Kinh Sa môn chơn chánh

 

Thích Thiện Châu

 

Để tìm hiểu tư tưởng của Thầy Thiện Châu, thiết tưởng không gì hay hơn là tìm đọc những bài viết, bài giảng, những phát biểu của chính Thầy trong suốt quá trình hoằng pháp, nhất là từ khi Thầy đặt chân lên ðất Pháp nãm 1966 cho đến khi Thầy viên tịch nãm 1998.

Xin gửi đến các thiện tri thức bài giới thiệu " Kinh Sa môn chơn chánh" . Thầy khuyên " điều cần thiết khi đọc kinh là phân biệt kinh nào là kinh Phật, kinh nào là kinh Tổ ".

Đệ tử N Đ

 

I. Giới thiệu

 

Kinh "Sa môn Chơn chánh" (1) rút từ tập Phật Thuyết Như Vậy (Itivuttaka), một trong 15 quyển thuộc "Tiểu bộ kinh" (Khuddaka Nikâya), Pâli Text Society -- HT Thích Minh Châu đã dịch, Tu thư

Phật học Vạn Hạnh xuất bản năm 1982.

 

Nội dung nói về sự quan trọng của "Bốn chơn lý cao cả" (Tứ Diệu Ðế) : Dù là Sa môn hay Bà la môn mà không hiểu đúng khổ, khổ nhân, khổ diệt và đạo diệt khổ thì cũng không thể được Phật thừa nhận là Sa môn hay Bà la môn. Hơn nữa, nếu không thấy rõ khổ, khổ nhân, mong ước khổ diệt (Nirvâna, Niết bàn) và tu tập Giới Ðịnh Tuệ để diệt khổ thì những người ấy, ngay trong đời này không thể

đạt được mục đích của Sa môn hay Bà la môn.

 

Ðiều này được chứng minh đầy đủ bằng lời tuyên bố của chính Phật Tổ trong Kinh Chuyển Pháp Luân, bài thuyết pháp đầu tiên sau khi đắc đạo: "...và các Tỳ kheo, cho đến khi nào tri kiến như thật về 4 chơn lý cao cả với 3 chuyển (2), 12 tướng (3) hoàn toàn rõ ràng nơi ta thì khi ấy, các Tỳ kheo, ta mới tự nhận đã chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác...".

 

Rõ ràng hơn nữa là hầu hết các kinh do Phật thuyết giảng trong 45 năm đều hàm chứa đạo lý Bốn chơn lý cao cả như Phật khẳng định với đệ tử trước khi viên tịch.

 

Ấy thế mà có nhiều kinh điển được phát triển về sau xem Bốn chơn lý cao cả là thấp kém, thuộc về Tiểu thừa. Ðiển hình nhứt là bài kệ sau đây :

 

    Mười hai A Hàm, Phương Ðẳng tám,

    Hai mươi hai năm nói Bát Nhã

    Hoa Nghiêm đầu tiên ba bảy ngày

    Pháp Hoa, Niết Bàn cộng tám năm.

 

    (A Hàm thập nhị, Phương Ðẳng bát,

    Nhị thập nhị niên Bát Nhã đàm

    Hoa Nghiêm tối sơ tam thất nhật

    Pháp Hoa, Niết Bàn cộng bát niên).

 

Theo bài kệ này của một cổ đức Trung Quốc thì Phật, sau khi đắc đạo, giảng Kinh A Hàm trong 12 năm để dắt dìu hàng sơ cơ thấp kém. Nội dung của A Hàm là Tứ đế. Sau đó Phật lần lần thuyết các kinh cao hơn, như các bộ Phương Ðẳng trong 8 năm, các bộ Bát Nhã trong 22 năm, bộ Hoa Nghiêm đã được Phật thuyết trong 21 ngày sau khi đắc đạo, song không phải cho hàng thấp kém thanh văn mà cho các thượng căn Bồ tát, và năm sau cùng Phật thuyết Kinh Pháp Hoa và Kinh Niết Bàn.

