Bàn tròn "Đạo Phật dấn thân"
Trúc Lâm Thiền Viện - Villebon Sur Yvette - 10/1/2016
Đạo Phật dấn thân theo Thiền sư Nhất Hạnh
Phạm Phi Long
HỘI THẢO BÀN TRÒN
Chủ nhựt 10/01/2016 – Chùa Trúc Lâm
Kính Bạch Hòa Thượng Trụ Trì,
Kính bạch quý Hòa Thượng,Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng Ni,
Kính thưa Chị Chủ tịch Hội Phật tử Việt Nam tại Pháp,
Kính thưa Anh Trưởng ban tổ chức,
Trước hết tôi xin phép được gọi HT Thích Nhất Hạnh hoặc TS/ TNH bằng Thầy, một từ thương kính mà tất cả học trò VIệt Nam và Tây Phương thường dùng.
Tôi rất hân hạnh được anh Trịnh đình Hỷ giao viêc trình bày gợi ý về những đóng góp của Thầy Nhất Hạnh cho phong trào Phật giáo dấn thân tại Việt Nam và các nước phương tây
Trong hội trường hôm nay ngoài các vị giáo thọ của Làng Mai còn có nhiều vị biết Thầy Nhất Hạnh rất lâu khi còn ở Huế và lúc vào Saigon cho nên tôi rất biết ơn đựơc quí anh chị bổ túc thêm nếu những điều tôi nói sau đây chưa đựơc đầy đủ chính xác, riêng tôi thì chỉ gặp được Thầy sau 1963 từ Mỹ trở về nhưng lúc đó tôi hoạt động trong Đoàn Sinh Viên Phật Tử Saigon nên có nhiều dịp được gặp các Thầy trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
Tôi được gặp Thầy trong một buổi lễ "Bông Hồng Cài Áo" để tạ ơn Mẹ nhân lễ Vu Lan tại đoàn quán SVPT Saigon vào năm 1964, Thầy lúc đó được Phật tử quý mến như một thầy tu trẻ viết văn hay, làm thơ giỏi, dạy Viện Cao Đẳng PH Nam Việt và Đại Học Văn Khoa Saigon, thầy cởi mở vì có du học nước ngoài (đẩy đủ nội điển và ngoại điển)
Những đóng góp của Phật giáo qua Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất mà Thầy Nhất Hạnh là một thành viên tích cực sẽ được trình bày như một sự tham gia hoặc dấn thân chưa từng có trong một tình hình lịch sử, chánh trị, xã hội, kinh tế và an ninh nghiêm trọng của Việtnam.
Chúng ta hãy xem Phật giáo dấn thân theo Thầy Nhất Hạnh đã giảng dạy cho các thiền sinh sau này: Thế nào là Đạo Bụt dấn thân trong các khoá tu nói về Đạo Bụt đi vào cuộc đời, tôi sẽ gợi lại vài sự kiện cùng cảm xúc và suy nghĩ của giới Phật tử trẻ đã được may mắn sống tại Việtnam đặc biệt trong các thành phố lớn như Saigon, Cầnthơ, Đàlat, Huế, Đànang, Nhatrang... đầu thập niên 60 mà nhiều người nghĩ là giai đoạn mà Đạo Bụt dấn thân rõ ràng nhứt một cách toàn diện về nhiều mặt: tôn giáo, giáo dục, xã hội và chánh trị.
Nhân gian Phật Giáo (1935-1945)
Vào những năm 1930 danh từ Nhân gian Phật giáo xuất hiện lần đầu tiên bên Trung Quốc, nhưng cho mãi tới khoảng 1935 tức là cách nay 80 năm tại Hànội trong tập san Đuốc Tuệ số 55 ngày 15 tháng 2 cùng năm lại xuất hiện lần đầu danh từ “Nhân gian Phật giáo” có nghĩa là Đạo Phật trong nhân gian, như vậy là có hai đạo phật, một hành trong chùa và một đưa vào áp dụng trong xã hội thường ngày.
