Institut Bouddhique Truc Lâm - Trúc Lâm Thiền viện
Colloque sur "Bouddhisme et culture" & Hội thảo về "Đạo Phật và văn hóa" 05/06/2016

Đạo Phật trong văn học dân gian Việt Nam

(Le bouddhisme dans la littérature populaire du Viet Nam)

Nguyễn Dư

Kèm nhèm quốc ngữ, lang sa
Nôm na mờ tỏ, nhẩn nha kiếm tìm…

Mời các bạn dạo chơi vườn hoa Văn học dân gian Việt Nam, cùng đi tìm đạo Phật trong đời sống của người xưa.

***

I-Đạo Phật trong tục ngữ, ca dao.

Thời nào cũng vậy, mối lo lớn nhất của dân ta là "miếng cơm, manh áo" hàng ngày.
Có thực mới vực được đạo
Đói ăn vụng, túng làm càn
Có miếng ăn, no bụng rồi mới nói đến chuyện tôn giáo, tín ngưỡng xa vời.
No nên Bụt, đói nên ma
Dân gian Việt Nam có ông Bụt (tiếng Phạn là Bu-Đa, tiếng Hán là Phật). Ông Bụt hiền lành, độ lượng, giúp đỡ mọi người. Có cơm ăn áo mặc mới hi vọng trở thành người tốt như Bụt. Đói rét thì dễ trở thành lưu manh, bất lương.
Trong thôn xóm, ai ăn ở hiền lành, không chửi bới, đâm chém nhau thì được khen là Hiền như Bụt.
Tôn ti trật tự của xã hội phong kiến được đạo Khổng an bài. Trên là nhà vua, dưới vua là các quan, dưới các quan là toàn dân.
Quan lại là những người chuyên dùi mài kinh sử, thi đỗ.
Đỗ cao thì được làm quan to. Một người làm quan cả họ được nhờ. Cuộc sống bắt đầu khấm khá.
Ai đi thi không đỗ thì tiếp tục dùi mài thêm.Thêm mãi vẫn không được thì đành phải bỏ dở, quay ra sống với cái vốn chữ nghĩa của mình. Làm thầy đám dân quê. Thầy bói, thầy thuốc hay thầy cúng.
Quyền lực của vua không có giới hạn. Cho sống được sống, bắt chết phải chết. Tất cả đất nước là của vua! Tất cả… trừ ngôi chùa của làng.
Đất vua, chùa làng, phong cảnh bụt
Vua làm gì kệ vua nhưng không được đụng đến ngôi chùa thờ Phật của dân làng.
Ngoài ngôi chùa ra, phong cảnh xung quanh là của tất cả mọi người. Chả ai mang được phong cảnh về làm của riêng. Của vua hay của bất cứ ai thì cũng như nhau.
Phong cảnh là của Bụt.
Tả cảnh chùa Hương, Chu Mạnh Trinh cũng bắt đầu bằng Bầu trời cảnh Bụt…
Ông Bụt phù hộ, cứu giúp tất cả mọi người. Cái gì của Bụt cũng được coi như là của tất cả mọi người
Ông Bụt còn được dân gian đồng hoá với ông tiên trong truyện cổ tích.
Thời kì chiến tranh, loạn lạc thì xã hội đảo điên.
Sách Thánh Tông di thảo Truyện hai Phật cãi nhau:
Sau trận lụt, tại ngôi chùa kia có hai tượng Phật bằng đất và bằng gỗ tranh cãi, chê trách nhau. Thấy vậy Phật Thích Ca tay xách bầu rượu, dáng say lảo đảo, bước ra mắng cả hai chỉ biết giữ cái hình hài bằng gỗ đất, ngồi hưởng rượu thịt của dân chúng(1).
Phật Thích Ca say rượu, mắng Phật đất, Phật gỗ. Đạo Phật lảo đảo nhiều lắm rồi.
Xã hội Hỗn quân hỗn quan.Quan lại, nhà chùa không còn nghiêm túc như trước kia.
Dân làng coi thường sư tăng. Gần chùa gọi Bụt bằng anh.
Bây giờ người ta rủ nhau…
Vào chùa trải chiếu ra ngồi,
Tay đàn, miệng lí, chúng tôi lên chùa
Chùa là nơi thờ Phật, nay trở thành chốn hẹn hò, vui chơi, đàn hát. Chùa bây giờ thờ thêm nhiều vị khác để chiều lòng khách thập phương:
Lên chùa lạy Phật Thích Ca
Lạy ông Tam Thế vua cha Ngọc Hoàng…
