Liều thuốc Đạo Pháp
cho người hành thiền đau ốm
(A good dose of Dhamma for Meditators when they are ill)
Upasika Kee Nanayon
Hoang Phong chuyển ngữ
Bà Upasika Kee Nanayon (1901-1970)
Lời giới thiệu của người dịch:
Bà Upasika Kee Nanayon được dân Thái tôn kính như một trong những vị thiền sư lỗi lạc nhất của quê hương họ trong thế kỷ XX. Thế nhưng bà không bao giờ nhận mình là một ni sư và chữ Upasika là tiếng Pa-li và tiếng Phạn, chỉ có nghĩa là "Nữ cư sĩ". Là một phụ nữ bình dị, ít được học hành, ngày còn trẻ phải giúp cha trông coi một cửa hàng tạp hóa thế nhưng bà đã thành đạt và đã khiến chúng ta không khỏi kinh ngạc trước sự uyên bác của bà. Sau khi thân phụ qua đời thì bà giao cửa hàng cho người em gái, rồi sửa chữa một ngôi chùa bỏ hoang không xa nhà, dưới chân một ngọn đồi cây cối xanh tươì, hầu tiếp tục tu tập.
Những người quen biết với bà trước đây thường đến viếng chùa và nghe bà giảng. Họ rất thích cách thuyết giảng trực tiếp và rất sâu sắc của bà. Tiếng đồn vang xa để rồi ngày nay ngôi chùa khiêm tốn của bà đã trở thành một trung tâm luyện tập thiền định nổi tiếng, và đặc biệt hơn nữa là dành cho phụ nữ. Một số bài giảng của bà được thu băng và ngày nay đã được xuất bản. Sự sâu sắc, trong sáng và khúc triết trong các bài giảng, phản ảnh các kinh nghiệm thiền định cũng như sự hiểu biết thâm thúy của bà về sự vận hành của tâm thức khiến chúng ta không khỏi kính phục.
Thật vậy bà bước vào tâm thức chúng ta không khác gì bước vào gian nhà của bà vậy. Bà biết rành mạch từng gian phòng, cách bày biện, các vật trang trí, không thiếu sót một ngõ ngách nào, một góc kẹt kín đáo nào. Thế nhưng chủ đích các bài giảng của bà không phải là giúp chúng ta tìm hiểu gian nhà của mình mà là sửa chữa, dọn dẹp và quét tước sạch sẽ gian nhà ấy để biến nó trở thành một cõi Niết-bàn. Bài giảng dưới đây của bà được trích từ quyển sách "Pure and Simple" do nhà sư người Mỹ Thanissaro Bhikkhu dịch từ tiếng Thái ra Anh ngữ.
Phần I
Ốm đau thông thường được xem như là một thứ gì đó mà sớm muộn tất cả chúng ta đều sẽ không sao tránh khỏi. Thế nhưng cũng có một thứ "bệnh" không hề làm phương hại đến cuộc sống thường nhật nên người ta không hề xem nó là một thứ bệnh. Trên khắp thế giới mọi người đều xem thứ "bệnh" ấy đơn giản chỉ là một thể dạng tự nhiên nơi mỗi con người. Tuy nhiên nếu suy xét cẩn thận thì người ta sẽ nhận thấy cái thân xác được xem là "bình thường" đó thật ra là đang đau ốm bởi vì các thành phần vật chất và tâm thần tạo ra nó suy thoái trong từng giây phút một, thế nhưng không mấy ai nghĩ đến điều đó mà thôi.
Những người khỏe mạnh thì làm hết việc này đến việc nọ, suy nghĩ, lo lắng, thế nhưng toàn là những chuyện phù phiếm chẳng ích lợi gì cả. Những kẻ ốm đau thì may mắn hơn nhiều, tuy liệt giường nhưng chẳng phải làm gì cả, ngoài việc nghĩ đến các sự bực dọc và đau đớn của mình. Tâm thức họ không bị tràn ngập bởi đủ mọi thứ lo toan, cũng không suy nghĩ vẩn vơ hết chuyện này đến chuyện khác, mà duy nhất chỉ lo lắng vể những sự đau đớn của mình..., nhưng thật ra thì những sự đau đớn ấy cũng có thể loại bỏ được bất cứ lúc nào.
Các bạn không nhận thấy sự khác biệt giữa hai trường hợp trên đây hay sao? Trong những lúc mà các bạn bận rộn vì phải lo toan đủ mọi thứ thì một sự "trống không" cũng có thể xảy đến trong tâm thức, thế nhưng sự "trống không" ấy cũng chỉ là một trò giả tạo, không phải là "Tánh Không" đích thật (tình trạng bận rộn không cho phép mình nghĩ đến những chuyện khác quan trọng hơn và hữu ích hơn, chẳng hạn như các sự đau đớn và bệnh tật. Tình trạng "không nghĩ đến các chuyện ấy" có thể xem như một sự "trống không", tức không một chút ý thức nào về bản chất vô thường, khổ đau và cái chết của chính mình. Đấy cũng tương tự như một trò chơi ú tim, nấp phía các sự bận rộn hay chui vào một xó kẹt trong tâm thức mình để trốn né thực tại). Trái lại mỗi khi đau ốm nằm liệt giưòng, thì đấy cũng là một dịp giúp các bạn nghĩ đến vô thường, khổ đau và vô ngã (không có "cái tôi") là những gì đang hiện lên với mình, và đấy mới là những mối lo toan mang lại lợi ích thật sự. Các bạn phải luôn để tâm đến một điều duy nhất là không được xem những gì đang phải gánh chịu sự đau đớn là mình. Đối với các hiện tượng thể xác và tâm thần (có thể hiểu là các cấu hợp hay ngũ uẩn tạo ra một cá thể) mà các bạn cảm nhận được, thì cũng chỉ nên xem chúng như là những hiện tượng thiên nhiên đang trôi đi và tiếp tục trôi đi. Chúng không phải là mình, không thuộc của mình. Các bạn không có một quyền lực nào đối với chúng cả. Hãy nhìn vào tất cả những gì đang khiến các bạn phải đảo điên để tự hỏi xem mình có một tí xíu quyền lực nào đối với chúng hay không? Hoàn toàn không. Các bạn nên hiểu rằng điều đó đúng với tất cả mọi người.
Dù thân xác đang bị bệnh gì thì điều đó cũng không quan trọng mấy. Đáng ngại hơn nhiều là căn bệnh ở bên trong tâm thức mình. Trong những lúc bình thường, chúng ta không bao giờ nghĩ đến đến các thứ bệnh trong tâm thức, chẳng hạn như thèm muốn, bám víu, đam mê... (kinh sách gọi là kilesa/klesa, là các thứ "xúc cảm hay các yếu tố bấn loạn trong tâm thức", hay các "độc tố tâm thần", kinh sách gốc Hán ngữ gọi là "phiền não"!?). Chúng ta chỉ biết lo sợ về những thứ bệnh tật trên thân xác, e sợ những gì thật kinh khiếp bất thần xảy ra trên cơ thể mình. Dù cố gắng cách mấy để ngăn ngừa chúng và lúc nào cũng cứ nơm nớp mong chúng đừng xảy đến, thế nhưng một lúc nào đó thì chúng ta cũng không sao né tránh được chúng. Thuốc men chữa trị bệnh tật trên thân xác cũng chỉ công hiệu tạm thời mà thôi. Những người từng sống trước đây, dù không bị những thứ bệnh tật ngặt nghèo, nhưng tất cả đều đã từ giã chúng ta. Tất cả đều phải bỏ lại thân xác mình.
Khi nào biết thường xuyên suy tư theo chiều hướng đó thì các bạn sẽ nhận thấy được sự thật về vô thường, khổ đau và vô ngã đối với bản thân mình. Sau đó dần dần các bạn sẽ quán thấy dễ dàng hơn bản chất ảo giác của mọi sự vật, và buông bỏ chúng ngày càng dễ dàng hơn.
Các bạn hãy cố gắng buông bỏ và cố nhìn xem: vậy thì ai đang đau đớn đó? Có phải là "mình" đang đau đớn, hay là sự đau đớn phải chăng cũng chỉ là một dhamma ? (dhamma trong trường hợp này có nghĩa là một hiện tượng/sự kiện/biến cố. Nên hiểu rằng chữ dhamma tiếng Pa-li, tiếng Phạn là dharma, có nhiều nghĩa khác nhau, trong số này có hai nghĩa chính yếu nhất, trước hết là Đạo Pháp/Spiritual Path hay Giáo Huấn của Đức Phật/Buddhadharma, nghĩa thứ hai là "hiện tượng"/phenomenon.) Các bạn phải suy nghiệm thật sâu xa về điều này để nhận thấy rằng thật ra không có một "cái tôi" nào đang đau đớn cả. Căn bệnh (hay cơn đau) không phải là "của mình" mà là của cơ thể, một căn bệnh của thân xác. Cơ thể vật chất và các yếu tố tâm thần đương nhiên phải biến đổi và chịu những sự đau đớn gây ra bởi sự biến đổi đó, thế nhưng trong sự biến đổi và đau đớn ấy không hề có một "cái ngã" nào cả. Các bạn phải tập trung sự chú tâm hướng vào các cảm nhận đó, quan sát chúng, tìm hiểu chúng, hầu quán thấy chúng một cách thật minh bạch (sự đau đớn là của thân xác, là một hiện tượng/dhamma trên cơ thể; bên trong sự đau đớn đó không có "cái tôi" nào cả để cùng đau đớn với nó). Hãy biến sự nhận biết ấy trở nên hoàn toàn trong sáng, nó sẽ giải thoát các bạn khỏi mọi sự đau đớn và bấn loạn. Đấy là cách mà các bạn làm cho tất cả mọi thứ khổ đau phải chấm dứt. Đối với các cấu hợp (cá thể con người là một tổng thể gồm năm thành phần "cấu hợp", kinh sách gốc Hán ngữ gọi là "uẩn") thì chúng cứ tiếp tục hiện ra, già nua, bệnh tật và chết, và đấy là chuyện của chúng. Khi nào các nguyên nhân và điều kiện (cơ duyên) tạo ra chúng không còn hội đủ nữa thì chúng chui vào quan tài.
Tuy nhiên cũng có một số người rất hãnh diện về sức khỏe của mình, lại bỗng nhiên lăn đùng ra chết. Trong các trường hợp đó tâm thức họ không kịp ý thức về những gì xảy đến với họ. Số phận của họ sẽ tệ hại hơn nhiều so với những người đau ốm nằm dài trên giường, bởi vì người lâm bệnh có cơ hội quan sát sự đau đớn của mình hầu phát huy được sự buông xả. Không nên sợ hãi sự đau đớn! Nếu nó xảy đến, thì cứ mặc nó, không nên để cho tâm thức phải đau đớn cùng với nó, mà nên nghĩ như thế này: vậy thì tâm thức mình đã thực hiện được sự trống không về "cái tôi" và cái "của tôi" hay chưa? (xin mạn phép ghi chú thêm là đối với Phật giáo Tây Tạng/Kim Cuơng Thừa và Phật giáo Theravada, thì cảm tính hay sự cảm nhận sau cùng hiện lên trong tâm thức trước khi chết sẽ ảnh hưởng đến sự tái sinh, có nghĩa là sẽ hướng sự tái sinh của mình phù hợp với các cảm tính sau cùng đó. Thí dụ trong khi hấp hối mình biết buông xả, không bám víu bất cứ gì cả, mà chỉ chú tâm phát động lòng từ bi, mở rộng con tim mình..., thì các xúc cảm đó sẽ hướng sự tái sinh của mình vào những hoàn cảnh tốt đẹp. Trái lại các sự sợ hãi, tức giận, lo buồn, bám víu... trong lúc hấp hối sẽ hướng sự tái sinh của mình theo các chiều hướng bất thuận lợi hơn. Do đó trong khi đau ốm không nên để mình bị bấn loạn vì các cơn đau và những sự tiếc nuối và bám víu).
Các bạn nên nhìn vào bên trong chính mình hầu quán thấy mọi sự thật minh bạch, chỉ cần như thế là đủ, không phải tìm hiểu bất cứ gì khác cả. Thuốc thang giúp mình khỏi bệnh hoặc bớt đau đớn là chuyện bình thường; nếu không thấy thuyên giảm thì cũng là chuyện bình thường. Quan trọng hơn cả là trái tim mình (tâm của mình) phải trống không về "cái tôi" và cái "của tôi" (thân xác không phải là tôi, những sự đau đớn là của thân xác không phải là của tôi, kể cả tâm thức cũng không phải là tôi hay của tôi); nếu làm được như thế thì sẽ chẳng có một sự đau đớn nào bên trong nó (tức là trong "trái tim" mình, "trái tim" ở đây có nghĩa là tâm thức và xúc cảm. Trong các ngôn ngữ Á Châu và theo "tâm lý học" Đông Phương thì "tâm thức" nằm trong tim, nói một cách khác là chữ "tâm" có hai nghĩa: tâm thức và trái tim). Đối với sự đau đớn của các cấu hợp thì cứ mặc nó (đau đớn là chuyện tự nhiên của các cấu hợp tạo ra một cá thể).