Danh từ Nhân Gian Phật Giáo là của học giả Nguyễn Trọng Thuật kiêm tiểu thuyết gia hiệu Đồ Nam Tử, đồng thời với Trần trong Kim, Thiều Chửu... ông có xuất bản một tiểu thuyết viết bằng chữ quốc ngữ “Quả dưa đỏ” sự tích An Tiêm chuyện thần kỳ VN có màu sắc phật giáo (gieo nhân nào thì gặt quả đó). Theo ông nhân gian Phật giáo đối với đạo Phật là phát biểu những điều chân chính có quan thiết đối với đời người để làm lợi ích cho đời. Mặc dầu nhân gian Phật giáo xuất hiện ở VN sau Trung Quốc tới 5 năm nhưng thực sự Đạo Phật VN đã đi vào xã hội đời thường từ đầu thế kỷ thứ XI, khởi từ triều đại nhà Lý đến triều đại nhà Trần. Để chứng minh sự dấn thân của đạo Phật đã tạo một ảnh hưởng lớn trong xã hội, trong phong tục, trong văn hóa, trong nhân gian và luôn trong chánh trị, ông Nguyễn Trọng Thuật có viết một tiểu thuyết đăng mỗi tháng trên báo Đuốc Tuệ : Cô con gái Phật hái dâu nói về sự tích Ỷ Lan phu nhân, một cô gái Phật tử đi hái dâu về nuôi tằm, cô quê làng Siêu Loại (Bắc Ninh) rất hiền đẹp được nuôi dưỡng trong đạo đức và tư tưởng của Phật giáo nên hiểu rõ các nổi khổ và khó khăn của người dân ở nông thôn. Cô được vua Lý Thánh Tông yêu quý đưa vào cung và thành Nguyên phi Ỷ Lan. Nhờ thông minh, nhân hậu và hiểu rõ tình trạng nông thôn nên được phép dự vào việc triều chính và đã giúp vua Lý cải thiện nhiều vấn đề xã hội có hiệu quả . Đây là một tiểu thuyết phật hoá kể lại những câu chuyện có thật về cuộc đời của Nguyên phi Ỷ Lan. Đến năm 1945 báo Đuốc Tuệ đình bản, tiểu thuyết chưa chấm dứt nhưng nó là cái mẫu đem đạo Phật áp dụng vào đời sống hằng ngày sau nầy. Cũng nên ghi thêm học giả Nguyễn Trọng Thuật là người đầu tiên đề nghị tổ chức lễ cưới trong chùa đã nhắc nhở đến đạo lý Tứ Ân của Phật dạy mà đền đáp công ơn cha mẹ, ơn đất nước, ơn sư trưởng và ơn chúng sanh.
Chiến tranh chống ngoại xâm (1945-1954)
Từ năm 1945 đến 1954 thanh niên Việtnam tham gia đông đảo các phong trào chống ngoại xâm, một số chùa âm thầm yểm trợ cho phong trào kháng chiến vì các sư chú, sư cô trẻ có cảm tình với người đi kháng chiến hy sinh đấu tranh giành độc lập cho nước nhà và một số Phật tử trí thức mặc dù bị hấp dẫn bởi Chủ nghĩa Duy Vật Biện Chứng nhưng biết chủ thuyết Duy Vật Biện Chứng không phù hợp với tư tưởng Phật giáo, đồng thời họ cũng hiểu chủ thuyết Tư Bản chống cộng cực đoạn cũng không phù hợp với Phật giáo. Vì vậy người trí thức trong đạo Phật lay quay đi tìm một con đường gọi là con đường thứ ba thuần Dân Tộc. Một số có lòng với đất nước nhiệt tình trong kháng chiến tìm cách đối thoại với Cộng sản nhưng thất bại như tại chiến khu 5, vùng Bình Định, Qui Nhơn, anh Nguyễn Hữu Quán một Phật tử kỳ cựu trong đoàn PT Đức Dục. Đó là tâm trạng của rất đông người trong thời đại chiến tranh hỗn độn nhiễu nhương, chập chờn hồi đó.
Chiến tranh ý thức hệ (1954-1975)
Năm 1954 đất nước chia hai ông Vũ Ngọc Cát, một Phật tử di cư chủ nhiệm tờ báo Dân Chủ, một tờ báo của đồng bào miền Bắc và có khuynh hướng Phật giáo đã mời Thầy Nhất Hạnh viết một loạt bài: Phật giáo qua nhận thức mới trong đó có một bài: Đạo Phật và chủ thuyết Nhân Vị để chỉ rõ đạo Phật khác với Duy Thần và Duy Vật. Chủ thuyết Nhân Vị ra đời khi ông Ngô Đình Diệm đương kim tổng thống VIệt Nam Cộng Hòa nghĩ rằng phải có một chủ thuyết để có thể đương đầu với chủ thuyết Cộng Sản, nên em ông là ông Ngô Đình Nhu đã mượn lý thuyết của Émanuel Mounier là chủ thuyết Nhân Vị (Personalism) để làm ý thức hệ chống Cộng. Cho nên ở miền Nam hồi đó tất cả công chức, cán bộ, sĩ quan và giáo sư đều phải học tập thuyết Nhân Vị vì đằng sau có ý thức hệ công giáo. Lúc đó thầy Nhất Hạnh đã là một Giáo thọ đang dạy ở Phật học đường Nam Việt, một cơ sở do Thầy và Thầy Trí Hữu cùng sáng lập năm 1949 tại chùa Ứng Quang sau đổi tên thành chùa Ấn Quang.