Người ta phê bình, chỉ trích bóng gió…
Ăn trộm ăn cướp, thành Phật thành tiên
Đi chùa đi chiền, bán thân bất toại
Người ta xì xào khuyên nhau Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy. Phải đề phòng hạng người Khẩu Phật, tâm xà.
Nhưng, thời kì đen tối nhất, bế tắc nhất của đạo Phật là thời Pháp thuộc.
Trước kia, đạo Phật chỉ bị đạo Khổng, đạo Lão lấn át. Bây giờ, cả ba đạo Phật, Khổng, Lão đều bị đạo Thiên Chúa tìm cách đẩy ra bên lề xã hội. Đạo Phật bị lâm vào cảnh Ba thằng đánh một, chả chột cũng què.
Có rất nhiều bài ca chế giễu đức hạnh của nhà sư:
Mồng một sư lên chơi chùa
Có cô yếm đỏ bỏ bùa cho sư
Sư về sư ốm tương tư
Ốm lăn ốm lóc cho sư trụi đầu.
Không có lửa, sao có khói! (dịch câu Il n’y a pas de fumée sans feu). Bụt trên toà gà nào dám mổ mắt!
Trẻ con cũng a dua theo người lớn, ê a:
- Nam mô Bồ tát, bồ hòn
Ông sư bà vãi cuộn tròn với nhau
Nhiều câu hát mới, thời thượng được tung ra:
- Lỗ miệng thì nói Na mô
Trong lòng thì đựng ba bồ dao găm
(Rút gọn lại thành Miệng Nam mô, bụng bồ dao găm)
Dao gămpoignard của lính Pháp. Poignard được đựng trong một chiếc gaine bằng da, luồn vào thắt lưng quần. Găm là biến âm của gaine. Ogergọi là dao lưng (dao đeo luồn vào thắt lưng quần) (2).
Vũ Ngọc Phan sưu tầm được mấy câu có “tư tưởng chống mê tín của nhân dân"
Con chim ăn quả bồ nu
Ai làm nên nỗi, thầy tu đeo xiềng?
- Thầy tu ăn nói cà riềng,
Em thưa quan cả đóng xiềng thầy tu(3).
Nước ta không có quả bnu. Chỉ có Nu (phương ngữ miền Trung) là màu nâu. Cà riềng (phương ngữ miền Nam) là nói lai nhai, lần khân vẻ như muốn gây chuyện (4).
(Cà riềng có thể là biến âm của caresser của tiếng Pháp. Caresser là mân mê, mơn trớn, tán tỉnh ngon ngọt).
Bài dân ca của miền Trung hay miền Nam kể chuyện một thầy tu đi tán gái, bị xiềng chân. Tán gái bị phạt nặng như vậy sao? Thầy tu là ai? Bồ nu là quả gì? Khó trả lời.
Rất may, sách 6 truyện - thơ nôm đầu thế kỷ XX , chương Quốc phong đệ nhất thi, được khắc in năm 1930, tại Hà Nội, cũng kể chuyện này (bằng chữ nôm):
Con chim ăn quả bồ nâu
Ai làm nên nỗi thầy tu mang xiềng
Thầy tu ăn nói nhà riêng
Em thưa quan lớn đóng xiềng thầy tu(5)
Bồ nu bây giờ là bồ nâu. Cà riềngnhà riêng.
Bồ nâunhà riêng… cũng hơi khó hiểu. Tác giả muốn nói gì?
Phải nhờ… chữ nôm giải thích giùm!
1) Chữ Bồ (bồ nâu)viết giống chữ Bồ của tên nước Bồ Đào Nha.
Bác sĩ Hocquard kể rằng năm 1884 ông tới thăm linh mục Girod tại địa phận truyền giáo Nam Định. Thời đó, Bắc kì không có rượu đỏ (ngày nay gọi là rượu vang, rượu chát). Nho thì chỉ có nho mọc hoang, quả chua, mùi vị không ra gì. Hàng năm, có người gửi rượu đỏ từ Hồng Kông sang để linh mục dùng làm lễ (vin de messe).
Tại Kẻ Sở, giám mục Puginier có cho trồng thử lúa mì và nho mang giống từ Âu châu sang. Lúa mì mọc khá tốt nhưng nho thì chỉ cho ra toàn quả tồi (6).
Chữ Hán gọi quả nho là bồ hay bồ đào (Đào Duy Anh, Thiều Chửu).
Quả nho, rượu nho (rượu đỏ) đã được các nhà truyền giáo và lái buôn người Bồ Đào Nha mang vào nước Tàu và được đặt tên là bồ hay bồ đào (quả của nước Bồ Đào Nha) chăng?
