Institut Bouddhique Truc Lâm - Trúc Lâm Thiền viện
Colloque sur "Bouddhisme et culture" & Hội thảo về "Đạo Phật và văn hóa" 05/06/2016

Hình ảnh Bồ Tát Quan Âm qua tranh dân gian Việt Nam

Jean-Pierre Pascal
bản dịch của Vũ Hồng Nam

Tôi chỉ trình bày ở đây một số tranh đường Hàng Trống (thành phố Hà Nội) và làng Đông Hồ (cách Hà Nội khoảng 40 km phía Đông bắc).
Nếu các tranh vẽ các vị thần linh hay các nhân vật đạo Lão có khá nhiều, các tranh nói về Phật giáo tương đối hiếm vì không được dùng để cúng bái.
Bồ Tát Quan Âm được hình dung dưới ba dạng:
- Quan Âm trong thế giới thờ chư thần Đồng cốt
- Quan Âm được thờ cúng trong núi động Hương Tích
- Quan Âm theo tích Quan Âm Thị Kính

A. Quan Âm trong thế giới thờ chư thần Đồng cốt

Chúng ta thấy ở đường Hàng Trống và lân cận nhiều tranh vẽ các vị thần trong thế giới thờ chư thần Đồng cốt, trong đó có hình ảnh Quan Âm. Dù các tín ngưỡng này không có liên quan đến Phật giáo, việc thờ các thánh mẫu rất phổ biến trong các chùa Việt Nam, bên cạnh bàn thở Phật, các Bồ Tát, hay Quan Âm. Đây là một điểm đặc trưng của Việt Nam, cũng đáng để chúng ta bàn luận về lý do và lịch sử trong buổi hội thảo này.

Tranh 1. Quan Âm và các vị thần linh Tam phủ
Quan Âm hiện ở trên cao nhất, bên cạnh có Kim Đồng và Ngọc Nữ. Vị thế của Quan Âm là cai quản thế giới Tam Phủ, vậy các vị thần này gần như được nhập vào Phật giáo Việt Nam. Hàng dưới có mặt ba vị Thiên Vương đại diện ba thế giới, và dưới nữa có ba vị Thánh Mẫu cho ba thế giới:
- mặc áo đỏ là Thánh Mẫu Liễu Hạnh, ngự trị trên trời
- mặc áo trắng là Thánh Mẫu Thoải, ngự trị trên biển, sông, hồ và suối
- mặc áo xanh là Thánh Mẫu Thượng Ngàn, ngự trị trên núi rừng và các dân tộc miền núi
Tranh 2. Quan Âm và các vị thần linh Tứ Phủ
Hình ảnh này giống bức tranh trên. Chỉ thêm Tứ Phủ. Các vị thần linh mặc áo vàng tượng trưng cho thế giới trái đất.
Thế gian người sống được tương trưng ở phần dưới bởi hai cô lái đò trên sông. Ở giữa hai cô lái đò có một con rồng ba đầu chín đuôi, thường được Hoàng Tử thứ ba ưa cưỡi lên núi và rừng
Tranh 3. Quan Âm có Kim Đồng và Ngọc Nữ bên cạnh
Cũng trong loại tranh này, Phật Bà ngồi một mình trên đóa hoa sen, hai bên có hai vị thần phụ tá.

B. Quan Âm (Bà Chúa Ba) trong núi động Hương Tích

Nhiều tranh Đông Hồ vẽ Bà Chúa ngồi trong chùa núi Hương (Hương Sơn), trong động Hương Tích. Các tranh đều vẽ theo cùng một kiểu: một ngôi chùa/bàn thờ ở giữa (với Bà Chúa), có hai con vật bên cạnh biểu tượng cho các cầu mong được viết lại trên hai câu đối. Đây là những lời cầu nguyện cho một người hay một gia đình mà người ta cầu mong nhận được sự phù hộ của Bà Chúa.