Hãy xem đau ốm là một dịp may, được nằm trên giường chẳng phải làm gì cả. Đó là dịp giúp mình luyện tập thiền định về sự quán thấy sâu xa (vipassana) trong từng khoảnh khắc một (trong những lúc khỏe mạnh thì thường xuyên bị xao lãng vì công việc). Dù mình đang được điều trị ở bệnh viện hay nằm nhà thì điều đó không quan trọng nhiều. Không nên để tâm lo lắng về việc mình được điều trị tại nơi này hay nơi kia. Hãy trút bỏ ý nghĩ đó và giữ tâm trí trống không về mọi suy nghĩ và thắc mắc. Các bạn không cần phải dán lên tâm thức mình cái nhãn hiệu cho biết là mình đang ở đâu cả (một cách giúp mình buông bỏ sự sợ hãi, và bất toại nguyện vì lo sợ mình không được điều trị đúng mức).
Thật ra các cấu hợp không trú ngụ chung với "mình". Chúng hoàn toàn trống không về bất cứ một "cá thể con người" nào trú ngụ bên trong chúng. Chúng hoàn toàn trống không về bất cứ một "cái tôi" hay cái "của tôi" nào. Khi nào tâm thức đạt được thể dạng đó thì nó sẽ không còn cần đến bất cứ gì khác. Nó không đòi hỏi là phải được ở tại nơi này, phải đến nơi khác, hoặc bất cứ đâu. Đấy là sự chấm dứt tuyệt đối của khổ đau và mọi thứ căng thẳng.
Khi nào tâm thức không còn bị thâm nhập bởi các cảm nhận thích thú hay đau đớn thì nó sẽ được giải thoát, từ bên trong nó và bởi chính nó, phù hợp với bản chất [nguyên sinh] của chính nó. Tôi khuyên các bạn nên quán xét thật cẩn thận cung cách đó của tâm thức, tức là trong tình trạng trống không của nó, phù hợp với bản chất của chính nó, và cũng có nghĩa là nó không tạo ra cho nó một sự thèm muốn nào, không tìm kiếm một sự thích thú cũng không gạt bỏ một sự đau đớn nào.
Khi nào tâm trí đã hoàn toàn trống không đúng với bản chất tự nhiên của nó, không còn một cảm tính chiếm hữu nào dấy lên, thì nó cũng sẽ gỡ bỏ được bất cứ nhãn hiệu nào (một dòng chữ nào) dán (viết) lên nó. Dù cho các tư duy có hiện lên thì nó cũng xem chúng hoàn toàn vô thực thể, có nghĩa là trống không về một "cái ngã". Chúng chỉ là các sự cảm nhận hiện lên và tan biến (tư duy là đối tượng cảm nhận của tâm thức, tương tự như sự đau đớn là đối tượng cảm nhận của thân xác). Các sự cảm nhận lướt qua tâm thức mình và trôi đi, và chỉ có vậy (không thể nào ngăn chận tư duy hiện lên trên dòng luân lưu của tri thức được, thế nhưng không nên để cho chúng gây ra một tác động nào. Trong những lúc ngồi thiền, tư duy vẫn tiếp tục hiện lên, nhưng không nên để cho chúng dừng lại, cứ để chúng nhẹ nhàng trôi đi. Đến một lúc nào đó thì chúng sẽ thưa dần, yếu đi và tan biến hết).
Tóm lại các bạn phải quan sát các hiện tượng hiện ra và tan biến, nói một cách khác là phải theo dõi sự biến động liên tục của các hiện tượng trong thực tại. Đấy là cách giúp tâm thức tìm thấy sự trống không một khi mà nó không còn gán cho các hiện tượng một ý nghĩa nào nữa, tức không dán một nhãn hiệu (hay viết một dòng chữ) nào lên các hiện tượng ấy mỗi khi chúng hiện lên. Sự "hiện ra và biến mất" đó cũng là đặc tính chung của các cấu hợp (ngũ uẩn tạo ra một cá thể), các bạn phải xem đấy là những gì thuộc bản chất tự nhiên của chúng thế nhưng không được để tâm thức dính líu vào đấy, không nên nắm bắt gì cả. Hiểu được điều đó sẽ mang lại cho các bạn thật nhiều lợi ích.
Các bạn không thể nào ngăn chận được các sự thích thú và đau đớn xảy đến với mình, cũng không thể ngăn chận tâm thức mình không dán các nhãn hiệu lên mọi sự vật đưa đến mọi thứ tư duy, tuy nhiên các bạn cũng có thể chuyển sự diễn tiến đó theo một chiều hướng khác hơn. Nếu tâm thức dán một nhãn hiệu vào một cảm nhận nhằm nói lên: "Tôi đau", thì các bạn phải tìm hiểu xem cái nhãn hiệu ấy có đúng thật là như thế không, và sau khi đã "đọc" cái nhãn hiệu ấy cẩn thận thì nhất định các bạn sẽ khám phá ra là nó sai. Bởi vì nếu đúng thì cái nhãn hiệu ấy phải nói lên như sau: sự đau đớn ấy nào có phải là tôi đâu, nó hoàn toàn trống không (không có "cái tôi" nào bên trong nó cả). Hơn nữa dù có nghĩ rằng: "Tôi đang đau", thì sự suy nghĩ ấy cũng sai nốt. Các bạn phải hướng vào tư duy qua một góc nhìn khác hơn: có nghĩa là phải xem tư duy là một thứ gì đó vô thường, bất toại nguyện, không phải là thuộc của mình (các cảm nghĩ của mình không trường tồn, mà chỉ phản ảnh các sự bấn loạn luôn biến động trong tâm thức liên quan đến nghiệp của mình, chúng không hàm chứa một bản chất đích thật hay một thực thể nào cả).
Dù bất cứ những gì xảy đến với mình thì phải quán xét chúng tường tận và buông bỏ chúng. Các bạn phải thật cảnh giác không được bám víu vào các tư duy và cảm nhận của mình, tâm thức nhờ đó sẽ giữ được sự trống không của nó, phù hợp với bản chất của chính nó. Ngay cả trường hợp mà sự đau đớn trở nên quá gay gắt, hoặc tâm thức rơi vào một trạng thái tiêu cực (lo buồn, sợ hãi, bực tức, yếm thế...) thì các bạn cũng cứ tiếp tục nhìn vào bên trong chính mình, giữ sự tiếp xúc trực tiếp với sự cảm nhận của tâm thức về chính nó, như thế sẽ không có một tư duy nào hiện lên khuấy động mình nữa. Khi nào các bạn cảm nhận được sự trống không của tâm thức thì khi đó nếu có một sự bấn loạn hay một cảm tính bực dọc nào dấy lên khuấy động mình, thì các bạn cũng sẽ hiểu được ngay nguyên nhân làm phát sinh ra nó nhất thiết là một sự hiểu biết sai lầm, không phản ảnh một hiện thực tuyệt đối nào cả. Sự hiểu biết đúng đắn sẽ tức khắc loại bỏ các sự hiểu biết sai lầm.
Nếu muốn thường xuyên duy trì được nền tảng của sự hiểu biết đúng đắn như trên đây thì trước hết các bạn phải tập chủ động tâm thức mình, đồng thời tập trung chú tâm để suy tư và tìm hiểu về các hiện tượng đau đớn và khổ đau. Hãy cố duy trì sự chủ động đó cho đến khi nào tâm thức tự nó hòa nhập với sự trống không trong sáng bên trong trái tim (nội tâm) mình. Nếu các bạn thực hiện được điều đó đến chỗ tột cùng thì sự đình chỉ tối thượng của khổ đau cũng sẽ hiện ra tức khắc, đúng vào thời điểm mà tâm thức bắt đầu trở nên trống không.
Thế nhưng nếu muốn thực hiện được như thế thì các bạn phải luyện tập kiên trì. Mỗi khi sự đau đớn phát hiện dù chịu đựng được hay quá gay gắt thì cũng không nên dán cho nó một nhãn hiệu nào cả. Đối với một sự cảm nhận mang tính cách thích thú cũng thế, cũng không nên xem đó là sự thích thú "của mình". Hãy để cho nó trôi qua, đấy là cách giúp cho tâm thức tìm thấy sự giải thoát trong từng khoảnh khắc một - có nghĩa là nó hoàn toàn trống không về bất cứ một sự nắm bắt hay bám víu nào vào "cái tôi". Các bạn phải luôn vận dụng tất cả sự tỉnh thức và năng lực của mình hướng vào việc thực hiện đó.
Mỗi khi ốm đau, nằm dài ra đấy để tha hồ suy nghĩ về những nỗi khổ đau của mình, thì đấy là một dịp may giúp mình trông thấy được Con Đường, quán nhận được sự thật sâu xa của mọi sự vật (vô thường, khổ đau và không thật) để mà buông bỏ chúng. Đấy là cơ may của các bạn mà kẻ khác không có được. Nhiều người tất tả, chạy ngược chạy xuôi, xốc vác mọi việc, và dù có tự khoe là tâm trí mình luôn thảnh thơi đi nữa, thì cũng không thể may mắn hơn các bạn được. Một người liệt giường có nhiều cơ may phát huy qua từng hơi thở - ra và vào - một sự quán thấy sâu xa về mọi sự vật. Nếu luyện tập theo Giáo Huấn của Đức Phật thật chuyên cần cho đến khi nào đạt được sự hiểu biết minh bạch về bản chất sâu kín của mọi sự vật - tự chúng là như thế, bởi vì chúng cũng chỉ là như thế - thì đấy là cách cho thấy mình không lãng phí sự hiện hữu dưới thể dạng con người của mình.
Mỗi khi đề cập đến bản chất đích thật của những gì bên ngoài thì có nghĩa là nói đến sự biến đổi của các hiện tượng trong thực tại, trong đó kể cả năm thứ cấu hợp (ngũ uẩn tạo ra một cá thể). Các bạn nên tìm cách khám phá ra phương cách vận hành của chúng, và một khi đã hiểu được bản chất của sự vận hành ấy thì các bạn tất sẽ phải tỉnh ngộ, không còn bám víu vào chúng và sẽ buông bỏ chúng (năm cấu hợp cũng chỉ là ảo giác, phù du, một sự kết hợp tạm thời nhờ vào cơ duyên mà có). Sau khi tâm thức đã đạt được thể dạng buông bỏ đó thì trong giai đoạn kế tiếp các bạn nên tìm hiểu nó thật cẩn thận xem nó trống không như thế nàovà cứ tiếp tục suy tư sâu xa thêm nữa cho đến khi quán thấy được Tánh Không tối thượng. Thể dạng Tánh Không đó nằm ở một nơi sâu kín nhất bên trong bản thể đích thật của các bạn, nơi đó không còn hiện lên bất cứ một sự tạo tác tâm thần nào, không có gì hiện ra cũng chẳng có gì biến mất, không có một sự biến đổi nào nữa cả.
Khi nào quán thấy được bản chất của các thứ bên ngoài (trong đó kể cả năm thứ cấu hợp/ngũ uẩn) thật đúng đắn cho đến khi tất cả đều trở nên minh bạch, thì tâm thức sẽ buông bỏ, và tiếp tục buông bỏ. Và cũng tức khắc sau đó các bạn sẽ đương nhiên nhận thấy được một cách thật trong sáng bản thể sâu kín bên trong con người của các bạn - nơi đó hoàn toàn trống không, không cón sự xoay vần giữa sự sinh và cái chết, tuyệt đối không có gì được tạo tác (nên hiểu sự tái sinh và cái chết cũng là những gì hiện lên và biến mất trên dòng luân lưu của tri thức, tương tự như tư duy và xúc cảm xô đẩy nhau hiện ra và biến mất trên dòng tri thức đó. Dòng tri thức sau khi đã loại bỏ được những sự hiển hiện và biến đổi đó trên dòng luân lưu của nó sẽ trở nên tĩnh lặng và an bình). Đó là thể dạng trống không tuyệt đối của Tánh Không, không còn một nhãn hiệu nào, một dòng chữ nào nữa cả. Đấy cũng là những gì mà tôi ước mong các bạn sẽ tự khám phá thấy bên trong tâm thức mình một cách thật trong sáng.
Sự trống không bình thường của tâm thức cũng có thể mang lại đôi chút ích lợi (trong cuộc sống thường nhật - chẳng hạn trong những lúc tản bộ hay dạo chơi ở một nơi vắng vẻ - đôi khi chúng ta cũng tìm thấy một sự thảnh thơi, nhàn nhã, không lo lắng hoặc "quên hết" mọi chuyện. Đấy chỉ là cách tạm thời lẩn tránh những sự tấn công dồn dập của các yếu tố bấn loạn/kilesa trong tâm thức mình, nhưng tuyệt nhiên không phải là thể dạng trống không hay Tánh Không đích thật của tâm thức), sự trống không sâu xa ích lợi hơn thế nhiều. Tánh Không đích thật trống không đối với cả bản thể đích thật của tất cả những gì bên trong chính mình. Tánh Không đó mới thật sự đáng để chúng ta khám phá và tìm hiểu nó.
Tánh Không ấy là một thứ gì đó mà các bạn phải tự mình nhận biết. Không có ngôn từ nào có thể diễn tả được để mà nói lên với các bạn hầu giúp các bạn hình dung ra nó, các bạn chỉ có thể cảm nhận được nó khi nào các bạn đã thực hiện được nó mà thôi. Tuy nhiên tôi có thể cam đoan với các bạn rằng sớm muộn, vào một lúc nào đó thì nhất định các bạn cũng sẽ buông bỏ được tất cả mọi sự vật trong một thể dạng mà người ta gọi là "không còn một dấu vết nào lưu lại" (sự giác ngộ).