Nhưng, trong bài thơ Lương Châu từ của Vương Hàn (thời Đường, thế kỉ VIII-IX) đã có câu Bồ-đào mỹ tửu dạ quang bôi (Rượu bồ rót chén dạ quang). Nguyễn Hiến Lê chú thích "rượu bồ-đào là rượu nho, chỉ Tây-vực mới có" (7). Nếu câu thơ đúng là của Vương Hàn thì quả bồ đã có từ trước khi người Bồ Đào Nha đến nước Tàu.
Quả bồ thời Đường và quả bồ thời Pháp thuộc là một hay khác nhau nhưng trùng tên?
Dù sao thì văn học dân gian Việt Nam cũng đã bắt chước Tàu, gọi quả nho là quả bồ. Quả bồ nâu (hay bồ nu) là quả nho màu nâu (màu đỏ sậm ngả sang tím đen).
2) Thầy tu mang xiềng.
Thời Pháp thuộc, người tu theo đạo Thiên Chúa (Gia Tô, Cơ Đốc) được gọi là thầy dòng. Tu theo đạo Phật là thầy tu hay nhà sư. "Tu" theo đạo Lão biến thể là thầy pháp, thầy cúng v.v.
Xiềng hay xích là biến âm của chaîne của tiếng Pháp. Thầy tu mang xiềng là một nhà sư bị phạt, bị xích chân, thời Pháp thuộc.
3) Ăn nói nhà riêng.
Nhà sư bị phạt vì tội gì? Tội Ăn nói nhà riêng. Tội gì mà lạ vậy?
Thời Pháp, đạo Thiên Chúa được ưu đãi. Nhà cầm quyền chịu sự chi phối của nhà thờ.
Nhà thờ Thiên Chúa giáo được các con chiên gọi là nhà chung (nhà của chung mọi người). Chống đối, làm ngược lại nhà chungnhà riêng. Chơi chữ khá thâm thuý.
Nếu nhà thờ (nhà chung) được xã hội đương thời xem như tượng trưng cho cái hay, cái đúng thì đương nhiên nhà riêng (trái ngược với nhà chung) phải bị xem là tượng trưng cho cái dở, cái sai.
Nhà sư phạm tội ăn nói sai, chống đối lại nhà thờ, bị phạt đóng xiềng.
Thời Pháp cai trị, không có quan lớn nào dám đụng vào thầy dòng, nhà chung. Em thưa quan lớn đóng xiềng thầy tu, chắc chắn thầy tu này là một nhà sư.
Bài ca của miền Trung hay miền Nam gieo vần (nu, tu) hay hơn bài của miền Bắc. Ý nghĩa hai bài hơi khác nhau. Một đằng nhà sư phạm tội tán gái, một đằng phạm tội chống đối đạo Thiên Chúa. Tuỳ hoàn cảnh, cô gái là dân thường hay là "chỉ điểm" cho Pháp!
Tôn ti trật tự cũ của Việt Nam bị thực dân Pháp xoá bỏ.
Nhiều người bỏ đạo Phật, bỏ thờ cúng ông bà, rửa tội theo đạo Thiên Chúa. Người ta kháo nhau Theo đạo có gạo mà ăn. Tuy vậy, cũng có người dám lên tiếng Khóc sư khóc cụ, phê bình cả đạo Phật lẫn đạo Thiên Chúabằng"Bài văn tế của một chú tiểu và một nhà thày khóc điếu nhà sư và cụ đạo chết đuối vì bị đắm đò". Tác giả mỉa mai nhà sư và cố đạo đi cứu vớt linh hồn người khác nhưng không cứu được chính mình (8).
Có người phỉ báng thô bạo đạo Phật, đạo Thiên Chúa:
Sư ông đăng đàn, vãi ra kia, tiểu ra đấy
Cố đạo rửa tội, cha đằng trước, sờ đằng sau
Có người chán nản, chê trách bọn vọng ngoại, chạy theo Pháp:
Bụt chùa nhà không thiêng, đi cầu Thích Ca ngoài đường.
Bụt là Phật. Thích Ca cũng là Phật. Nhưng chê Phật của làng mình không thiêng, không "hay" bằng Phật của bọn "ngoài đường". Câu nói rất tế nhị. Bụt là Phật của dân gian. Thích Ca là Phật của giới trí thức.
Dân gian chê bọn Múa rìu qua mắt thợ là bọn Giảng kinh cho Thích Ca. Câu này bắt chước câu Bảo hoàng hơn vua (Plus royaliste que le roi của Pháp).