 

Lối "phán giáo" này không phù hợp với lịch sử tư tưởng Phật giáo và nhất là hoàn toàn sai với lịch trình thuyết pháp của Phật vì Phật không hề thuyết pháp theo trình tự giảng dạy ở nhà trường mà tùy theo đối tượng người nghe. Sự sai lầm lớn nhất là xem nội dung A Hàm là thấp kém - tiểu thừa, và nội dung Niết Bàn, Pháp Hoa là cao nhất - tối thượng thừa.

 

Các cổ đức Trung Quốc là những bậc lão thông kinh điển, nhất là kinh điển phát triển Ðại thừa, song rất thiếu sót về quan niệm lịch sử nhất là lịch sử Phật giáo Ấn Ðộ. Ðiều này không có gì lạ bởi vì Trung Quốc và Ấn Ðộ, ngày xưa rất xa cách nhau, và quan niệm về Phật Tổ của các vị cũng không được chính xác cho lắm. Chúng ta không có gì để phiền trách các vị cổ đức. Ðiều đáng phê bình là

các học giả Phật học sau này, kể cả những nhà Phật học Trung Quốc cũng như Việt Nam, sau khi đã tiếp xúc với Ấn Ðộ và Phật giáo Nguyên thủy vẫn còn duy trì những sự hiểu biết cổ kính sai lầm như cách phán giáo ấy.

 

Quan niệm lệch lạc về lịch sử tư tưởng Phật giáo này đã gây nên hậu quả nguy hiểm là khinh rẻ giáo lý căn bản do chính Phật thuyết trong 45 năm, trái lại ham chuộng kinh điển phát triển về sau. Thậm chí, có những tôn phái chủ trương chỉ đọc tụng một bộ Kinh Pháp Hoa hay chỉ cần ca ngợi Kinh Pháp Hoa bằng cách tụng niệm câu "Nam mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh" cũng đủ thành Phật! Vì khinh rẻ kinh điển căn bản nên cũng kỳ thị luôn những người tu học theo kinh điển ấy. Những sự nghiên cứu đúng đắn về Phật học, nhất là kinh điển căn bản gần đây của các học giả, đã phá tan phần nào sai lầm này.

 

Lẽ dĩ nhiên trong các kinh điển phát triển có rất nhiều ý cao đẹp của Phật Tổ được giải thích rộng ra rất là lý thú song đứng về chơn lý vẫn có những điểm quá xa, nhiều khi quá lệch lạc, nhất là hay tuyên truyền về sự đặc thù của kinh. Ví dụ đọc Kinh Kim Cương, chúng ta tìm thấy đạo lý vô ngã được giải thích rộng trong mục đích chống phá các ngã kiến sai lầm: Ngã (chấp có cái ta), Nhơn (chấp có một người trong cái thân tâm vật lý này), Chúng sanh (chấp có một chúng sanh tái sanh từ đời này qua kiếp khác), Thọ giả (chấp có một nguyên lý duy trì sự sống), trong khi Kinh Vô Ngã Tướng do Phật thuyết nói rõ 5 uẩn là vô ngã, vô thường một cách rõ ràng, gẫy gọn mà không hề có sự tuyên truyền về kinh. Như thế, đối với chúng ta, tất cả gia tài giáo lý mà chúng ta có được đều là vô giá, song điều cần thiết khi đọc kinh là phân biệt kinh nào là kinh Phật, kinh nào là kinh Tổ.

 

Có thể nói rằng chừng nào những sai lầm trầm trọng này được chấm dứt trong sách báo Phật học cũng như trong tâm tư Phật tử thì sự hiểu biết về toàn bộ Phật học mới chính xác và thái độ tự tôn Ðại thừa và kỳ thị Tiểu thừa mới thật sự chấm dứt; khi đó mới có sự hòa hợp thật sự giữa Phật tử Bắc tông và Nam tông.