Nếu các bạn kiên trì phát huy đều đặn sự quán thấy nội tâm như trên đây trong từng ngày và từng khoảnh khắc một, thì cái "khoảnh khắc mà tâm thức buông bỏ được tất cả không còn một dấu vết nào lưu lại" sẽ tự động hiện lên với mình. Tâm thức sẽ "nhận biết" được thể dạng đó của nó bởi chính nó và từ bên trong chính nó. Do đó các bạn không nên để tâm thức bị chi phối bởi các cảm nhận thích thú hay đau đớn. Các bạn hãy thường xuyên tập trung sự chú tâm vào sự lắng sâu của tâm thức bên trong nó và bởi chính nó.
Các bạn không nhận thấy những gì trên đây thật hết khác biệt so với những lúc trước đây khi các bạn còn sung sức và khỏe mạnh, chạy ngược chạy xuôi, lo toan hết chuyện này đến chuyện khác hay sao? Vì thế chẳng có gì tệ hại khi phải gánh chịu sự đau đớn. Sở dĩ tệ hại là vì mình quá dại dột dán các nhãn hiệu lên mọi sự vật để mà gán cho chúng một ý nghĩa nào đó. Thông thường khi trông thấy một kẻ nào đó ốm đau và chết thì lúc đó người ta mới thức tỉnh và nghĩ đến sự phù du của sự sống. Trong những lúc bình thường không mấy ai nghĩ đến cái bản chất ấy của chính mình, hoặc có nghĩ đến đi nữa thì cũng chỉ được một lát, sau đó thì quên ngay và lại đầu tắt mặt tối lao mình vào các chuyện lo toan khác. Họ không bao giờ biết để cho sự thật ấy thấm sâu vào con người mình để mà suy nghĩ về bản chất vô thường không bao giờ bỏ quên mình. Khi mà họ còn đủ sức để làm hết việc này đến việc khác, suy nghĩ hết chuyện này đến chuyện nọ, kể hết câu chuyện này bắt sang câu chuyện kia, thì đấy là cách khiến họ mất hết định hướng trong cuộc sống mà thôi.
Việc luyện tập thiền định về sự quán thấy sâu xa (vipassana) không phải chỉ cần theo một khóa ẩn cư trong vài tháng là đủ. Tu tập như thế không thể so sánh được với những gì các bạn đang làm (những người đến tu tập với bà Upasika Kee Nanayon trong ngôi chùa của bà), có nghĩa là phải luyện tập mỗi ngày, từ sáng đến chiều và cả ban đêm, chỉ trừ khi ngủ. Mỗi khi sự đau đớn vụt trở nên gay gắt thì đấy là lúc thuận lợi nhất để thiền định, bởi vì đó là dịp giúp mình ý thức được một cách thật minh bạch vô thường là gì, đau đớn là gì, khổ đau là gì và sự bất lực của mình trước tình trạng biến động của mọi sự vật là gì.
Vậy các bạn phải tìm hiểu những thứ ấy ngay tại nơi này, trước mắt các bạn trong lúc này. Do đó các bạn không nên tránh né sự đau đớn. Hãy luyện tập thiền định về sự quán thấy sâu xa hầu nhận thấy bản chất đích thật của sự đau đớn cũng đơn giản chỉ là một dhamma (hiện tượng/pháp), và sau đó thì cứ để cho nó trôi qua, trôi qua và trôi qua. Nếu làm được như thế thì các bạn sẽ không bị nó đánh lừa mình. Đấy là con đường đưa đến sự giải thoát khỏi khổ đau.
Và đấy cũng là việc cần phải làm trước khi cái chết xảy đến với mình, các bạn phải luôn để tâm đến điều đó, không nên chờ cái chết gần kề thì mới luyện tập! Phải luyện tập thật đều đặn, luôn nhìn vào bên trong chính mình. Nếu căn bệnh thuyên giảm thì các bạn sẽ tự nhận biết từ bên trong chính mình, nếu gia tăng thì các bạn cũng sẽ nhận biết từ bên trong chính mình (căn bệnh ở đây là sự khổ đau của tâm thức, tu tập có thăng tiến hay không thì mình phải tự nhận biết lấy mình, người thầy không đoán được chuyện đó). Nếu phát huy được tầm nhìn hướng vào bên trong chính mình theo phương cách đó thì tâm thức sẽ vượt thoát sự đần độn và các sự quán thấy sai lầm của nó về mọi sự vật, nói một cách khác thì những sự thèm muốn và ô nhiễm (kilesa/các xúc cảm bấn loạn trong tâm thức) sẽ không còn gây tác hại cho tâm thức như trước đây nữa.
Đây là cơ hội giúp các bạn tu tập Dhamma (Dhamma trong trường hợp này là Đạo Pháp hay Giáo Huấn của Đức Phật, không có nghĩa là một hiện tượng), vậy các bạn nên dồn tất cả nghị lực và sự tỉnh giác vào việc đó. Hãy xem kiếp sống này là kiếp nhân sinh cuối cùng của mình. Không nên tái sinh trở lại, nếu không thì mọi sự lại cũng sẽ chẳng khác gì như hiện nay, các khó khăn cũ rích lại xảy đến với mình, và cứ thế chúng theo nhau xảy đến, không dừng lại được. Một khi sự sinh xảy ra thì tiếp theo đó sẽ có sự già nua, bệnh tật và cái chết. Tất cả đều phù hợp với sự ô nhiễm (kilesa/các sự bấn loạn) bên trong tâm thức các bạn, các bạn sẽ cảm nhận được hậu quả mang lại từ các hành động nối tiếp nhau của mình (hành động tức là nghiệp, càng hối hả hăng say, nghiệp càng xô đẩy nhau hiện lên và lưu lại các dấu vết trên dòng tri thức của mình), tốt cũng có, xấu cũng có. Nói chung đấy là chu kỳ xoay vần của khổ đau. Vậy tốt hơn hết là nên thoát khỏi sự sinh. Các bạn không nên để mình thèm khát, bởi vì bất cứ gì mà mình thèm khát đều là vô thường, khổ đau và vô thực thể.
Sự thèm khát (desire/ham muốn, bám víu) phát sinh từ các yếu tố bấn loạn trong tâm thức (trong bản tiếng Anh là "defilement and craving", trong bản tiếng Pháp bà Jeanne Schut dùng thẳng tiếng Pa-li là "kilesa" để chỉ định những sự bấn loạn này). Các bạn phải loại bỏ các thứ ấy ngay tại vị trí mà chúng hiện ra (vị trí ở đây có nghĩa là lục giác gồm: ngũ giác và tâm thức). Thèm khát cũng chỉ đơn giản là một sự ham muốn giác cảm, ham muốn dục tính, ham muốn được trở thành như thế này hay thế kia (phản ảnh sự thích thú) hoặc không trở thành (nói lên sự ghét bỏ) - tất cả sẽ khiến hạt giống của sự sinh nảy mầm trong tim (tâm) mình. Vì thế các bạn phải tập trung tất cả sự chú tâm hướng thẳng vào bên trong chính mình, nhìn đúng vào những gì cần phải nhìn, hầu giúp mình hiểu rằng sự bám víu dù có thể đưa đến sự sinh qua một sự tiếp xúc giác cảm (tức mang lại cho mình các sự ham muốn, thích thú, ghét bỏ là các nhân tố trói buộc mình vào vòng luân hồi), thế nhưng ở cấp bậc tâm thức, tức là trên dòng tri thức, thì chỉ nên xem nó là một sự "hiểu biết" và cứ để cho sự "hiểu biết" ấy tự buông bỏ chính nó (không nên chuyển nó trở thành tác ý hay hành động). Đấy là những gì mà các bạn phải luyện tập cho đến khi hoàn toàn thuần thục.
Hãy thật tỉnh giác để ý thức sự hiểu biết trong tâm thức mình và buông bỏ "những gì hiểu biết". Thực hiện được như thế rất hữu ích, vì đấy là cách giúp mình không rơi vào cái bẫy của chúng, tức là không bám víu vào những gì mình hiểu biết hay các quan điểm của mình (cảm nhận được một sự hiểu biết trong tâm thức cũng tương tự như dán một nhãn hiệu hay viết một dòng chữ lên trên sự cảm nhận ấy của mình, nói một cách khác là tâm thức tự động diễn đạt sự cảm nhận ấy bằng cách gán cho nó một ý nghĩa. Ý nghĩa ấy trực tiếp liên hệ với nghiệp đang vận hành bên trong tâm thức, phản ảnh tình trạng vô minh trong tâm thức mình. Bà Upasika Kee Nanayon thường gọi sự hiểu biết - nhãn hiệu hay sự diễn đạt trong tâm thức - là cách mà "tâm thức tự nó giăng ra cái bẫy để đánh lừa nó". Vì thế phải "buông bỏ những gì hiểu biết và cả những gì mà nó hiểu biết", đấy là ý nghĩa của câu trên đây). Nếu những gì mình biết là đúng thì cũng cứ buông bỏ chúng, nếu là sai thì cũng buông bỏ chúng. Nguời ta gọi đấy là sự buông bỏ những gì "mình biết" nhằm không gây ra một sự vướng mắc nào (không bám víu vào bất cứ gì kể cả sự hiểu biết của mình). Làm được như thế sẽ giúp cho tâm thức không nắm bắt bất cứ gì hiện ra bên trong nó. Ngay khi vừa ý thức được một sự vật (một điều) nào đó thì tức khắc các bạn phải buông bỏ nó. Phải giữ cho tâm thức luôn trống không. trống không tất cả mọi thứ tạo tác tâm thần và tư duy, trống không mọi thứ ảo giác có thể thâm nhập vào bên trong nó. Tâm thức phải tức thời nhận biết xuyên qua chúng và buông bỏ chúng, phải thật tỉnh giác và buông bỏ ngay, không nên nắm bắt bất cứ gì cả. Duy nhất chỉ có sự trống không là còn sót lại trong tâm thức mình mà thôi...
Dần dần từng chút một các bạn sẽ nhận thấy kết quả mang lại từ việc luyện tập và sự quán thấy của mình, giúp mình buông bỏ tất cả, buông bỏ cả ý nghĩ cho rằng "mình" là người đang đau đớn, " mình" là người đang hấp hối. Đau đớn và hấp hối là chuyện của các cấu hợp (ngũ uẩn), giản dị chỉ có thế. Khi nào sự hiểu biết trên đây trở nên thật trong sáng và vững chắc - có nghĩa là mình có thể thốt lên: "Chuyện đó không dính líu gì đến tôi, chẳng có "cái tôi" nào trong đó cả" - thì khi đó chỉ còn lại một tâm thức trống không, hoàn toàn không có một nhãn hiệu (một dòng chữ) nào áp đặt lên nó để chỉ định nó. Đấy là bản chất của một tâm thức khi đã loại bỏ được mọi mầm mống hoang mang và lầm lẫn mà trước kia đã khiến nó tin vào hết thứ này đến thứ kia. Sở dĩ các mầm mống đó bị diệt trừ ấy là nhờ chúng ta biết quán xét chúng và buông bỏ chúng. Vậy chúng ta hãy phát huy sự tỉnh giác bên trong tâm thức và buông bỏ bất cứ gì hiện lên, và đến một lúc nào đó thì tâm thức sẽ trở nên trống không - trong sáng một cách tự nhiên, từ bên trong nó và bởi chính nó.
Khi quay nhìn vào bên trong chính mình thì mình sẽ trông thấy tri thức hiện lên và biến mất, bởi vì bản chất của nó là như thế. Nó không thật sự hàm chứa một thực thể nào cả - đấy chỉ là những gì mà chúng ta nhận thấy khi nhìn vào các thể tính cơ bản của nó (vinnana-dhatu) (vinnana-dhatu còn gọi là "thành phần tri thức", tức là thành phần thứ 18 trong số 18 thành phần "thể-xác-tâm-thần" tạo ra các điều kiện thích nghi mang lại sự nhận thức cho một cá thể. Mưới tám thành phần này gồm có: 1-thị giác, 2-đối tượng của thị giác, 3-tai, 4-đối tượng của thính giác..., 16-thành phần tâm thần, 17-đối tượng của tâm thần, và sau hết là 18-thành phần tri thức/vinnana-dhatu). Khi nào tri thức không tham gia vào sự vận hành chung của các thành phần thể-xác-và-tâm-thần khác (tức là các cấu hợp/ngũ uẩn tạo ra một cá thể) thì nó chỉ đơn giản ý thức về chính nó - tức là thể dạng tỉnh thức, tinh khiết và đơn sơ của nó. Do đó người ta còn gọi nó là "tâm thức tinh khiết và đơn sơ" hay "phẩm tính tinh khiết và đơn sơ của tri thức", bởi vì tự nó và bởi chính nó là như thế, và rồi nó cũng sẽ buông bỏ cả chính nó (nói một cách khác thì đấy là thể dạng "tri thức nguyên sinh" của một cá thể). Khi người ta khuyên các bạn hãy chú tâm để hiểu biết (ý thức) và buông bỏ sự hiểu biết (sự ý thức) ấy thì đấy có nghĩa là phải chú tâm để ý thức được tri thức cảm nhận mọi sự vật, và sau đó thì tự nó cũng sẽ buông bỏ cả chính nó (kể cả những gì mà nó cảm nhận được).
