Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Thay mặt Hội Phật tử Việt Nam tại Pháp, tôi xin có đôi lời thưa cùng giác linh Hòa Thượng Thích Phước Đường.

 

Kính thưa Thầy,

Thầy đã ra đi, sao mà đột ngột quá! Mặc dù Thầy đã 85 tuổi, và gần đây sức khoẻ có sút kém đi, nhưng chúng con cũng không khỏi bàng hoàng, thương tiếc. Một lần nữa, các Phật tử ở Trúc Lâm Thiền viện lại cảm thấy côi cút, lại phải thọ tang một vị Thầy khả kính, một vị chân tu, đầy lòng nhân ái.

Đã biết rằng cuộc sống là vô thường, cũng như lời Phật, lời Thầy dạy, nhưng chúng con cũng không khỏi ngậm ngùi, và cảm thấy sự vắng mặt của Thầy là sự mất mát của một điểm tựa tinh thần khó lòng thay thế…

Chúng con còn nhớ cách đây 36 năm, Thầy lúc đó là trụ trì chùa Phước Điển tại Nha Trang, được anh ruột của Thầy là Thầy Thiện Châu mời qua Pháp để tiếp tay hướng dẫn Phật tử và làm Phật sự tại Trúc Lâm Thiền viện.

Từ đó đến nay, một cách âm thầm, nhẫn nại, Thầy đã không ngừng cố gắng giúp vị tổ khai sơn Trúc Lâm Thiền Viện phát triển một đạo Phật trong sáng, giản dị, trung thành với lời dạy ban đầu của đức Phật Thích Ca, và thích hợp với thời đại. Thầy theo đúng tôn chỉ của Trúc Lâm là tụng kinh bằng tiếng Việt, học đạo Phật qua các kinh căn bản như Kinh Chuyển Pháp Luân, Vô Ngã Tướng, Từ Bi, Hạnh Phúc, Pháp Cú, và thực hành thiền định.

Vào khoảng 1990, khi Thầy Thiện Châu lâm trọng bệnh, không đi lại bình thường được, Thầy vẫn lặng lẽ mang chuông mõ, đi tới các gia đình làm cầu siêu tang lễ. Tụng kinh niệm Phật cũng là một phần đóng góp không nhỏ của Thầy trong sự xoa dịu khổ đau, và đem lại an lạc cho chúng sanh.

Thầy ít nói, vì Thầy rất khiêm nhường, nhưng ánh mắt hiền hậu và hành động ân cần của Thầy đã cảm hóa và an ủi mọi người được biết bao lần!

Năm 1998, khi Thầy Thiện Châu viên tịch, trong 49 ngày, theo di chúc, Thầy đã tụng kinh Chuyển Pháp Luân và Vô Ngã Tướng, là 2 bài thuyết giảng đầu tiên của đức Phật Thích Ca sau khi thành Đạo. Và hàng năm, vào tháng 8, Thầy vẫn không quên ngày giỗ, tổ chức quy tụ đệ tử khắp nơi về tưởng nhớ vị Thầy đã khuất.

Kinh điển của Thầy Thiện Châu phiên dịch còn gìn giữ được tại Trúc Lâm cho đến ngày hôm nay, phần lớn cũng nhờ sự kiên trì giữ Đạo của Thầy.

Kính thưa Thầy Phước Đường,

Chúng con xin tạc dạ ghi ơn Thầy, và ghi trong lòng hình ảnh của một vị Thầy vô cùng đức độ, từ bi, hiền hậu và chân thật, đã âm thầm giữ vững tay lái cho con thuyền Trúc Lâm vượt qua cơn bão tố kéo dài trong nhiều năm qua.

Chúng con, Hội Phật tử Việt Nam tại Pháp, xin nguyện kiên quyết bảo vệ cho sự phát triển của Trúc Lâm Thiền Viện đi đúng theo con đường vạch ra bởi Thầy Thiện Châu, tiếp nối bởi Thầy.

Đó là gia tài tinh thần mà hai Thầy đã để lại cho các Phật tử Trúc Lâm, chúng con xin quyết tâm gìn giữ, không bao giờ để trở thành mai một.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.