***

II- Đạo Phật trong truyện dân gian.

Đức Phật thường hiện thành ông Bụt.
Bụt hiện lên giúp đỡ cô Tấm hiền lành mỗi khi cô bị mẹ con cô Cám độc ác, nham hiểm, tìm cách hãm hại. Kết cuộc là Tấm được vua lấy làm vợ. Mẹ con Cám phải đền tội. Cái thiện thắng cái ác.
Bụt giúp con người chống lại quỷ dữ. Bụt khuyên dạy con người ngày Tết trồng cây nêu, vẽ cung tên để xua đuổi quỷ.
Đầu thế kỉ XX, nhiều truyện Tàu (Tây du kí, Tam quốc chí, Thuỷ hử…) được dịch sang chữ quốc ngữ.
Truyện Tây du kí của Ngô Thừa Ân kể lại chuyến đi Ấn Độ thỉnh kinh Phật đầy vất vả của nhà sư Huyền Trang, đời Đường. Từ một sự kiện lịch sử có thật Ngô Thừa Ân đã tưởng tượng, thêu dệt thành một truyện phong thần, phù phép của đám đệ tử của Phật, Lão, Ngọc Hoàng, thần tiên, ma quỷ.
Đọc Tây du kí ai cũng phục tài chú khỉ Tôn Ngộ Không đi mây về gió, biến hoá như thần. Lúc thì đại náo thiên cung, khi thì khuất phục ma vương. Ai cũng nhớ vanh vách các chiến công của Tôn Ngộ Không, quên cả mục đích của thầy Đường Tăng là đi thỉnh kinh Phật.
Ngoài ra, còn có truyện Phật bà Quan Âm Thị Kính, Phật bà Quan Âm Nam Hải Phật bà Quan Âm Hương Sơn được lưu hành, phổ biến tại nước ta.
Xin tóm tắt sự tích 3 bà Phật Quan Âm.