Tranh 4. Bà Chúa Ba trong chùa Hương Tích
Tranh vẽ trong chùa nữ Bồ Tát Bà Chúa Ba (Công chúa thứ ba), tức là Quan Âm Diệu Thiện. Bà có hào quang trên đầu, ngồi trên hoa sen, ăn mặc kiểu truyền thống Việt Nam.
Quang cảnh được mô tả trong hai câu đối: "hươu thời dâng hoa" và "hạc thời tiến quả". Hạc và đào là biểu hiệu của sự trường thọ và sự bất tử. Hươu là biểu hiệu của sự tài lộc, hoa nếu là hoa mẫu đơn, là sự cầu mong về tiền tài và danh vọng.
Bà Chúa Ba đúng là một hình dạng của Quan Âm như tỏ rõ trong tranh sau.
Tranh 5 . Quan Âm trong động núi Hương Tích
Quang cảnh giống như trên, và xẩy ra tại Hương Tích như được ghi trên chính điện chùa. Quan Âm được nhận diện ra vì bên cạnh có hai vị thần phụ tá.
Truyện Quan Âm - dưới dạng Bà Chúa Ba - được lấy ra từ cổ tích Trung Hoa về Miaochan (vn. Diệu Thiện, được xem như một dạng của Guanyin, Quan Âm). Truyện này được kể lại trong hai tranh sau.
Tranh 6. Diệu Thiện ở chùa Bạch Tước
Vua Trang Vương (Miaozhuan) có ba cô con gái. Hai cô đầu đều lấy chồng khá giả, riêng cô út Diệu Thiện rất mộ đạo, chỉ muốn đi tu và không chịu lập gia đình. Sau nhiều lần tìm cách khuyên bảo, nhà vua đành chịu cho nàng đi tu ở chùa Bạch Tước, nhưng ra lệnh cho các ni cô phải hành hạ công chúa để làm thay đổi ý định của nàng. Như vậy nàng phải một mình lo việc nội trợ và làm bếp mỗi ngày. Nhưng Diệu Thiện vẫn chịu đựng không than thở gì và tiếp tục tiến triển trên con đường tu tập.
Trên hình vẽ, Diệu Thiện đang đứng quét sân chùa. Bên cạnh nàng có một con cọp và một con rồng, ngoài vai trò bảo vệ và che chở, chúng còn giúp nàng trong công việc nội trợ. Trên hai câu đối, bên trái có "Hầm thời bổ quỉ" (Cọp đánh quỉ dữ), bên phải "Rồng thời phun nước".
Tức giận quá, nhà Vua đành quyết định cho giết con mình. Thổ địa (Tudi) báo tin cho Ngọc Hoàng Thượng Đế, Ngọc Hoàng liền ra lệnh phải bảo vệ cơ thể Diệu Thiện cho vẹn toàn. Như vậy lưỡi đao của đao phủ bị gãy đôi, cũng như cây thương không phạm được vào thân nàng. Cuối cùng nhà Vua cho thắt cổ nàng bằng một giải lụa. Linh hồn công chúa chưa kịp lìa thể xác thì thổ địa (Tudi) biến thành một con cọp trắng và mang xác nàng chạy trốn vào rừng. Linh hồn của Diệu Thiện lìa khỏi xác và xuống Âm phủ. Mười vị Vua/ Quan tòa đích thân ra đón nàng và xin nàng tiếp tục cầu nguyện. Nhưng vừa mới bắt đầu cầu nguyện, thì những kẻ bị đày đọa bỗng cảm thấy vui sướng, và Âm phủ biến thành Thiên đàng. Kinh hãi, mười vị Vua ra lệnh đuổi linh hồn Diệu Thiện trở về trần thế, tìm lại cơ thể đã được thổ địa giữ nguyên không bị hủy hoại. Ít lâu sau khi tỉnh lại, nàng được dẫn đến một hòn đảo, để tiếp tục cầu nguyện cho sự giải thoát của chúng sinh: chùa Hương Sơn (Xiangshan). Bà sống ở đây chín năm, tiếp tục tu tập, chăm sóc những người bệnh và cứu sống những kẻ bị đắm tàu.
Như vậy, dạng này cũng có liên quan đến Quan Âm Nam Hải, được các ngư dân hay dân sinh sống ở ven biển tôn thờ, để xin che chở chống lại các nguy cơ do biển hay bão tố thiên tai.
Có lẽ vì tên chùa Xiangshan gần gũi với tên Hương Sơn, nên người Việt mới thờ tại động Hương Tích Quan Âm Diệu Thiện, hay Bà Chúa Ba.
Tranh 7. Vua khỏi bệnh
Tranh vẽ này không giống các tranh chúc mừng. Tranh này kể một truyện nổi tiếng về cuộc đời của Quan Âm Diệu Thiện.
Truyện xẩy ra sau khi Diệu Thiện đã về chùa Hương Tích. Nhà vua, do bị phạt vì phạm lỗi lầm lớn, nên mắc phải một bệnh nặng không cách nào cứu chữa. Ông đành hứa sẽ truyền ngôi cho người nào có thể chữa ông khỏi bệnh. Trong khi thiền định, Diệu Thiện thấy bố mình nằm trên giường trong hoàng cung, tay chân bị tê liệt. Vẫn ở trong hang động, Bà dùng sức mạnh của thiền định, tự biến mình thành một cụ già lương y tiến vào trong cung. Được dẫn tới trước mặt nhà vua, vị lão y khuyên nhà vua xin một người đã "giác ngộ" hiến cho một cánh tay và một con mắt, để pha thành một thuốc xoa (hay thuốc uống) thì sẽ có thể khỏi bệnh. Nhà vua gửi hai người sứ giả đến gặp Diệu Thiện ở nơi ẩn tu của Bà. Bà ra lệnh cho họ chặt một bàn tay (hay một cánh tay, tùy câu truyện kể) và móc ra mắt trái của mình. Sau một lúc lưỡng lự, họ đành tuân lệnh. Bàn tay và con mắt được đưa về cung và sử dụng bởi vị lão y để chữa cho nhà vua khỏi bệnh.
Trên tranh vẽ, Diệu Thiện xuất hiện trước cửa động có nhiều hoa (chúng ta đang ở núi Hương), Bà đứng trên tòa sen toả hào quang, như thường gặp trên các tượng thờ. Bên tay trái có ghi hai chữ "Tiên Nhân". Hai sứ giả của nhà vua đang chuẩn bị cắt tay và lấy mắt của Bà. Họ cũng được chỉ định bằng hai tên: Triệu Chấn tay cầm dao, và vị quan Lưu Khâm chắp tay kính ngưỡng trước sự xuất hiện này. Dưới tranh còn ghi: "Mắt tay làm thuốc làm thang / Để về cứu bệnh vua Trang tức thì".