Sau đó năm 1956 Thầy được mời làm chủ bút tờ: Phật giáo VN của Tổng Hội PGVN, Thầy viết một loạt bài: Để đi đến một nền PG Dân Tộc mà số đầu: Hướng đi của người PTVN không phải là hướng đi của Duy Vật biện chứng pháp mà cũng không phải Duy Thần, dựa trên thần linh mà phải tin vào chính bản thân mình. Thầy nghĩ với sự Hiểu Biết và lòng Yêu Thương đồng bào mình hy vọng chúng ta sẽ tạo lên được một mặt trận Tư tưởng Tư duy, một niềm tin đích thực cho giới trẻ, một hướng đi cho dân tộc thoát ra khỏi gọng kềm Cộng sản và Tư bản.
Cùng lúc báo Liên Hoa của Hội Tăng Già do HT Đôn Hậu cùng một số giáo sư trí thức Phật tử đã tham gia tích cực vào phong trào này.
Vào năm 1960 Thầy viết thêm một loạt bài: Đạo Phật đi vào cuộc đời trong đó có bài Đức Phật của thế kỷ chúng ta, Thầy giảng rõ giáo lý, thực tập, hành động và thái độ đối với xã hội như thế nào? v.v. Đạo Phật đi vào cuộc đời là một danh từ mới của Nhân Gian Phật Giáo mà thôi, có nghĩa là Đạo Phật nhập thế. Đến năm 1964 loạt bài nầy được gom lại in thành sách.
Phật giáo dấn thân: nguồn gốc.
Từ đó trên thế giới thấy xuất hiện phong trào Engaged Buddhism tức Đạo Phật dấn thân, tại Pháp có “le Bouddhisme engagé” tại Âu Châu cũng có sự có mặt của tổ chức đó, một Network of Engaged Buddhism và tại Mỹ có "Buddhist Peace, Fellowships" nghĩa là Phật giáo dấn thân phục vụ cho vấn đề Hòa Bình và tổ chức nầy đã từng kêu gọi Hòa Bình cho Việtnam. Và vì năm 1935 chúng ta có danh từ Nhân Gian Phật giáo và năm 1964 có danh từ Đạo Phật đi vào cuộc đời thành ra phong trào nầy nhiều người nghĩ có nguồn gốc từ Việtnam, trong quá trình đấu tranh kiên quyết và vất vả của Phật giáo Việtnam để vận động tìm một con đường thoát, đưa quốc gia dân tộc mình ra khỏi gọng kìm của sự tranh chấp giữa hai ý thức hệ.
Đến năm 1966 trong tác phẩm Hoa Sen trong biển lửa mà nguyên bản tiếng Anh "Vietnam : Lotus in a Sea of Fire” được dịch ra nhiều thứ tiếng. Sách được tái bản nhiều lần trong đó bản tiếng Việt phải đợi đến lần tái bản thứ tư mới có. Thầy muốn nói Phật giáo vùng vẫy và luôn vươn lên như một bông sen trong lò lửa của khổ đau của chiến tranh Việt Nam. Hình ảnh bông sen nở trong lò lửa mà sắc vẫn còn tươi đó chính là cái Kim Cương Tâm và cái Bồ Đề Tâm của người Phật tử để lên án chiến tranh ý thức hệ, chiến tranh thử vũ khí của hai khối Cộng sản và Tư bản.
Trong lúc vận động thành lập Viện Đại Học Vạn Hạnh Thầy cho ra cuốn sách Đạo Phật Hiện Đại Hoá (Actualized Buddhism). Thầy luôn khẳng định : Đạo Phật vẫn là đạo Phật nhưng vì không muốn dùng danh từ Đạo Phật mới mà Thầy làm cho hiện đại lại Đạo Phật để có thể đáp ứng được những nhu cầu mới, chữa trị được những khổ đau mới. Lúc đó tại VN tất cả các hoạt động trong lãnh vực xã hội, văn hóa, kinh tế và đấu tranh cho hòa bình đều được hướng vào tư tưởng Đạo Phật Hiện Đại Hóa và danh từ Phật giáo và Dân Tộc cũng xuất phát từ đó. Đây là một sự khế hợp tuyệt vời giữa lý và cơ trong hành trình làm mới đạo Bụt của Thầy.