Đối với "cấu hợp tri thức" (vinnana-khandha) thì đấy là một thể dạng tri thức gây ra đủ mọi thứ rắc rối (xin lưu ý thuật ngữ "cấu hợp tri thức"/vinnana-khandha khác hơn với "thành phần tri thức"/vinnana-dhatu nói đến trên đây. Chữ dhatu/thành phần chỉ định một yếu tố mang tính cách đồng nhất và "đơn thuần" hơn, chẳng hạn như chữ này cũng được dùng để chỉ định 5 "thành phần" tạo ra thân xác một cá thể là: đất, nước, lửa, khí và không gian. Trong khi đó chữ khanda tiếng Pa-li, tiếng Phạn là skhanda, có nghĩa là một cấu hợp/uẩn. Vinnana-khandha là "cấu hợp tâm thân" hay tri thức - kinh sách gốc Hán ngữ gọi là "thức" - và cũng là cấu hợp thứ năm trong số năm thứ cấu hợp/ngũ uẩn tạo ra một cá thể. Nếu vinnana-khandha là một thể dạng cấu hợp thì đương nhiên nó phải là ô nhiễm, vô thường và khổ đau, tương tự như tất cả mọi hiện tượng cấu hợp khác). Các sự hoang mang và lẩm lẫn ngày càng chồng chất thêm bên trong thể loại tri thức này (tức là "cấu hợp tri thức" hay là "thức" theo kinh sách tiếng Hán, nói một cách nôm na là "tâm thần" hay "nội tâm" của mình) xui dục mình bám víu vào "cái tôi" của mình. Mặc dù thể loại tri thức này có khả năng buông bỏ được các sự đau đớn trên thân xác cũng như các hiện tượng khác liên quan đến thể xác và tâm thần nói chung (uẩn), nhưng lại luôn bám chặt vào cảm tính về một cái tôi. Do đó nếu tôi khuyên các bạn hãy ý thức về sự buông bỏ những gì mình ý thức được (hiểu biết được) thì đấy cũng có nghĩa là buông bỏ thể dạng tri thức này (nó chỉ là một thứ cấu hợp), và phải đẩy tối đa sự buông bỏ đó đến một mức độ mà nó không còn một dòng chữ hay một nhãn hiệu nào để dán lên chính nó. Đấy là cách khiến nó trở nên trống không. Một khi các bạn hiểu được điều này, hoặc nói một cách khác là các bạn uốn nắn được tim mình và tâm thức mình phù hợp với tầm nhìn đó, thì sẽ chẳng còn lại bất cứ một thứ gì cả. Các sự đau đớn, khổ đau, căng thẳng, cũng như các mối lo buồn sẽ không còn mang một ý nghĩa nào cả, không còn là tốt hay xấu, hoặc là bất cứ thứ gì. Tính cách nhị nguyên (tôi và kẻ khác, đối tượng và chủ thể, tốt và xấu, đúng và sai...) không còn gây ra một tác động nào đối với mình nữa. Nếu ý thức được điều đó - nhờ vào một tri thức không nắm bắt bất cứ một thứ gì - thì các bạn sẽ hoàn toàn tránh được mọi sự tạo tác tâm thần.
Các hình thức nhị nguyên tạo dựng ra cái tốt cái xấu (sự nhị nguyên sẽ đưa đến sự phân biệt), thế nhưng chúng không hàm chứa một thực thể nào cả (các sự phân biệt không hàm chứa một giá trị tuyệt đối nào). Chúng hiện ra là như thế, chúng tan biến thì củng chỉ là như thế, hết sức đơn giản và tự nhiên. Những gì trên đây cho chúng ta thấy tại sao các hình thức nhị nguyên lại uốn nắn sự vận hành của tâm thức theo một mô hình xoắn ốc, biến tâm thức - đúng hơn là tri thức - trở thành thành một sự xoay vần bất tận gồm các chu kỳ nối tiếp nhau. Khi nào các bạn ý thức được sự hiểu biết buông bỏ sự hiểu biết (tức buông bỏ chính nó) thì bên trong tri thức các hình thức nhị nguyên không còn mang một ý nghĩa nào nữa. Trong thể dạng đó của tri thức sẽ không còn một sự nắm bắt bất cứ một nhãn hiệu nào hay một dòng chữ nào nhằm chủ đích chỉ định tính cách tốt hay xấu, thích thú hay đau đớn, đúng hay sai, hay bất cứ thứ gì khác. Các bạn chỉ cần tiếp tục buông bỏ và buông bỏ.
Đối với sự hiểu biết buông bỏ những gì mà nó hiểu biết thì sẽ khó có một từ nào có thể diễn tả được điều đó, không có "cái tôi" nào để mà "hiểu biết" cả, cũng chẳng có một "cái tôi" nào để mà "trông thấy"cả. Thế nhưng đấy lại là một sự hiểu biết thật sâu sắc, đòi hỏi một sự cố gắng nào đó để có thể nhận biết được điều ấy một cách minh bạch và đúng đắn. Các bạn phải tiếp tục quan sát với tất cả sự sáng suốt, một sự sáng suốt xuyên qua sự quán thấy của chính mình. Điều này vô cùng quan trọng, bởi vì đó là một thứ duy nhất có thể mang lại sự Giác Ngộ cho các bạn. Sự hiểu biết của các bạn phải tinh tế, khéo léo, phải luôn duy trì được các phẩm tính đó, nếu không thì sự hiểu biết của các bạn về bản chất đích thật của mọi sự vật - thuộc lãnh vực bên ngoài cũng như bên trong nội tâm - sẽ không hoàn toàn trong sáng. Nó sẽ bị chận lại ở các cấp bậc sơ đẳng nhất của tánh không, và tiếp tục dán một nhãn hiệu lên mọi sự vật để mà bám víu vào chúng, và sau cùng sẽ khiến cho mọi sự trở nên rắc rối thêm mà thôi. Thể loại "tánh không" này không thể mang ra so sánh với Tánh Không đích thật trên đây: có nghĩa là những gì hiểu biết tự loại bỏ chính nó ngay từ bên trong thể dạng tri thức tinh khiết và đơn sơ của chính nó. Hãy cố gắng giữ cấp bậc tri thức trên đây thật vững chắc. Nếu bất chợt các bạn dánh mất nó thì phải quay lại để tìm nó Các bạn sẽ nhận thấy rằng khi nào không nắm bắt một nhãn hiệu hay một ý nghĩa (một dòng chữ hay sự diễn đạt) nào, thì các tư duy nói lên cái tốt hay cái xấu (sự phân biệt) cũng sẽ dừng lại ngay. Chúng sẽ tan biến hết. Đức Phật dạy chúng ta hãy nhìn vào thế giới như là một sự trống không. Quả đúng thế, đấy là cách mà chúng ta phải nhìn vào thế giới này.
Tánh Không hiện ra khi tâm thức không gán cho mọi sự vật một ý nghĩa nào cả, không tạo tác cũng không bám víu. Đấy là cách mà nó trở nên trống không. Khi nào phát huy được sự cảm nhận đúng đắn về thể dạng trống không của tâm thức thì các bạn sẽ không còn bị lôi cuốn (quyến rũ, thu hút) bởi bất cứ gì nữa cả. Nếu chưa tập trung được sự chú tâm đúng theo phương cách đó thì các bạn cũng chỉ sẽ thực hiện được một thứ tánh không hời hợt mà thôi, và các bạn lại tiếp tục bị xao lãng bởi hết chuyện này đến chuyện khác, khiến tánh không ấy bị xao động. Thể loại tánh không đó chỉ đơn giản là một tình trạng hoang mang tâm thần. Tâm thức các bạn luôn bị bủa vây bởi các sự hoang mang đủ loại bởi vì các bạn không phân tích được mọi sự vật ở một cấp bậc thật sâu xa. Các bạn chỉ đùa cợt với khái niệm về tánh không mà thôi. Nếu muốn đạt được các cấp bậc sâu sắc của Tánh Không thì các bạn phải nhìn vào bên trong chính mình hầu phát huy một sự chú tâm thật bền vững để quán xét các sự vật, cho đến khi nào quán thấy được minh bạch bản chất đích thật của chúng xuyên qua các hiện tượng trong thực tại đang hiện ra và biến mất trước mắt mình. Tâm thức trong thể dạng đó sẽ không còn bị lôi cuốn bởi những gì đang xảy ra, không còn dán lên cho chúng một nhãn hiệu nào, cũng không nắm bắt một ý nghĩa nào nữa.
Nếu quán thấy đúng đắn được thể dạng Tánh Không đó thì sẽ không còn một khó khăn nào xảy ra, không còn một nhãn hiệu nào dán lên cái đống hỗn độn của các hiện tượng thể xác và tâm thần (các cấu hợp/ngũ uẩn tạo ra một cá thể) nữa. Khi xảy đến giây phút mà tất cả những thứ ấy phải tan rã hết (chết) thì chẳng có gì phải hoảng hốt, chẳng có gì phải lo buồn, bởi vì đấy là cách mà mọi sự vật ra đi một cách tự nhiên. Chỉ vì bám víu vào chúng mà chúng ta mang lại khổ đau cho mình mà thôi (dưới một góc nhìn khác thì sự bám víu đó là những gì phản ảnh "bản năng sợ chết" của chính mình).
Dhamma (Đạo Pháp/Giáo Huấn của Đức Phật hay Sự Thật nêu lên qua những lời thuyết giảng của Đức Phật) đang ngụ tại nơi này, ở ngay bên trong thân xác và tâm thức mình. Chỉ vì chúng ta không trông thấy được nó, hoặc có thấy thì cũng chỉ là một cách thấy sai lầm, cho nên chúng ta nắm bắt nó để mà mang lại khổ đau cho mình (tu tập không đúng với Giáo Huấn của Đức Phật cũng là một hình thức bám víu, chẳng những không ích lợi gì mà còn mang thêm khổ đau cho mình mà thôi). Nếu chúng ta nhìn vào mọi sự vật với một sự chú tâm thật cao độ và một sự suy xét minh bạch thì không có gì có thể khiến chúng ta phải khổ đau cả. Tại sao lại phải sợ hãi trước sự đau đớn và cái chết? Và nếu cứ sợ hãi thì có lợi lộc gì đâu? Các hiện tượng thân xác và tâm thần bắt buộc phải tuân theo bản chất của chúng. Thế nhưng tại sao chúng ta lại phải lăn xả vào đấy để mà nắm bắt chúng và cho rằng các sự đau đớn và khổ đau của chúng là của mình? Nếu hiểu rằng sự nắm bắt đó sẽ khiến chúng ta khổ đau và tiếp tục khổ đau, qua từng hơi thở một, thì những gì mà chúng ta nên làm là buông bỏ tất cả, và chúng ta sẽ nhận thấy rằng sự giải thoát khỏi khổ đau nào có xa xôi gì đâu, mà nằm ngay trước mặt mình.
Vậy thì các bạn hãy cố gắng nhìn vào bên trong chính mình theo cách mà tôi đã giải thích trên đây hầu luôn giữ được sự tỉnh giác cho tâm thức mình, nhưng tuyệt nhiên không nên ghép thêm cho nó chữ "tâm thức" hay bất cứ thứ gì khác (bên trong sự trống không tuyệt đối tâm thức cũng sẽ tan biến. Tâm thức dưới thể dạng cấu hợp - vinnana-khandha - chỉ là một phương tiện chuyẻn tải Tánh Không - cũng như tất cả tư suy và các xúc cảm bấn loạn khác. Sự thực hiện Tánh Không sẽ tự động loại bỏ tất cả, trong đó kể cả chính nó với tư cách là một "chủ thể" nhận biết các "đối tượng". Do đó không nên nghĩ rằng "tâm thức" mình đạt được "Tánh Không" mà nên để cho Tánh Không tỏa rộng bao trùm nó, khiến nó lu mờ, thu nhỏ và tự tan biến bên trong Tánh Không). Cứ để cho mọi sự vật được là như thế, đúng với chúng là như thế, tự chúng là như thế và bởi vì chúng cũng chỉ là như thế: tinh khiết và đơn sơ. Chỉ cần làm được như vậy là cũng đủ. Các bạn không cần tìm hiểu ý nghĩa hay khám phá ra bất cứ một nhãn hiệu nào để dán lên bất cứ thứ gì. Đấy chính là sự chấm dứt của khổ đau. Khi mọi sự tan biến vĩnh viễn thì cũng có nghĩa là chúng tan biến ngay từ cấp bậc bản thể (thể tính) cơ bản nhất của tri thức (elemental property of consciousness) một khi nó đã vượt thoát được mọi sự bấn loạn mang mầm mống đưa đến sự tái sinh. Đấy cũng là sự chấm dứt của tất cả, không còn sinh, tử, hay bất cứ gì khác (thực hiện được sự đình chỉ tuyệt đối tức là Niết-bàn ngay trong những giây phút hiện tại này).