1- Phật bà Quan Âm Thị Kính
Bà Thị Kính là con gái nhà họ Mãng ở nước Cao Li, được cha mẹ gả cho Thiện Sĩ.
Một hôm, Thiện Sĩ đọc sách, thiu thiu ngủ. Thị Kính ngồi may vá bên cạnh, thấy cằm chồng có sợi râu mọc ngược, bà cầm dao định cắt. Bất ngờ Thiện Sĩ thức giấc. Tưởng vợ muốn hại mình, Thiện Sĩ hoảng hốt kêu la cầu cứu.
Thị Kính bị bố Thiện Sĩ trả lại cho Mãng ông.
Bà buồn khổ, cải dạng đàn ông, bỏ nhà đi tu. Được đặt pháp danh là Kính Tâm.
Gần chùa có ả Thị Mầu tính tình lẳng lơ. Từ ngày thấy mặt tiểu Kính Tâm, Thị Mầu đem lòng yêu mến và tìm cách quyến rũ nhưng không được.
Thị Mầu tằng tịu với tên đầy tớ, rồi có chửa. Bị dân làng bắt vạ, Thị Mầu đổ tội cho Kính Tâm. Kính Tâm bị dân làng đánh đập. Sư cụ phải đứng ra xin.
Sư cụ đuổi Kính Tâm ra ở dưới mái tam quan.
Đẻ con ra, Thị Mầu mang đứa bé đến chùa bắt Kính Tâm nuôi.
Vài năm sau, Kính Tâm chết. Lúc khâm liệm, mọi người bàng hoàng thấy chú tiểu Kính Tâm là con gái. Tất cả các nỗi oan của bà Thị Kính được minh giải.
Bà Thị Kính đắc đạo, trở thành Phật bà Quan Âm Thị Kính.
Truyện Quan Âm Thị Kính rất gần đời sống trần tục, không có điều gì huyền bí.
Dân gian đã gói ghém ý nghĩa của truyện bằng thành ngữ Oan Thị Kính.
Một số chùa nước ta thờ tượng Quan Âm tống tử, tạc hình bà Thị Kính bế đứa bé (con Thị Mầu), bên cạnh có con vẹt (Thiện Sĩ).
Ai là tác giả văn bản nôm truyện Quan Âm Thị Kính? Có người cho rằng truyện đã được một tác giả khuyết danh của thế kỉ XVIII soạn. Nhưng theo Hoa Bằng thì truyện Quan Âm Thị Kính đã được Nguyễn Cấp soạn vào giai đoạn đầu thế kỉ XIX, thời Minh Mệnh (9).
Ngày nay có vài bản Truyện Quan Âm Thị Kính được lưu truyền. Trong số này có bản được Thiều Chửu chú giải công phu theo giáo lí nhà Phật (10).
Truyện có mấy câu thơ được truyền tụng:
- Sông kia còn có kẻ dò,
Lòng người ai dễ mà đo cho cùng
(Lời cha Thiện Sĩ trách Thị Kính, được sửa đổi thành câu ca dao quen thuộc:
Sông sâu còn có kẻ dò
Lòng người nham hiểm ai đo cho cùng)
- Dẫu xây chín bậc phù đồ,
Sao bằng làm phúc cứu cho một người.
(Tiểu Kính Tâm trả lời sư cụ lúc nhận nuôi con Thị Mầu. Câu nói chứng tỏ trò tu hành đã vượt xa thầy).
Bên cạnh Phật bà Quan Âm Thị Kính dân ta còn thờ Phật bà Quan Âm Nam Hải và Phật bà Quan Âm Hương Sơn.

2- Phật bà Quan Âm Nam Hải
Bà tên là Diệu Thiện, con vua Diệu Trang, nước Hưng Lâm.
Năm Diệu Thiện 16 tuổi, vua cha muốn bà lấy chồng để có người truyền ngôi. Nhưng bà nhất định không chịu. Muốn được đi tu.
Nhà vua đành phải chấp thuận cho Diệu Thiện ra tu tại chùa Bạch Tước. Hi vọng rằng sau một thời gian sống cực nhọc, bà sẽ xin trở về cung điện. Và cuối cùng sẽ chịu lấy chồng.
Không ngờ Diệu Thiện quyết chí ở lại chùa tu hành.
Vua cha tức giận, sai người đốt chùa. Bắt Diệu Thiện về cung, ép lấy chồng. Nhưng bà vẫn khăng khăng từ chối.
Vua hạ lệnh đem Diệu Thiện ra chém. Đao vừa giơ lên thì bị gãy đôi. Vua sai người thắt cổ bà. Trong lúc mê man bất tỉnh, hồn bà được một con hổ cõng tới Tùng Lâm. Diệu Thiện được dẫn đi thăm viếng Thập điện dưới địa ngục.
Lúc tỉnh lại Diệu Thiện được Phật khuyên đến tu tại núi Phổ Đà, cù lao Hương đảo, ngoài Nam Hải.
Sau ngày hại Diệu Thiện, vua Diệu Trang mắc bệnh, sai người đi tìm danh y. Diệu Thiện giả dạng một nhà sư già đến xin chữa bệnh cho vua, bảo phải đến Phổ Đà xin mắt và tay người về làm thuốc.
Vua sai Triệu Chấn, Lưu Khâm đến Phổ Đà. Diệu Thiện hiến mắt và tay.
Vua khỏi bệnh, cùng hoàng hậu đến Phổ Đà tạ ơn.
Được Diệu Thiện khuyên giải, vua Diệu Trang quyết định bỏ ngai vàng, cùng hoàng hậu đi tu.
Diệu Thiện đắc đạo, trở thành Phật bà Quan Âm Nam Hải.
Truyện Quan Âm Nam Hải của Tàu pha trộn nhiều tình tiết quái dị, hoang tưởng.
Phật bà Quan Âm Nam Hải được giới buôn bán bằng đường biển tôn thờ.