C- Một đoạn trong truyện Quan Âm Thị Kính

Tranh 8. Thị Kính tại chùa Bạch Tước
Tranh vẽ kể một đoạn của Quan Âm Thị Kính, một truyện gồm 786 câu thơ lục bát, tác giả vẫn còn tranh cãi. Một vị Bồ Tát sắp đạt chánh quả, nên để thử thách ngài, đức Phật hiện ra dưới dạng một người phụ nữ trẻ đẹp và ngỏ ý muốn kết hôn. Ngài từ chối, và trước sự đeo đuổi của người này, ngài đành trả lời chỉ có thể kết hôn được trong một cuộc sống sau. Đức Phật cho ngài tái sinh lại mười đời sau dưới dạng một cô gái, Thị Kính. Khi đến tuổi dậy thì, nàng cưới Thiện Sĩ và hai vợ chồng sống rất hòa hợp với nhau. Nhưng một buổi tối khi Thiện Sĩ đang ngủ, thì Thị Kính để ý thấy một sợi râu mọc ngược trên cằm chồng. Đúng lúc khi nàng sắp dùng dao cắt sợi râu, thì Thiện Sĩ tỉnh dậy và nghi ngờ nàng định giết mình. Không tự minh oan được, Thị Kính bị đuổi về nhà cha mẹ. Trong cơn tuyệt vọng, nàng toan tự tử, nhưng vì nghĩ đến gia đình, nàng tìm một nơi để xa lìa thế gian.
Nàng giả dạng làm trai đến chùa Bạch Tước và được Hoà thượng ở đây nhận làm chú tiểu, lấy tên là Kính Tâm. Dưới dạng giả trai, nàng làm cho nhiều người con gái trong vùng say đắm. Con gái của một quan chức trong làng, Thị Mầu, tỏ ý yêu nàng xin cưới, và ít ra đòi đi lại với nàng.

Tranh vẽ hình Quan Âm Thị Kính ăn mặc đàn ông, đang quét sân chùa Bạch Tước và bị Thị Mầu theo đuổi ráo riết. Hai câu đối ghi, bên trái: "Hầm thời bổ củi" (cọp bổ củi), bên phải: "Rồng thì phun nước". Rồng, ở đây vươn ra khỏi đám mây, là một con vật tốt lành mang lại mưa móc (phun nước). Và là sự cầu mong một mùa gặt tốt đẹp và thịnh vượng. Cọp che chở người dân chống lại các quỷ thần dữ và ác.

Dĩ nhiên Kính Tâm từ chối sự tỏ tình của Thị Mầu. Vì hờn dỗi, Thị Mầu trao mình cho một người đàn ông trong nhà và chửa hoang với hắn. Để trả thù, Thị Mầu cáo buộc Kính Tâm là cha của đứa con. Kính Tâm nhất quyết chối cãi mặc dầu bị tra tấn. Nhờ Hòa thượng chùa chịu đóng tiền phạt, nên nàng được thả ra, nhưng phải sống xa chùa. Nàng nhận nuôi đứa bé bị Thị Mầu bỏ rơi, không để ý gì đến những lời đàm tiếu. Khi đứa bé được sáu tuổi thì Kính Tâm qua đời. Khi làm vệ sinh cho tang lễ thì người ta mới khám phá Kính Tâm thật ra là một phụ nữ, và những cáo buộc của Thị Mầu hoàn toàn là vu khống. Trong buổi lễ tưởng nhớ đến người đã khuất, đức Phật hiện ra trước dân làng và cho biết rằng Thị Kính là Bồ Tát Quan Âm, đã trở về trời, và từ đây sẽ cầm trong tay đứa bé.
Như vậy dạng này là Quan Âm tống tử (che chở cho các đứa bé), được các phụ nữ cầu nguyện để cầu xin có con.

* *
*

Jean-Pierre Pascal

Nguyên Giám đốc Nghiên cứu CNRS,
chuyên về cấu trúc và đa dạng sinh học rừng nhiệt đới,
nguyên Tùy viên Khoa học Sứ quán Pháp tại Saigon,
chuyên nghiên cứu về tranh dân gian Việt Nam.