Thiền định là một thứ gì đó mà mình phải tự luyện tập cho mình (chư Phật và tất cả mọi người khác đều có thể giúp mình đủ mọi mặt, thế nhưng sự sáng suốt thì chỉ có mình mới mang lại được cho mình mà thôi). Một sự hiểu biết minh bạch và đúng đắn về mọi sự vật nhờ vào sự chú tâm và quán xét của mình chính là khí cụ giúp mình hành thiền. Nếu tâm thức được luyện tập và trở nên sắc bén nhờ vào sự chú tâm và quán xét thì chính đấy cũng là một cách giúp nó quán xét lấy chính nó, và nhờ đó tất cả các sự bấn loạn (kilesa) chẳng hạn như các thứ ô nhiễm, nắm bắt và bám víu, dần dần sẽ bị nhổ bỏ và quét sạch. Qua những gì từng luyện tập chẳng lẽ các bạn không nhận thấy mình đã đạt được một cấp bậc giải thoát đáng kể hay sao? (vậy người đọc cũng nên tự hỏi sau khi đọc đến đây thì mình có đạt được một chút giác ngộ nào hay không, hay đã quên những gì mà mình vừa đọc?). Tâm thức không phải lo lắng về một thứ gì cả, không cần phải tham gia vào bất cứ việc gì. Hãy buông bỏ tất cả những gì bên ngoài và cứ tiếp tục buông bỏ như thế cho đến khi nào tâm thức tự buông bỏ chính nó. Khi nào thực hiện được như thế thì không thể nào lại không trông thấy giá trị vô biên của Dhamma (Đạo Pháp hay Giáo Huấn hay "Sự Thật" nêu lên trong các lời giảng dạy của Đức Phật).
Tôi cầu mong các bạn luôn loại bỏ được khỏi tâm thức mình mọi sự bám víu và cảm tính về "cái tôi", hầu giúp tâm thức các bạn trở nên trong sáng hơn để nhìn Thấy Dhamma. Cầu mong sao các bạn thực hiện được điều đó trong từng khoảnh khắc một và bất cứ lúc nào trong cuộc sống của các bạn. Tất cả chỉ là như thế và cũng chỉ có thế.
Phần II
Đạt được một sự hiểu biết căn bản về Tánh Không thật hêt sức hữu ích giúp mình nghe giảng Dhamma (Đạo Pháp) dễ dàng hơn. Điều này cũng tương tự như được uống một bát thuốc bổ. Mỗi khi đau ốm thì quả hết sức khó tránh khỏi các sự đau đớn làm cho mình xao động, thế nhưng nếu làm ngơ không chú ý đến chúng thì chúng cũng chỉ gây ra khó khăn cho thân xác, tâm thức không liên hệ gì với những thứ ấy. Trong lúc nghe giảng các bạn nên ý thức về điều đó: tâm thức phải buông bỏ mọi sự đau đớn thì mới nghe giảng được. Cứ phó mặc sự đau đớn cho thân xác, tâm thức sẽ trống không.
Khi nào tâm thức đã quán thấy được một cách chân thật rằng tất cả những gì cấu hợp đều là vô thường thì tất nó sẽ buông bỏ mọi sự bám víu (thật ra khái niệm về vô thường là một trong những khái niệm dễ hiểu nhất trong giáo lý Phật giáo. Thí dụ nhìn vào chính mình thì sẽ nhận thấy ngay mình là một sự cấu hợp, gồm đầu mình, chân tay, ruột gan, máu mủ, tâm thần với đủ mọi thứ xúc cảm: yêu thương, ghét bỏ, sợ hãi, tức giận, bật cười một mình hay đau buồn và nước mắt ràn rụa..., cái tổng thể phức tạp ấy là một thể dạng "cấu hợp", do đó nó sẽ già, ốm đau và chết: đấy là bản chất vô thường của một cá thể con người, vậy không nên suốt ngày lo lắng cho nó. Chén đĩa trong bếp làm bằng đất sét, tráng men, vẽ hoa, được nung cho cứng là những thứ cấu hợp, sớm muộn chúng cũng sẽ nứt rạn, sứt mẻ hay vỡ tan, vì thế nếu con cái có lỡ tay đánh vỡ thì không nên nặng tay hay chửi mắng chúng. Khi nào hiểu thật sâu xa rằng tất cả những gì chung quanh mình, trên thân xác mình và trong tâm thức mình đều là những thứ cấu hợp, có nghĩa là vô thường, không có một ngoại lệ nào cả, thì chúng ta sẽ tìm thấy sự nhẹ nhõm thật dễ dàng. Trái lại nếu bám víu vào những thứ trường tồn, bất biến và toàn năng thì những gì đang xảy ra trên thế giới này chúng ta đều biết). Khó khăn nếu có là vì chúng ta không thật sự nhận biết được điều ấy hoặc không chịu suy nghĩ sâu xa. Một khi nhìn thấy được điều đó thì tức khắc tâm thức sẽ bừng sáng lên. Một sự hiểu biết minh bạch sẽ khiến cho tâm thức rạng rỡ. Vì thế các bạn phải luôn giữ sự chú tâm thật vững chắc. Dù không có nhiều hiểu biết trong lãnh vực này đi nữa thì cũng chỉ cần giữ tâm thức trong thể dạng thăng bằng ở cấp bậc sơ đẳng nhất của sự trung hòa và Tánh Không cũng được. Làm được như thế thì cũng đủ giúp mình không quá lo sợ những sự đau đớn trên thân xác và không quá quan tâm đến chúng.
Do đó các bạn chỉ nên duy trì sự nhận biết về sự đau đớn ở thể dạng khi nó vừa mới chớm hiện lên đơn giản như là một sự cảm nhận của thân xác. Sự đau đớn ấy là của thân xác, không nên để tâm thức phải đau đớn cùng với nó! Nếu cứ để tâm thức khổ đau vì những sự đau đớn của thân xác thì các bạn sẽ khiến cho tình trạng trầm trọng thêm mà thôi. Vì thế trước hết các bạn phải bảo vệ tâm thức, giúp nó biết buông bỏ mọi sự vật, và sau đó thì quay nhìn vào bên trong chính mình, hướng vào nơi sâu kín nhất của tri thức mình và an trú nơi đó. Các bạn không bắt buộc phải dính líu vào các thứ đau đớn bên ngoài. Kể cả trường hợp các bạn cắn răng chịu đựng thì biết đâu các bạn cũng sẽ không kham nổi. Tốt hơn hết là nên an trú trong thể dạng sâu kín nhất của tâm thức bên trong chính mình, đấy là cách giúp mình gạt bỏ tất cả mọi thứ sang một bên.
Sau đó nếu cơn đau giảm xuống thì hãy cố gắng quan sát nó. Giữ tâm thức trong trạng thái bình thường, trung hoà và bình thản, bằng cách phát động Tánh Không bên trong nó. Tâm thức tiếp tục quan sát cơn đau trong lúc nó giảm dần và tan biến. Ngược lại nếu cơn đau gia tăng và trở nên gay gắt thì hãy nhìn vào bên trong chính mình, bởi vì nếu chỉ biết cắn răng chịu đựng mà không đủ sức thì sự mong muốn (desire) sẽ chen vào, mong muốn tống khứ được cơn đau, hoặc mong muốn thay thế nó bằng sự an lành. Thế nhưng thật ra thì sự mong muốn đó chỉ là cách khiến cho mọi sự càng trở nên trầm trọng thêm, mang lại một sự bấn loạn khủng khiếp trong tâm thức mình.
Vậy đối với các khó khăn cấp bách thì phài đối phó như thế nào. Nếu sự đau đớn xảy đến bất thần và quá gay gắt thì các bạn phải tức khắc quay nhìn vào bên trong chính mình và tập trung sự chú tâm hướng thẳng vào tâm thức. Các bạn không nên lo lắng cho thân xác và các cơn đau đớn của nó. Mặc kệ chúng, hãy chú tâm thật mạnh vào nơi sâu kín nhất của tri thức. Tập trung tất cả sự chú tâm của mình vào đó cho đến khi nào quán thấy được thể dạng tinh khiết của tâm thức không tham dự vào sự đau đớn của thân xác, thì khi đó các bạn dừng lại ở thể dạng tâm thức thật trong sáng và bền vững đó. Khi sự chú tâm đã hướng được vào bên trong một cách vững chắc và trong sáng thì dù cho sự đau đớn trên thân xác có như thế nào thì đấy cũng chỉ là chuyện liên quan đến các hiện tượng tâm thần và thể xác, tâm thức không dính líu gì đến những thứ ấy. Nó đứng ra ngoài và buông bỏ tất cả (các hiện tượng tâm thần và thể xác ở dây có thể hiểu là các cấu hợp/ngũ uẩn tạo ra một cá thể, thể dạng tinh khiết của tâm thức vượt ra ngoài và lên trên các cấu hợp ấy).
Khi nào các bạn đã thuần thục với phép luyện tập này thì khả năng hướng sự chú tâm vào bên trong chính mình mà mình đã luyện tập được sẽ giúp mình rất nhiều, bởi vì những gì quan trọng nhất trong cuộc sống không thuộc vào các bối cảnh bên ngoài, mà hoàn toàn nằm sâu bên trong tâm thức. Nếu hiểu được điều đó một cách đúng đắn thì chúng ta sẽ không còn hướng ra bên ngoài để nắm bắt cái này hay cái kia nữa. Chúng ta sẽ không còn nắm bắt bất cứ thứ gì nữa, bởi vì khi nào còn nắm bắt thì chúng ta sẽ còn tạo ra những khổ đau vô ích. Sự an vui của tâm thức cũng đơn giản chỉ là tình trạng mà nó không còn nắm bắt bất cứ gì cả cũng không thèm khát/mong muốn một thứ gì cả. Trong tình trạng đó tất cả những sự bất toại nguyện, tất cả mọi thứ khổ đau đều biến mất: nơi đó nằm bên trong tâm thức mình.
Trái lại, nếu các bạn không thật sự hiểu được mọi sự vật là gì thì tâm thức sẽ không sao buông bỏ chúng được. Nó sẽ hướng vào các sự vật bên ngoài để mà bám víu vào chúng với tất cả sức lực của nó, chẳng qua là vì nó tìm thấy hương vị trong những thứ ấy. Sớm muộn chắc chắn chúng sẽ mang lại khổ đau và bất toại nguyện, thế nhưng tiếc thay tâm thức đã bị mù quáng bởi những gì đã quyến rũ nó.
Chúng ta phải tập trung sự chú tâm để suy tư và quan sát hầu trông thấy những sự bấn loạn trong tâm thức, cũng như những sự hiểu biết và các quan điểm sai lầm che khuất nó và không cho chúng ta trông thấy được bản chất trống không và vắng lặng của chính nó. Hãy tập trung thật mạnh để quán xét các quan điểm của mình hầu nhận thấy chúng mang lại cho mình những sự bám víu phức tạp đến độ nào, các sự bám víu đó sẽ vùi lấp tâm thức khiến nó rơi vào một tình trạng bế tắc thật khủng khiếp. Các bạn trông thấy đó, các hiện tượng tâm thần - giác cảm, sự cảm nhận, sự hình thành của tư duy (ttức năm thứ cấu hợp/ngũ uẩn) - chi phối tâm thức, ảnh hưởng đến cả các thể tính cơ bản của tri thức làm cho nó bị méo mó hẳn đi.
Những gì trên đây cho thấy thật hết sức quan trọng là phải khám phá ra cái gì là hiểu biết buông bỏ những gì mà nó hiểu biết - nói một cách khác là cái gì nhận biết được các thể tính tinh khiết và đơn sơ của tri thức trước khi các hiện tượng tâm thần thâm nhập vào nó và chi phối nó, hay trước khi nó thoát ra khỏi chính nó để chi phối các hiện tượng tâm thần (đây là một trong các câu khá cô đọng và khúc triết nhất trong bài giảng của bà Upasika Kee Nanayon, do đó cũng xin mạn phép giải thích thêm như sau: "Tri thức nguyên sinh" là một thể dạng tâm thần trong sáng, tinh khiết, tĩnh lặng - có thể hiểu như là thăng bằng và" bất động" - vậy cái gì cảm nhận được các thể tính ấy của nó ngoài chính nó? Nếu muốn cảm nhận được chính nó trong thể dạng nguyên sinh ấy của chính nó thì nó phải buông bỏ "khả năng" nhận biết của nó và cả những gì mà khả năng ấy đã nhận biết được. Mặt khác thì nó cũng có thể thoát ra khỏi nó để ảnh hưởng đến các hiện tượng tâm thần bên ngoài nó - chẳng hạn như các sự hiểu biết và nhận thức - và đấy cũng là cách làm cho nó bị ô nhiễm và méo mó. Buông bỏ khả năng hiểu biết và cả những gì hiểu biết là cách giúp nó trở về với thể dạng nguyên sinh của chính nó). Đấy chính là điểm quan trong cần phải chú ý - nhất là đối với sự tạo tác tư duy đưa đến các tác động ảnh hưởng đến tri thức (làm ô nhiễm và méo mó tri thức). Các tư duy đó phát sinh từ vô minh, có đúng thế hay không (vô minh đưa đến tư duy và tác ý)? Chỉ vì "thiếu hiểu biết" hay "hiểu biết sai lầm" mà chúng ta đã xác định lệch lạc mọi sự vật.