3- Phật bà Quan Âm Hương Sơn

Truyện Quan Âm Nam Hải được Kiều Oánh Mậu (đỗ phó bảng khoa Tự Đức Canh Thìn, 1880), phóng tác thành truyện Hương Sơn Quan Thế Âm(11).
Hai truyệncó nội dung giống nhau. Cùng kể sự tích Diệu Thiện, con vua Diệu Trang, nước Hưng Lâm. Nhưng Kiều Oánh Mậu đã thay đổi vài chi tiết:
- Truyện Hương Sơn Quan Thế Âm xảy ra dưới thời nhà Trần tại nước ta.
- Lúc bị thắt cổ, mê man bất tỉnh, hồn Diệu Thiện được hổ cõng tới chùa Hương Tích (chùa Hương), tại Hương Sơn của nước ta.
- Diệu Thiện tu 9 năm tại chùa Hương Tích, nơi có đặc sản rau sắng:
Trà mai càng nhắp càng thanh
Càng canh rau sắng càng lành càng ngon
Bà đắc đạo, thành Phật Quan Âm Hương Sơn.
Quan Âm Nam Hải của cư dân biển đảo đã được Kiều Oánh Mậu Việt hoá thành Quan Âm Hương Sơn của cư dân đồng bằng.
Là một nhà khoa bảng nhưng Kiều Oánh Mậu lại quan niệm rằng:
Xưa nay tiên, Phật, thánh, hiền
Dẫu cho khốn nạn truân triên chẳng rời
Chữ rằng tam giáo nhất nguyên
Thích Ca, Khổng, Lão thánh hiền đời xưa.
Có lẽ vì vậy mà ông đã chấp nhận cả những điều mê tín dị đoan của đạo Lão biến thể.
Rốt cuộc, dân gian nước ta có 3 bà Phật Quan Âm. Bà Thị Kính người Cao Li, bà Diệu Thiện người Tàu và bà Diệu Thiện người Việt gốc Hoa.

***

III- Đạo Phật trong tranh dân gian.