 

II - Chánh Kinh

 

Này các Tỳ kheo, những Sa môn và Bà la môn nào không hiểu biết như thật "Ðây là khổ", không hiểu biết như thật "Ðây là khổ nhân", không hiểu biết như thật "Ðây là khổ diệt", không hiểu biết như thật "Ðây là con đường đưa đến khổ diệt" thời này các Tỳ kheo, những Sa môn và Bà la môn ấy không được ta thừa nhận là Sa môn trong hàng Sa môn hay Bà la môn trong hàng Bà la môn, và các tôn giả ấy, ngay trong đời này, cũng không tự mình chứng đạt thắng trí và an trú trong sự thành tựu mục đích của Sa môn và Bà la môn. Này các Tỳ kheo, những Sa môn và Bà la môn nào hiểu biết như thật "Ðây là khổ", hiểu như thật "Ðây là khổ nhân", hiểu biết như thật "Ðây là khổ diệt", hiểu biết như thật "Ðây là con đường đưa đến khổ diệt" thời này các Tỳ kheo, những Sa môn và Bà la môn ấy được ta thừa nhận là Sa môn (4) trong hàng Sa môn hay Bà la môn (5) trong hàng Bà la môn, và các tôn giả ấy, ngay trong đời này, tự mình chứng đạt thắng trí và an trú trong sự thành tựu mục đích của Sa môn và Bà la môn.

 

        Những ai không biết khổ

        Nguyên nhân sanh ra khổ

        Ở đây, tất cả khổ

        Bị đoạn trừ hoàn toàn

        Và không hiểu con đường

        Ðưa đến nơi khổ diệt

        Vì thiếu tâm giải thoát (6)

        Cũng như tuệ giải thoát (7)

        Chúng không thể chấm dứt (khổ đau)

        Phải đi đến sanh già (8)

 

        Những ai biết rõ khổ

        Nguyên nhân sanh ra khổ

        Ở đây, tất cả khổ

        Bị đoạn trừ hoàn toàn

        Và hiểu rõ con đường

        Ðưa đến nơi khổ diệt

        Ðầy đủ tâm giải thoát

        Cũng như tuệ giải thoát

        Chúng có thể chấm dứt (khổ đau)

        Không đi đến sanh già.

 

III - Chú Thích

 

(1) - Tựa đề kinh "Sa môn chơn chánh" do dịch giả đặt theo ý kinh

(Kinh nầy được tìm thấy trong tập kinh Phật Thuyết Như Vậy - Itivuttaka, 103, thuộc Tiểu Bộ Kinh; và trong Tương Ưng Bộ - Samyutta Nikaya, v-432 -- Bình Anson)

(2) - Ba chuyển:Thị chuyển - khai thị nội dung 4 chơn lý cao cả; Khuyến chuyển - khuyến khích người nên ngộ - tu - chứng 4 chơn lý cao cả; Chứng chuyển - chứng minh rằng Phật đã chứng đạt 4 chơn lý cao cả.

(3) - Mười hai tướng: Ba lần chuyển về 4 chơn lý là 12 cách thuyết minh (3 x 4 = 12)

(4) - Sa môn: người xuất gia tu hành.

(5) - Bà la môn (Brahmin): Phật dùng danh từ Bà la môn với nội dung mới. Theo phong tục Ấn giáo, những người sanh trong giai cấp Bà la môn mới là Bà la môn. Mà giai cấp này theo kinh điển Ấn giáo là sanh từ miệng của Phạm thiên vì thế chỉ có giai cấp Bà la môn mới có quyền lo việc tế tự và văn hóa.

(6) - Tâm giải thoát: giải thoát được, trừ bỏ được phiền não nơi tâm ý.

(7) - Tuệ giải thoát: giải thoát được, phát triển trí tuệ, nhận rõ chơn lý.

(8) - Ði đến sanh già: còn ở trong vòng sống chết luân hồi.

 

 

Thích Thiện Châu