Tôi mong rằng các bạn hãy cố gắng tìm hiểu về tình trạng vô minh đó tức là sự thiếu-hiểu-biết đó. Khi nào ý thức được các đặc tính của sự thiếu hiểu biết ấy thì sẽ giúp các bạn nhận biết được các đặc tính của các hiện tượng tạo tác ra tư duy (các sự tạo tác tâm thần), để hiểu rằng chúng phát sinh và bị chi phối như thế nào bởi các nguyên nhân tạo ra chúng, và sau đó là để buông bỏ chúng. Điều này đòi hỏi các bạn phải có một sự nhận định tinh tế và sâu sắc, bởi vì điều này vô cùng tinh vi và sâu kín. Tuy nhiên và dầu sao đi nữa thì sự tỉnh giác và khả năng quán xét mà các bạn đạt được cho đến đây cũng thừa đủ giúp mình tiếp cận với vấn đề này. Nếu không thì cũng chẳng biết là có một phương pháp nào khác hơn có thể làm cho khổ đau phải chấm dứt, nói cách khác là giải thoát mình ra khỏi nó.
Các bạn có thể tiếp cận những điều trên đây qua một góc nhìn khác hơn: chẳng hạn như duy nhất chỉ tập trung vào một thể dạng tâm thức thường xuyên ở trong tình trạng trống không. Nếu có những mối quan tâm nào hiện lên thì chỉ cần ý thức về các đặc tính (như vô thường, bất toại nguyện, vô thực thể...) của chúng xuyên qua các sự cảm nhận đơn thuần, chẳng hạn như khi hình tướng tiếp xúc với mắt, âm thanh với tai, v.v., trước khi các sự diễn đạt như "thích thú" hay "khó chịu" có thể xảy ra. Nếu xem chúng chỉ là những sự cảm nhận đơn thuần thì chúng sẽ tự động tan biến sau đó, đấy là cách không gây ra khổ đau cho mình (nếu gán cho các sự cảm nhận một ý nghĩa nào đó, nói một cách khác là dán lên cho chúng một nhãn hiệu, thì tức khắc sự bám víu sẽ xảy ra và mang lại khổ đau cho mình. Cách dừng lại ở cấp bậc cảm nhận mang tính cách "cụ thể" hơn so với phương pháp buông bỏ hầu tạo ra thể dạng trống không trong tâm thức làm hiện lên thể dạng tri thức nguyên sinh tinh khiết và đơn sơ trên đây, do đó cũng tương đối dễ thực hiện hơn. Dầu sao thể dạng dừng lại ở cấp bậc cảm nhận và không diễn đạt bất cứ gì cũng không sâu xa và tuyệt đối bằng thể dạng trống không của tâm thức nhờ vào sự buông bỏ).
Các bạn phải dồn tất cả sự chú tâm vào đúng lúc khi các sự tiếp xúc vừa mới xày ra, chẳng hạn như khi hình tướng bắt đầu tiếp xúc với mắt. Nếu mình không chú ý đến các sự vật hiện lên qua sự tiếp xúc ấy thì chúng cũng sẽ không tạo ra cho mình các cảm tính như "tôi thích" hay "tôi không thích". Thế nhưng nếu các cảm nhận về các hình tướng, âm thanh, mùi, vị, hay các cảm giác đụng chạm khác gây ra một sự chú ý nào đó đối với mình, hoặc mình gán cho chúng một ý nghĩa nào đó, thì tức khắc sự bám víu (thích thú hay ghét bỏ) sẽ hiện ra.
Nếu các bạn nhìn vào mọi sự vật theo cách đó thì các bạn sẽ nhận thấy sự bám víu hết sức tinh tế, bởi vì chỉ cần gán ý nghĩa cho một sự vật nào đó thì ngay bên trong hành động đó cũng đã tàng ẩn một sự bám víu thật kín đáo. Nếu không suy xét một cách cẩn thận thì các bạn không sao nhận thấy được sự bám víu ấy; thế nhưng thật ra luôn có một sự bám víu, chỉ vì nó quá sức tinh tế nên khó nhận biết thế thôi. Khi nêu lên một ý nghĩa nào đó thì luôn có một sự bám víu đi kèm với nó. Nếu muốn nhận thấy điều này thì phải thật chú tâm và cảnh giác chẳng qua là vì chúng ta xem các sự tiếp xúc ở các cấp bậc mắt, tai... là những gì hoàn toàn bình thường, thế nhưng thật ra thì có rất nhiều chuyện xảy ra cùng một lúc với các sự tiếp xúc ấy - tương tự như một trò ảo thuật vậy (thí dụ chúng ta thấy một con "gà trống" và nói lên đây là một con "gà trống", thì sự bám víu là ở chổ nào? Đấy là một con gà biết gáy ó o, không phải là một con gà mái. Nếu nói lên là một "con gà", tức không trống cũng không mái, thế nhưng vẫn có sự bám víu; tức có nghĩa đấy là một "con gà" không phải là một "con vịt". Sự diễn đạt là một nhãn hiệu, một dòng chữ mà mình áp đặt cho một cảm nhận của tâm thức, nhãn hiệu hay dòng chữ đó phát sinh từ sự hiểu biết quy ước và vô minh dưới sự chi phối của nghiệp trong tâm thức mình. Khi nào có cảm nhận nhưng không có diễn đạt thì đấy là một cách mang lại sự trống không cho tâm thức ở một cấp bậc nào đó. Ở một cấp bậc sâu xa hơn nữa là tâm thức phải loại bỏ cả khà năng diễn đạt dưới tác động của nghiệp và xuyên qua sự hiểu biết mang tính cách quy ước của nó. Ở một cấp bậc sâu xa hơn là tâm thức chính nó cũng phải tự loại bỏ nó tức là loại bỏ thể dạng cấu hợp của nó, hầu dòng tri thức nguyên sinh, đơn sơ và tinh khiết có thể hiện lên) - điều này cho thấy chúng ta không ý thức được các đặc tính về những gì mà mình ý thức được qua từng cảm nhận riêng rẽ. Do đó chúng ta phải thật cảnh giác thì mới có thể nhận thấy sự kiện này (thí dụ trông thấy một người nào đó thì không phải chỉ trông thấy người ấy mà cả một lô các sự diễn đạt và xúc cảm cũng đồng loạt phát sinh đi kèm với sự trông thấy ấy, chẳng hạn như người ấy: mập, ốm, trẻ, già, đàn bà, đàn ông, xinh đẹp, xấu xí, dễ thương, đáng ghét, v.v. Chỉ cần trông thấy một cá thể con người thì tức thời một lô các sự diễn đạt trên dây sẽ dồn dập hiện lên ôm chầm lấy sự trông thấy ấy của mình. Tóm lại nếu muốn đi đến sự "không diễn đạt, không dán một nhãn hiệu, không viét lên một dòng chữ nào trong tâm thức mình thì không phải là dễ, do đó con đường luyện tập thiền định rất cam go, luôn đòi hỏi sự kiên nhẫn. Thế nhưng nếu kiên trì thì dần dần từng bước một, chúng ta cũng sẽ loại bỏ được các sự diễn đạt và xúc cảm bấn loạn đi kèm với những sự cảm nhận của mình qua tâm thức và ngũ giác, và trong từng ngày một, trong từng khoảnh khắc một, chúng ta cũng sẽ cảm thấy ít khổ đau hơn một chút, nhẹ nhàng hơn một chút). Nếu không thực hiện được cấp bậc tỉnh thức đó thì bất cứ gì hiện ra với mình luôn liên hệ với một sự bám víu. Các thứ ấy sẽ truyền vào tâm thức mình các thông điệp đưa đến các sự diễn đạt và biến chế đủ loại, mang lại mọi thứ khó khăn cho tâm thức, khiến nó rơi vào một tình trạng hoang mang cực độ (tức là tạo ra tình trạng "vô minh" cho tâm thức).
Nếu muốn cho tầm nhìn của mình chỉ duy nhất hướng vào bên trong chính mình thì các bạn phải thật cảnh giác, bởi vì bên trong nội tâm mình các sự vật rất tinh tế, bén nhạy và khó nắm bắt. Có những lúc tâm thức có vẻ như trống không và trung hòa (bình thản, ít xao động) thì đấy là những lúc thuận tiện nhất giúp các bạn có thể quan sát nó chính xác hơn và cũng chủ động nó dễ dàng hơn, hầu nhận biết được các cảm nhận phát sinh từ các sự tiếp xúc giác cảm (xin nhắc lại là theo Phật giáo thì tâm thức cũng là một giác quan tương tự như năm giác quan khác trên cơ thể, và đối tượng của giác quan tâm thức là tư duy, xúc cảm, sự tưởng tượng, v.v.). Nếu các sự tiếp xúc ấy giữ nguyên được tính cách tinh khiết và đơn sơ của chúng (không diễn đạt gì cả) thì chúng sẽ biến mất nhanh chóng và tâm thức sẽ giữ được thể dạng trống không - trung hòa và trống vắng - của nó. Khi nào thực hiện được như thế thì các bạn sẽ nhận biết được thể dạng tâm thức mình sẽ trở nên như thế nào khi mà nó không còn bị chi phối bởi tác động của các thứ ô nhiễm, bám víu và nắm bắt. Các bạn có thể căn cứ vào thể dạng trống không đó như là một mẫu mực giúp mình so sánh với các thể dạng bấn loạn khác, và điều đó sẽ mang lại cho mình một sự toại nguyện sâu xa.
Sau cùng sự luyện tập sẽ giúp các bạn nhận biết được Tánh Không của tất cả mọi hình thức tiếp xúc giảc cảm, đúng theo lời Phật dạy là hãy nhìn vào thế giới như là một sự trống không. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải nhìn vào các giác cảm của mình xuyên qua các thể dạng mộc mạc và đơn sơ nhất của chúng, tức có nghĩa chúng chỉ đơn giản là các hiện tượng hiện lên và tan biến. Vì thế khi nào tri thức chỉ đơn giản tiếp nhận các giác cảm mang lại từ các sự tiếp xúc của các giác quan, nhưng không ghép thêm cho chúng bất cứ thứ gì, thì chúng ta sẽ quán thấy được bản chất đích thật của chúng. Sau khi đã thực hiện được điều đó thì giai đoạn kế tiếp trong quá trình luyện tập của mình sẽ không còn gặp phải một khó khăn nào nữa, bởi vì mình đã thực hiện được thể dạng trung hòa (thăng bằng, không bị khích động bởi các sự tiếp xúc giác cảm) trong giai đoạn khi mới khởi đầu luyện tập. Việc tiếp nhận các sự tiếp xúc giác cảm không còn là một sự khó khăn nữa, tâm thức không còn nắm bắt các sự vật, không còn cảm nhận các cảm tính mê thích hay ghét bỏ nữa. Tâm thức sẽ trở nên an bình, hoàn toàn ý thức được tất cả những gì chung quanh nó vào bất cứ lúc nào. Sau khi đã đạt được cấp bậc này thì các bạn sẽ nhận thấy một sự lợi ích vô cùng to lớn một khi mình không còn làm cho các sự vật trở nên rắc rối, không để cho chúng tạo ra các thứ khó khăn dưới sự chi phối của các thứ ô nhiễm, nắm bắt và bám víu (kilesa). Chỉ cần thực hiện được như thế cũng đủ để giải thoát mình khỏi rất nhiều phiền toái.
Tiếp theo đó khi đã phát huy được một tầm nhìn sâu sắc hơn, giúp mình nhận thấy được bản chất của toàn thể mọi hiện tượng xuyên qua các sự tiếp xúc giác cảm của mình, thì các bạn cũng sẽ nhận thấy chúng nhất thiết chỉ là các giác cảm đơn thuần, tuyệt nhiên không hàm chứa bất cứ gì đáng để cho chúng ta bám víu. Dù cho thế giới có ngập tràn đủ mọi thứ chuyện, thế nhưng nếu chúng ta nhìn qua đôi mắt của sự chú tâm để mà suy xét thì nhất định chúng ta cũng sẽ thấy tất cả đều là Tánh Không. Đôi mắt trông thấy vô số hình tướng, đôi tai nghe thấy vô số âm thanh, thế nhưng tâm thức không hề gán cho chúng một ý nghĩa nào cả một khi mà nó đã nhận thấy mọi sự vật - tự nơi chúng và bởi chính chúng - không hề hàm chứa một mảy may ý nghĩa nào.
Duy nhất chỉ có một điều đáng quan tâm: ấy là tâm thức. Tất cả mọi vấn đề đều phát sinh từ tâm thức (xin mạn phép nhắc lại câu đầu tiên trong kinh Dhammapada: "Tâm thức làm phát sinh ra tất cả mọi hiện tượng"), chúng thoát ra bên ngoài để gán cho mọi sự vật một ý nghĩa, và tức thời tạo ra sự bám víu (thích thú, ghét bỏ..., đưa đến các xúc cảm bấn loạn) mang lại mọi sự căng thẳng và khổ đau. Do đó các bạn phải quán xét thật cẩn thận mọi sự vật cho đến khi nào trông thấy được bản thể sâu kín nhất của chúng - qua tất cả mọi khía cạnh, từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới - xuyên qua cả các đặc tính vô thường, khổ đau và vô thực thể của chúng. Hãy nhìn mọi sự vật đúng với chúng là như thế, bởi vì chúng là như thế, tự chúng là như thế, phù hợp với bản chất đích thật của chúng, tức là trước khi chúng ta gán cho chúng một ý nghĩa nào đó để mà bám víu vào chúng. Nếu làm được như thế thì các bạn sẽ không còn gặp phải khó khăn nào xảy đến với mình nữa. Tâm thức sẽ tự nó trở nên trống không, trong sáng và rạng ngời, chẳng cần phải làm gì thêm nữa cả.
