liên, tương kết và tương tạo giữa tất cả mọi hiện tượng" đó là nền tảng chủ yếu và cốt lõi nhất của toàn bộ triết học Phật giáo. Nguyên lý đó cho thấy tất cả mọi hiện tượng đều phải ở thể dạng "cấu hợp", không có một hiện tượng nào có thể "độc lập" được. Khi phải thuyết giảng về nguyên lý vô cùng siêu việt đó cho những con người chất phác vào thời đại của Ngài thì Đức Phật đã sử dụng những câu thật đơn giản, đơn giản đến độ thật bất ngờ: "Cái này có, cái kia có. Cái này không có, cái kia không có".  Chỉ hai câu đó cũng đủ để giải thích sự vận hành của cả vũ trụ.

 

            Tóm lại thế giới bên ngoài rất thật: cây cỏ, sông ngòi, con người, không khí, vũ trụ, chiến tranh, súng đạn, lịch sử, đàn ông, đàn bà..., tất cả đều rất thật, và cũng thật "may mắn" nhờ đó mà khoa học mới có thể đứng vững được qua một góc nhìn và ở một mức độ nào đó. Thế nhưng tình trạng rất thật đó của thế giới lại không hoàn toàn vững chắc vì nó luôn biến đổi. Các hiện tượng bắt buộc phải liên kết với nhau để hiện hữu vì thế chúng không hàm chứa từ bên trong chúng một sự hiện hữu tự tại hay nội tại nào cả. Nếu một thành phần liên hệ hay một điều kiện tạo ra một hiện tượng biến đổi thì hiện tượng đó cũng sẽ biến đổi theo để trở thành một hiện tượng khác, hiện tượng trước kia sẽ không còn nữa. Thế giới vì thế luôn ở trong tình trạng biến động thường xuyên: hiện tượng này sinh ra, hiện tượng kia sinh ra, hiện tượng này biến mất, hiện tượng kia biến mất. Vì vậy, tuy rất thật thế nhưng thế giới cũng chỉ tương tự như "ảo giác" hay "ảo ảnh" mà thôi.

 

            Thân xác của chúng ta là một sự chuyển tiếp, một thể dạng trung gian giữa thế giới bên ngoài - vừa thật nhưng cùng vừa là ảo giác -  và thế giới bên trong tạo ra bởi sự vận hành của sáu thể loại tri thức xuyên qua sáu "lăng kính" cũng bị méo mó và lệch lạc. Vì thế sự tiếp xúc đó của mỗi cá thể với thế giới bên ngoài cũng như bên trong chỉ tạo ra các sự cảm nhận chủ quan tách ra khỏi hiện thực.

 

            Thế nhưng trong thế giới hiện tượng dường như vẫn có một cái gì đó rất thật, chẳng hạn như thân xác chúng ta. Đức Đạt-lại Lạt-ma thường giảng như sau: nếu cho rằng thân xác mình không thật và chỉ là ảo giác thì cứ thử véo thật mạnh vào cánh tay mình xem có đau hay không. Thế nhưng thân xác đó dù rất thật nhưng cũng chỉ là một sự cấu hợp tạm thời, là kết quả mang lại từ sự gặp gỡ giữa một con tinh trùng của cha và một noãn cầu của mẹ. Nếu nhìn ngược về quá khứ xa hơn nữa của cha mẹ mình thì mình cũng sẽ thấy con tinh trùng và cái noãn cầu tạo ra mình cũng chỉ là các cấu hợp liên quan đến không biết bao nhiêu hiện tượng, biến cố và điều kiện khác, không những đối với quá khứ của cha mẹ mình mà cả môi trường sống của họ trước khi một con tinh trùng và một noãn cầu của họ kết hợp với nhau để tạo ra mình. Nếu nhìn trở lại tình trạng của mình ngày nay thì sự hiện hữu của mình cũng chỉ là một sự cấu hợp tạo ra bởi thức ăn của không biết bao nhiêu người nông dân làm ra, bởi giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội, và cả các kinh nghiệm cảm nhận do mình tạo ra cho mình.  

 

            Nếu ngồi xuống trong yên lặng để lắng thật sâu vào bên trong các cấu hợp thân xác và tâm thức mình thì mình sẽ nhận thấy bên trong của bên trong các cấu hợp ấy cũng chỉ là một sự trống không mà thôi. Đó là sự "Trông Thấy" trên Con Đường giúp mình biết buông bỏ tất cả hầu mang lại cho mình thể dạng phi-bạo-lực toàn vẹn và tuyệt đối của Đạo Đức và sự Giải Thoát.  

 

Kết luận

 

            Con Đường Đạo Đức và sự Giải Thoát trên đây có vẻ thật dài và khá gay go, thế nhưng phải hiểu rằng điểm khởi hành nằm bên trong tâm thức mình và mức đến cũng ở bên trong cái tâm thức đó của chính mình. Vì thế nếu tâm thức luôn ở trong tình trạng sôi sục và nổ tung thì Con Đường sẽ thăm thẳm, thế nhưng nếu tâm thức "Trông Thấy" được bản chất sâu kín của nó và của thế giới để hiểu rằng phải dừng lại, không tham gia vào sự sôi sục bên trong nó, cũng không hướng ra bên ngoài nó để đuổi bắt các sự chuyển động của thế giới, thì nó sẽ đạt được thể dạng phi-bạo-lực tuyệt đối, biến điểm khởi hành trở thành điểm đến, bởi vì cả hai và cả Con Đường cũng chỉ là tâm thức mà thôi.  

 

            Thế nhưng trên Con Đường nào phải duy nhất chỉ có mình mà chung quanh mình còn có vô số những người khác, có những người bước đi với đôi chân xiêu vẹo, vấp ngã, có những người vẫn còn mải mê với quang cảnh hai bên đường, và đồng thời cũng không thiếu những người đi ngược chiều với mình. Đi chậm lại hay dừng lại để chăm lo và khích lệ họ là một bổn phận. Thế nhưng trong sự khuyên nhủ đó đôi khi cũng nên nói lên những lời ngay thẳng đánh thức những ai vẫn còn đắm chìm trong giấc mơ triền miên của thế giới ảo giác. Dầu sao thì những lời nói thẳng thắn ấy tuyệt nhiên không được vướng mắc vào bất cứ một hình thức bạo-lực nào mà từ bên trong còn phải ẩn chứa cả một con tim chân thật và một tấm lòng từ bi vô biên.    

 

            Khi được Đức Phật nhận làm đệ tử thì Subhadda đã lớn tuổi và đau yếu. Nếu Con Đường vẫn còn mới mẻ và xa lạ đối với người đệ tử này, thì trong khi đó Đức Phật đang bước những bước cuối cùng trong kiếp nhân sinh này của mình và đã lưu lại sau lưng không biết bao nhiêu trăm vạn bước chân trên con Con Đường đó. Thế nhưng cũng lạ, dường như Ngài vẫn còn đang bước bên cạnh chúng ta hôm nay! Thật vậy Con Đường của Đạo Đức và Sự Thật không có điểm khởi thủy và cũng không bao giờ chấm dứt.

 

                                                                                              Bures-Sur-Yvette, 19.05.18

                                                                                                          Hoang Phong