Bên cạnh 3 bà Phật Quan Âm, dân ta còn thờ thêm 3 bà Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thoải, Mẫu Thượng Ngàn.
Người ngoại đạo dễ lẫn lộn các bà.
Sách Imagerie populaire vietnamienne (Tranh dân gian Việt Nam) của Maurice Durand (12) có 2 tấm tranh vẽ truyện Hương Sơn Quan Thế Âm.
1) Tấm thứ nhất vẽ Diệu Thiện đang quét chùa Bạch Tước (tr. 442). Cổng chùa có câu đối bằng chữ quốc ngữ:
Dồng (rồng) thì phun nước
Hầm (hùm) thời bổ củi
Tranh vẽ diễn tả mấy câu thơ trong truyện:
Nào là giẩy quét cửa nhà
Nào là gánh nước, nào là hái rau
Rồng thời phun nước tùng khi
Hùm thời bổ củi, chim thời nhặt rau
Durand gán nhầm tranh này cho truyện Quan Âm Nam Hải.
(Tranh Quan Âm Nam Hải (tr. 443) vẽ Triệu Chấn, Lưu Khâm đến Phổ Đà xin mắt và tay để làm thuốc chữa bệnh cho vua Diệu Trang. Tranh có câu thơ nôm:
Mắt, tay làm thuốc làm thang
Để về cứu bệnh vua Trang tức thì
Truyện Hương Sơn Quan Thế Âm không có tên Triệu Chấn, Lưu Khâm).
2) Tấm thứ nhì vẽ Diệu Thiện tu tại chùa Hương Tích (tr. 178). Bà ngồi toà sen, có Kim Đồng, Ngọc Nữ (hay Thiện Tài, Long Nữ) đứng hầu hai bên. Cổng chùa có câu:
Hiêu (hươu) thời dưng hoa
Hạc thời tiến quả
Maurice Durand đã nhầm lẫn, chú thích sai tấm tranh thứ nhì này. Ông nhầm Phật bà Hương Sơn thành Mẫu Thượng Ngàn (Déesse de la Forêt) của đồng bóng.
Ở một chỗ khác (tr. 180) Maurice Durand lại nhầm (Phật bà) Quan Âm thành Mẫu Thượng Thiên (Déesse Céleste).
Có một mẹo giúp người xem tranh dân gian khỏi bị nhầm lẫn:
Thông thường thì tranh thờ của ta vẽ các Mẫu ngồi võng đào hay ngai vàng. Chỉ có các vị Phật mới ngự toà sen. Đôi khi toà sen được thay bằng chữ Vạn viết trên ngực.
Nếu tranh vẽ một vị ngồi toà sen thì chắc chắn vị đó không phải là Mẫu của đồng bóng.
Tranh Oger (chỉ có nét đen) có tấm Quan Âm tống tử và nhiều tấm vẽ các sinh hoạt của dân gian có nhà sư tham dự như Nhà sư rước nước (sửa soạn hội làng), nhà sư làm lphá ngục (lễ Trung Nguyên, Xá tội vong nhân), nhà sư làm lễ cát đoạn (lễ Kì Yên) v.v.

*

Xin ngừng.
Khoan đã… Ngày nay, dân gian nghĩ gì về đạo Phật? Dạ, không biết! Không dám bàn. Chỉ thấy nước ta bây giờ xây nhiều chùa sặc sỡ, đắp nhiều tượng cao to. Đứng gần ngửa cổ nhìn cũng không thấy hết mặt Phật. Có tượng bị sập đổ ngay trong lúc đang xây đắp.

Nguyễn Dư

Tư liệu tham khảo:

(1) - Thánh Tông di thảo, Văn Học, 2001, tr.17- 20.

(2) - Henri Oger, Technique du peuple annamite, Hà Nội, 1909.

(3) - Vũ Ngọc Phan, Tục ngữ và dân ca Việt Nam, Sử Học, in lần thứ tư, 1961, tr. 247.

(4) - Đặng Thanh Hoà, Từ điển Phương ngữ tiếng Việt, Đà Nẵng, 2005.

(5) - 6 truyện - thơ nôm đầu thế kỷ XX, Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, 2006, tr. 73.

(6) - Docteur Hocquard, Une campagne au Tonkin, Arléa, 1999, tr.316, 358.

(7) - Nguyễn Hiến Lê, Đại cương văn học sử Trung quốc, q 2, Nguyễn Hiến Lê, 1955, tr.208.

(8) - Trần Trung Viên, Văn đàn bảo giám, Mặc Lâm, 1969, quyển II, tr. 219.

(9) - Cao Huy Đỉnh, Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian Việt Nam, KHXH, 1976, tr.151.

(10) - Truyện Quán Âm Thị Kính, Thiều Chửu chú giải, An Tiêm, 1995.

(11) - Kiều Oánh Mậu, Hương Sơn Quan Thế Âm chân kinh tân dịch, 1909, bản chép tay của thư viện đại học Yale, Hoa Kì.

* Xin có lời cám ơn chủ nhân Quán ven đường Huỳnh Chiếu Đẳng đãcho mọi người sử dụng kho sách của quán.

(12) - Maurice Durand, Imagerie populaire vietnamienne,

École française d’Extrême-Orient, 2011, tr. 422, 443, 178, 180.