Tóm lại, tâm thức thường bị những con vi khuẩn vô minh hoặc các thứ bám víu thâm nhập mang lại đủ mọi thứ khó khăn, do đó chúng ta không được phép chểnh mảng. Trước hết các bạn phải quan sát tất cả mọi sự vật xảy đến với mình và theo dõi xem sự bám víu vào những thứ ấy hiện ra như thế nào qua các sự tiếp xúc giác cảm (xin nhắc lại "bám víu" ở đây có nghĩa rất rộng. Có những sự "bám víu" dễ nhận thấy như các sự ham muốn, ghét bỏ hay bất cứ một xúc cảm bấn loạn nào, nhưng cũng có thể rất kín đáo, chẳng hạn như thí dụ về chuyện con gà trên đây: trông thấy con gà bèn thốt lên "con gà!!" cũng đã là một sự bám víu). Thí dụ, khi có một cảm nhận đau đớn xảy ra, nếu mình không dán lên cho nó một nhãn hiệu mang ý nghĩa đây là sự đau đớn "của mình", thì sự bám víu sẽ không tham gia quá đáng vào sự nhận biết ấy (nếu hiểu rằng sự đau đớn là của thân xác, không phải của mình, thì dường như sự đau đớn cũng bớt đi một chút!). Thế nhưng nếu mình gán cho nó cái ý nghĩa là "của mình", thì tức khắc sẽ phát sinh sự mong muốn loại bỏ sự đau đớn ấy hoặc tìm cách bù đắp nó bằng một sự thích thú.
Sự thèm khát (desire/mong muốn,bám víu) không bao giờ mang lại những gì đúng thật, hoặc phù hợp với sự mong muốn của mình. Sự thích thú tạo ra từ thẻm khát không trường tồn. Chúng thu hút mình nhưng sẽ biến đổi ngay sau đó để trở thành một thứ gì khác hơn (sự bất toại nguyện). Sự đau đớn đánh lừa mình và sẽ chuyển sang một hình thức khác. Các sự biến đổi đó dồn dập tiếp nối nhau, chồng chất bên trong tâm thức và trở nên vô cùng phức tạp, tạo ra một tấm màn vô minh bao phủ tâm thức. Đó là cách mà tâm thức bị nhào nặn bởi đủ mọi thứ tác động, khiến nó rơi vào một tình trạng hoang mang, u mê, mất hết định hướng, lúc nào cũng nóng bỏng như một đống lửa than.
Đủ mọi thứ chuyện được ủ kín bên dưới lớp tro của đống than đang âm ỉ trong tâm thức. Chính vì thế nên nguyên tắc "cái gì hiểu biết (ý thức) buông bỏ những gì mà nó hiểu biết (ý thức)" sẽ là một lợi khí vô song. Bất cứ gì xảy đến với mình thì lợi khí đó cũng đều giúp mình vượt thoát được. Nó giài quyết được tất cả. Nếu đánh mất nó thì phải tìm cách quay lại để tìm nó. Các bạn tất sẽ tự nhận thấy lợi khí đó hiệu nghiệm vô cùng trong việc bảo vệ và mang lại cho tâm thức mình sự trống không và thanh thản.
Có thể là các bạn cũng chỉ có thể khám phá được những sự hiểu biết trên đây từng tí một, qua những lúc mà tâm thức các bạn không bị xâm chiếm bởi quá nhiều tư duy, và giữ được trạng thái "bình thường", tức trống không và an bình (không nghĩ ngợi quá nhiều, không bị xao động). Trong những lúc ấy các bạn nên quán xét tâm thức mình thật cẩn thận, không nên phó mặc nó trong tình trạng thờ ơ như thế, nếu không thì nó có thể sẽ đánh mất sự thăng bằng ấy của nó. Nếu các bạn rơi vào tình trạng dửng dưng thiếu tỉnh thức đó thì mỗi khi có bất cứ một sự tiếp xúc giác cảm nào bất chợt xảy ra thì không sao tránh khỏi đưa đến sự nắm bắt và bám víu. Các bạn phải chú tâm quan sát các sự biến đổi và theo dõi phản ứng của tâm thức trong từng khoảnh khắc một. Mỗi khi sự chú tâm suy giảm thì tức khắc phải tìm cách tái lập lại sự chú tâm "bình thường" trước đó. Không sao tránh khỏi thỉnh thoảng sự chú tâm giảm xuống, chuyện này xảy ra đối với tất cả mọi người, bởi vì vô minh - độc tố mạnh nhất trong số các độc tố tâm thần - vẫn còn nguyên trong tâm thức mình.
Chính vì thế nên chúng ta phải cố gắng phát huy sự chú tâm, khả năng phân tích và sự tỉnh giác, giúp chúng ngày càng trở nên sáng suốt và minh mẫn hơn. Phải liên tục luyện tập tâm thức già dặn hơn về các khả năng chú tâm và quán xét. Khi nào tâm thức đủ cứng cỏi mang lại một sự hiểu biết thật tinh tế về mọi sự vật thì các bạn cũng sẽ loại bỏ được các yếu tố bấn loạn trong tâm thức đúng vào khoảnh khắc mà chúng vừa mới khởi sự hiện lên. Ngay vào lúc vừa chớm cảm nhận được một sự thu hút hay ghét bỏ nào thì tức khắc các bạn sẽ có thể vuợt lên trên chúng, không cần phải chờ đến lúc chúng tự tan biến. Điều này sẽ giúp cho mọi sự được dễ dàng hơn (so với những lúc khi sự nắm bắt và bám víu xảy ra rồi mới tìm cách loại bỏ chúng). Trái lại nếu cứ để chúng tiếp tục diễn tiến thì chúng sẽ gây ra các các tác động ảnh hưởng đến tâm thức khiến nó bị khích động, trở nên ô nhiễm và hoang mang, có thể đưa đến ngôn từ và hành động. Tình trạng đó sẽ khiến các bạn rơi vào một thể dạng bấn loạn tâm thần khủng khiếp, tương tự như rơi vào địa ngục ngay trong kiếp sống này.
Việc luyện tập Dhamma (Đạo Pháp) cần đến sự khéo léo và và thận trọng bên trong tâm thức. Các yếu tố bấn loạn (kilesa) lúc nào cũng sẵn sàng tâng bốc mình, tìm đủ mọi cách khiến mình phải chiều theo ý chúng. Nếu không cảnh giác và thận trọng, không canh chừng tâm thức cẩn thận thì các yếu tố bấn loạn sẽ điều khiển mình - chúng có đủ mọi mánh khóe. Ngược lại nếu giữ tâm thức thật cảnh giác thì chúng sẽ sợ mình, rất e ngại trước sự chú tâm và quán xét của mình. Chúng sẽ bị tâm thức tỉnh giác của mình đánh bại.
Các bạn thấy đó, với một tâm thức trống không, tỉnh thức, không bám víu thì các yếu tố bấn loạn sẽ thu mình bé xíu. Thế nhưng nếu sự chú tâm vừa mới giảm xuống một tí thì tức khắc các yếu tố bấn loạn (kilesa/phiền não) sẽ bùng lên ngay. Nếu các bạn đủ sức nhận biết được chúng ngay vào lúc chúng vừa chớm hiện lên thì chúng sẽ tan biến tức khắc. Khả năng nhận biết này rất hữu ích, bởi vì nếu cứ để cho các yếu tố bấn loạn tha hồ khuấy động mang lại mọi thứ khó khăn cho mình thì khi đó sẽ rất khó loại bỏ chúng. Vậy phải kiên trì và không nên bỏ cuộc.
Dầu bất cứ gì xảy đến với mình thì trước hết phải chấp nhận và chịu đựng nó - thế nhưng không phải chỉ biết đơn giản chịu đựng mà phải quán xét chúng, xem chúng là gì, biến đổi ra sao và tan biến như thế nào. Sở dĩ chúng ta phải chấp nhận và chịu đựng là để trông thấy sự lừa lọc của chúng, có nghĩa là theo dõi xem chúng hiện ra như thế nào, tồn tại và tự chúng tan biến ra sao (trông thấy được bản chất vô thường của chúng để không bám víu vào chúng và không để chúng gây ra tác động ảnh hưởng đến tâm thức mình). Trong khi chúng ta còn đang quán xét và mới khám phá ra được sự lừa lọc của chúng thì tức khắc chúng sẽ tan biến ngay, đấy có nghĩa là chúng ta đã đánh bại được chúng. Tâm thức sẽ tìm thấy được sự giải thoát và tự do, từ bên trong nó tất cả sẽ trở nên trống không.
Phép luyện tập nhin xuyên qua các sự vật khi chúng vừa chớm hiện lên với mình cũng có thể xem như một cách dần dần mang lại cho mình từng tí giác ngộ mang tính cách đột khởi. Sự tỉnh thức từng chút một đó sẽ ngày càng trở nên rạng ngời, vững chắc và bao quát hơn. Vậy các bạn hãy cố gắng luyện tập hầu mở rộng thêm sự quán thấy sâu xa hiện lên với mình từng chút một trong những khoảnh khắc bất chợt ấy. Đến một lúc nào đó khi sự tỉnh thức trở nên hoàn hảo hơn thì tự nhiên các yếu tố bấn loạn (kilesa) sẽ vụt tan biến vĩnh viễn. Khi khoảnh khắc đó xảy đến với mình thì đấy là Nibbana (Niết-bàn), sau đó sẽ không còn xảy ra sự sinh nữa. Khi các bạn vẫn chưa đạt được thể dạng ấy thì các bạn nên tiếp tục trui rèn các khí cụ của mình - tức là sự chú tâm và quán xét của mình - thêm sắc bén. Nếu không đủ bén thì chúng sẽ không cắt được gì cả. Dầu sao thì với các khí cụ đó - dù là đang ở tình trạng nào - thì các bạn cũng cứ cắt, từng tí một, được đến đâu hay đến dấy.
Tôi mong rằng các bạn cố gắng sử dụng tâm thức mình để quán xét và tìm hiểu những gì xảy ra bên trong nó, cho đến khi nào tất cả đều trở nên sáng tỏ. Khi đó các bạn sẽ buông bỏ được tất cả và hiểu rằng tuyệt nhiên chẳng có bất cứ một thứ gì bên trong năm thứ cấu hợp (ngũ uẩn) tạo ra mình cả, và cũng có nghĩa là các hiện tượng thể xác và tâm thần chẳng phải là "các bạn" mà cũng chẳng phải là "tôi". Các bạn nên tiếp tục buông bỏ và cũng chỉ cần có thế. Trong lúc đang được chữa trị, dù là ở nhà hay trong bệnh viện, thì các bạn cũng nên làm những gì cần phải làm để giúp cho căn bệnh thuyên giảm, thế nhưng đồng thời cũng phải hiểu rằng ngoài các việc ấy ra nhất định còn có một thứ gì khác nữa: đó là thể dạng hoàn toàn tỉnh giác thật đặc biệt của tâm thức có thể tự buông bỏ chính nó một cách thật đơn giản và trong sáng, khiến tất cả mọi vấn đề khó khăn (trong trường hợp này là bệnh tật và các yếu tố bấn loạn trong tâm thức) phải chấm dứt (chúng ta có thể làm cho căn bệnh thuyên giảm, nhưng cũng có thể làm cho nó - và cả những thứ khó khăn khác - phải chấm dứt vĩnh viễn bằng sự giác ngộ).
Vài lời ghi chú của người dịch
Điểm cần lưu ý trước hết là một vài câu trong bài giảng có thể khiến chúng ta liên tưởng đến "Chủ nghĩa khắc kỷ" (Stoicism) trong nền triết học cổ đại của Hy Lạp. Sự liên tưởng này hoàn toàn sai lầm, bởi vì chữ stoic chỉ có nghĩa là can trường, chịu đựng, nhẫn nhục, cam phận... , nói lên một hình thức "đạo đức thực dụng", không có gì liên hệ đến việc luyện tập thiền định với mục đích loại bỏ mọi thứ khổ đau.
Chủ nghĩa khắc kỷ được hình thành vào đầu thế kỷ thứ III trước Tây Lịch do triết gia Zeno Citium chủ xướng, dựa trên nguyên tắc phân chia các sự vật thành hai thể loại: thể loại thứ nhất gồm những gì lệ thuộc vào mình, do đó mình có thể chi phối chúng, và thể loại không lệ thuộc vào mình, do đó mình phải chấp nhận. Nếu muốn tìm thấy hạnh phúc thì không nên chống lại, đi ngược lại hay tìm cách biến cải một cách vô vọng những gì không lệ thuộc vào mình. Tầm nhìn của Phật giáo khác hẳn: tất cả mọi hiện tượng đều tương liên, tương kết và tương tạo (Pratityasamutpada/interdependence) để hiện hữu. Không có một hiện tượng nào gọi là "lệ thuộc" hoặc "không lệ thuộc" vào mình cả, góc nhìn căn cứ vào sự phân biệt này vô cùng hời hợt và giả tạo, bởi vì tất cả mọi hiện tượng đều liên kết và lệ thuộc vào nhau, trong đó kể cả chính mình. Phật giáo nêu lên khái niệm về nghiệp để giải thích về sự trói buộc giữa con người và mọi hiện tượng, thế nhưng cũng cho biết nghiệp là một hành động, và nếu đã là một hành động thì nghiệp cũng mang tính cách tích cực và mở rộng, giúp con người biến cải chính mình và môi trường chung quanh.
Điểm thứ hai cần lưu ý là một khái niệm vô cùng căn bản trong Phật giáo, đó là cách xem tâm thức là một giác quan, tương tự như năm giác quan khác là thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác và xúc giác. Đối tượng cảm nhận của thị giác là hình tướng, màu sắc, nói chung là ánh sáng; đối tượng của thính giác là âm thanh, tiếng động chẳng hạn như tiếng súng nổ, âm nhạc v.v..., và đối tượng của tâm thức thì là tư duy, xúc cảm, sự tưởng tượng, v.v...Nếu các đối tượng của ngũ giác như hình tướng, âm thanh, mùi, vị, sự đụng chạm có thể gây ra sự thích thú hay khó chịu, thì các đối tượng tư duy và xúc cảm của giác quan tâm thức có thể mang lại hạnh phúc hay khổ đau cho chính nó. Có những đối tượng giác cảm tương đối dễ chủ động chẳng hạn như nóng bức, ồn ào ..., nhưng cũng có những đối tượng giác cảm khác khó chủ động hơn, chẳng hạn như những sự đau đớn vì bệnh tật, sự giận dữ, v.v.. Thấu triệt được khái niệm này sẽ giúp chúng ta theo dõi dễ dàng hơn bài giảng trên đây.
Điểm thứ ba cần lưu ý là cách giải thích về Tánh Không. Chúng ta thường quen tìm hiểu Tánh Không như là một khái niệm hay một luận thuyết triết học, một thứ gì đó đòi hỏi một căn bản hiểu biết bao quát, một khả năng lý luận siêu hình, nói một cách nôm na là một trí tưởng tượng phong phú. Thế nhưng thật ra thì Tánh Không là một cảm nhận bên trong tâm thức, một phương tiện hay khí cụ giúp vào việc luyện tập thiền định nhằm biến cải tâm thức mình. "Bài kinh ngắn về Tánh Không" (Culasunnata-sutta, MN 121) do Đức Phật thuyết giảng nói lên thật hết sức rõ ràng các khía cạnh thực dụng trên đây. Bài kinh này cũng là một trong số rất nhiều các bài kinh siêu việt và sâu sắc khác mà Đức Phật đã thuyết giảng. Nếu muốn hiểu được Tánh Không do Đức Phật giảng là gì thì nên đọc thật cẩn thận bài kinh này. Dầu sao chúng ta cũng phải thán phục và biết ơn người xưa đã học thuộc lòng và lưu lại cho chúng ta ngày nay một bài kinh tinh tế và khúc triết đến như vậy.
Tóm lại Tánh Không không phải là một thứ gì đó ở bên ngoài để tìm hiểu nó, hay một lý tưởng để hướng vào đó hầu ước mong một ngày nào đó mình sẽ đạt được nó, mà là một phương tiện luyện tập mang lại cho mình một thể dạng cảm nhận trong tâm thức. Nhằm nêu lên quan điểm này của bà Upasika Kee Nanayon, xin mạn phép trích dẫn hai đọan ngắn nói lên một cách "cụ thể" về Tánh Không trong bài giảng của bà:
"Nếu muốn đạt được các cấp bậc sâu sắc của Tánh Không thì các bạn phải tập trung vào bên trong chính mình và giữ sự chú tâm đó thật vững vàng cho đến khi nào nhận biết được minh bạch bản chất đích thật của mọi sự vật xuyên qua các hiện tượng trong thực tại đang hiện ra và biến mất trước mắt mình"
.................
"Tánh Không hiện ra khi tâm thức không gán cho mọi sự vật một ý nghĩa nào cả, không tạo tác cũng không bám víu vào bất cứ gì cả. Đấy là cách mà tâm thức trở nên trống không. Khi nào phát huy được một sự cảm nhận đúng đắn về sự trống không của tâm thức thì các bạn sẽ không còn bị thu hút bởi bất cứ thứ gì nữa cả"
Điểm thứ tư cần lưu ý thuộc lãnh vực dịch thuật. Thật ra người dịch bài này cũng rất đắn đo trước khi nêu lên vấn đề này vì tính cách tế nhị của nó, thế nhưng sau khi đắn đo thì thiết nghĩ nếu ý thức được các khó khăn trong việc chuyển tải tư tưởng bằng ngôn từ thì cũng có thể giúp chúng ta không ít trong việc học hỏi nói chung.
Gần đây trong khi dịch một loạt bài với chủ đề "Phật giáo và người Phụ Nữ" xuyên qua không gian và dòng lịch sử phát triển của Phật giáo, tôi có chọn một quyển sách nhỏ của bà Upasika Kee Nanayon là quyển "Reading the Mind" ("Hãy đọc các dòng chữ trong tâm thức mình") nhằm nêu lên trường hợp tiêu biểu của một người phụ nữ tu tập theo Phật giáo Theravada đã thành đạt. Sau đó một nhà xuất bản ở Việt Nam có nhã ý xuất bản quyển sách nhỏ này. Thế nhưng sau khi đọc lại bản thảo đã dàn trang, thì thấy chỉ vọn vẹn có 120 trang nên tôi bèn có ý định dịch thêm một hay hai bài giảng khác của bà Upasika Kee Nanayon để quyển sách được nhiều trang hơn. Thế nhưng thật hết sức bất ngờ, tôi tìm thấy quyển sách "Reading the Mind" trên đây được ghép chung trong một quyển sách quan trọng hơn là "Pure and Simple" (hình 1) do Thanissaro Bhikkhu một nhà sư người Mỹ dịch từ tiếng Tháí sang tiếng Anh, và quyển sách này cũng đã được bà Jeanne Schut dịch sang tiếng Pháp sau đó với tựa là "Pure et Simple" (hình 2). Trong khi tra cứu và chọn dịch hai bải giảng trong quyển sách này tôi lại tình cờ và cũng thật hết sức bất ngờ tìm thấy quyển sách "Pure and Simple" trên đây cũng đã được dịch sang tiếng Việt (hình 3)!
Nếu nhìn vào tựa của bản Việt dịch thì chúng ta sẽ thấy rằng các chữ "Đơn Giản" và "Thuần Khiết" không thích nghi lắm khi được dùng để chỉ định một thứ gì tinh tế và trừu tượng là tri thức nguyên sinh của một cá thể. Các chữ "đơn giản" và "thuần khiết" có vẻ thích hợp hơn khi dùng để chỉ định một sự vật cụ thể. Do đó cũng xin đề nghị dịch tựa của quyển sách này là "Tinh Khiết và Đơn Sơ" thì có thể là thích đáng hơn chăng?
Trở lại với bài giảng trên đây thì tựa tiếng Anh của nó là: "A Good Dose of Dhamma For Meditators When They Are Ill", và tựa tiếng Pháp là: "Une bonne dose de Dhamma pour un méditant malade", trong bản tiếng Việt là: "Pháp Dược: Dành Cho Thiền Giả Đang Lâm Bệnh". các thuật ngữ gốc tiếng Hán như "Pháp Dược" và "Thiền Giả" có thể khiến cho cách diễn đạt trở nên nặng nề và khó hiểu hơn cho một số độc giả ít thông thạo Hán ngữ. Chữ "Pháp Dược" là chữ Hán viết theo văn phạm Hán ngữ tức tĩnh tử đặt trước danh từ; chữ "Hành Giả" quá cầu kỳ, bởi vì đây cũng chỉ là những người đến nghe bà Upasika Kee Nanayon giảng và tập thiền với bà.
Chúng ta hãy đưa ra thêm một thí dụ khác là trong bài giảng trên đây có một đoạn ngắn khá khúc triết, nguyên văn tiếng Anh như sau:
...This is why it's so important to ferret out the type of knowing that lets go of knowing, i.e., that knows the property of consciousness pure and simple when mental events haven't yet come in to condition it, or when it hasn't gone out to condition mental events. Right here is where things get really interesting — in particular, the thought-formations that condition consciousness. They come from ignorance, right? It's because of our not knowing, or our wrong knowing, that they're able to condition things.
Nguyên văn tiếng Pháp như sau:
... Voilà pourquoi il est si important de découvrir ce qui est conscient et qui lâche ce dont il est conscient – autrement dit, ce qui connaît la qualité de conscience pure et simple quand les événements mentaux ne l’ont pas encore pénétrée et conditionnée ou quand elle ne s’est pas échappée pour conditionner les événements mentaux. C’est précisément là que les choses deviennent vraiment intéressantes, en particulier les formations de pensées qui conditionnent la conscience. Elles viennent de l’ignorance, n’est-ce pas ? C’est parce que nous n’avons pas la compréhension juste, parce que notre compréhension est erronée, que nous sommes capables de conditionner les choses.
Tạm dịch như sau:
Những gì trên đây cho thấy thật hết sức quan trọng là phải khám phá ra cái gì là hiểu biết buông bỏ những gì mà nó hiểu biết - nói một cách khác là cái gì nhận biết được các thể tính tinh khiết và đơn sơ của tri thức trước khi các hiện tượng tâm thần thâm nhập vào nó và chi phối nó, hay trước khi nó thoát ra khỏi chính nó để chi phối các hiện tượng tâm thần (đây là một trong các câu khá cô đọng và khúc triết trong bài giảng của bà Upasika Kee Nanayon, do đó cũng xin mạn phép giải thích thêm như sau: "Tri thức nguyên sinh" là một thể dạng tâm thần trong sáng, tinh khiết, tĩnh lặng - có thể hiểu như là thăng bằng và" bất động" - vậy cái gì cảm nhận được các thể tính ấy của nó ngoài chính nó? Nếu muốn cảm nhận được chính nó trong thể dạng nguyên sinh ấy của chính nó thì nó phải buông bỏ "khả năng" nhận biết của nó và cả những gì mà khả năng ấy đã nhận biết được. Mặt khác thì nó cũng có thể thoát ra khỏi nó để ảnh hưởng đến các hiện tượng tâm thần bên ngoài nó - chẳng hạn như các sự hiểu biết và nhận thức, và đấy cũng là cách làm cho nó bị ô nhiễm và méo mó. Buông bỏ khả năng hiểu biết và cả những gì hiểu biết là cách giúp nó trở về với thể dạng nguyên sinh của chính nó). Đấy chính là điểm quan trong cần phải chú ý - nhất là đối với sự tạo tác tư duy đưa đến các tác động ảnh hưởng đến tri thức (làm ô nhiễm và méo mó tri thức). Các tư duy đó phát sinh từ vô minh, có đúng thế hay không (vô minh đưa đến tư duy và tác ý)? Chỉ vì "thiếu hiểu biết" hay "hiểu biết sai lầm" mà chúng ta đã xác định lệch lạc mọi sự vật .
Trong quyển "Đơn Giản và Thuần Khiết" đoạn này được dịch như sau::
Đây là lý do tại sao việc truy tìm loại hiểu biết (mà có thể) buông cái biết - (mà có thể) biết sở hữu tâm đơn thuần khi các tâm hành chưa xuất hiện để điều kiện hóa nó, hay khi nó chưa duyên theo các tâm hành. Ngay đó là nơi mọi thứ trở nên rất thú vị – nhất là tâm hành duyên thức. Chúng bắt nguồn từ vô minh, đúng không? Do ta không biết, hay biết một cách sai lệch mà chúng có thể duyên khởi mọi thứ.
Trước hết chúng ta có thể nhận thấy cách dịch trên đây xử dụng quá nhiều chữ Hán khiến rất khó hiểu. Trên phương diện văn phạm và ngữ pháp thì câu thứ nhất dường như chưa thành câu vì còn thiếu một vế thứ hai. Trong câu này cũng có một chữ khá khó hiểu: đó là chữ "duyên", nếu là tiếng Hán thì nó là danh từ, và nếu là tiếng Việt thì nó là một tĩnh từ và mang một ý nghĩa khác hẳn. Căn cứ vào vị trí của nó trong câu thì nó phải là một động từ?
Trong câu thứ hai có bốn tiếng Hán - tâm hành duyên thức - ghép chung với nhau, thật hết sức khó hiểu về ý nghĩa của bốn chữ này, tôi có thử tra tự điển Hán Việt từng chữ và ghép lại, nhưng vẫn không hiểu rõ là gì.
Trong câu thứ ba, chữ "chúng" giữ vai trò chủ từ, vậy nó chỉ định những gì? Hơn nữa động từ "to condition"/"conditionner" trong các ngôn ngữ Tây Phương không có nghĩa là "duyên khởi" trong tiếng Hán.
Thật ra đây cũng chỉ là một thí dụ rất nhỏ. Kinh sách Phật giáo nói chung - trước tác cũng như dịch thuật - còn xử dụng quá nhiều Hán ngữ, thiếu chính xác, không còn thích nghi và rất xa vời với xã hội và văn hóa ngày nay, do đó việc quảng bá Đạo Pháp khó tránh khỏi nhiều khó khăn.
Bures-Sur-Yvette, 11.10.16
Hoang Phong chuyển ngữ