Trước khi trở qua Mỹ năm 1965 Thầy thành lập trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội để đào tạo cán bộ đưa về nông thôn phát triển đời sống nông dân, cứu trợ nạn nhân chiến tranh, thiên tai thực tập xây dựng lại nhà cửa, trường học, trạm xá y tế ... đúng theo đường hướng Đạo Phật Hiện Đại Hoá để đi vào trong cuộc đời.
Cùng trong hướng đó Thầy cho ra đời Dòng Tu Tiếp Hiện với 14 giới điều được tinh lọc từ giáo lý Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo, còn được gọi là 14 phép thực tập chánh niệm giúp cho cả hai giới xuất sĩ và cư sĩ có đủ năng lực niệm, định, tuệ vững mạnh trên con đường phụng sự, chuẩn bị thực hiện các phong trào dấn thân của Phật giáo sau nầy. Cho đến nay Dòng Tu Tiếp Hiện đã phát triển rộng khắp trên thế giới giúp hướng dẫn tu học cho hàng ngàn thiền sinh.
Đây là hình ảnh chúng ta thấy trong kinh Duy Ma Cật (Vimalakirtinirdesa) trong hệ tư tưởng Phật giáo Đại Thừa, Đức Phật đã dạy: Vì Bồ tát chứng đạt được cõi Phật thanh tịnh đều vì muốn làm lợi ích cho chúng sanh chứ không phải để sống một cuộc đời độc lập, giải thoát, xa lìa sự đau khổ của chúng sanh.
Nhưng có nhiều người thắc mắc đặt vấn đề tại sao phải gọi Phật giáo dấn thân (Engaged Buddhism) vì Đạo Phật tự thân với Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo đã đi vào cuộc đời để đối diện với đau khổ, để hiểu đau khổ mà không trốn tránh nên đã mang tính cách dấn thân rồi, nhưng chúng ta chắc phải còn tiếp tục giải thích vì đến nay vẫn có người nghĩ rằng Đạo Phật chỉ nên chuyên tu ở trong chùa mà thôi.
Hiện nay đạo Bụt Làng Mai có tâm nguyện chữa trị các vết thương, các đau khổ trong đời sống hằng ngày cho nên phải nhập thế, đi vào vào cuộc đời để tìm lối thoát cho các khổ đau đích thực. Vì thế có thể đã đến lúc không cần dùng chữ Dấn Thân nữa chăng?
Và gần 10 năm nay Thầy Nhất Hạnh thường dùng danh từ Đạo Bụt Ứng Dụng mà nội dung vẫn là Đạo Bụt đi vào cuộc đời, Đạo Bụt nhập thế. Đến nay Làng Mai có hai trung tâm Đạo Bụt Ứng Dụng tại Đức quốc và Hồng Kông.
Tây phương mới tiếp nhận Đạo Phật từ giửa thế kỷ 20 các thiền sư Nhật như Suzuki đến Mỹ năm 1950 để hành đạo vì có nhiều người Mỹ gốc Nhật, và Thiền Sư Deshimaru qua Âu Châu, định cư tại Pháp năm 1967 để dạy Thiền của tông phái Tào Động. Cho nên giáo lý đạo Phật muốn phát triển tại các nước Tây phương có một nền văn hóa chịu ảnh hưởng Cơ Đốc Giáo và một mức sống xã hội vật chất cao phải có hai tính cách:
khế lý: phải giữ giáo lý đúng với Phật Giáo nguyên chất,
khế cơ: phải đáp ứng nhu cầu, giải quyết khó khăn, khổ đau đích thực của cuộc đời.
Nếu hiểu rằng bằng tuệ giác Vô Thường mọi sự vật biến chuyển để biểu hiện sự sống và trên nền tảng đó Đạo Phật phải khế cơ phải vô thường để mãi mãi còn là Đạo Phật và phải khế lý để vẫn là một Đạo Phật Đích Thực cho nên trở về với nguồn suối Phật Giáo Nguyên Thuỷ là rất quan trọng.
Khổ đau đích thực.
Đặc điểm các nước phát triển: Những khổ đau hiện thực thường gặp ngay tại các nước tân tiến là do sự thiếu niềm tin:
gia đình tan vỡ, cha mẹ sống không có Hạnh Phúc.
các tự viện, chùa, nhà thờ đánh mất vai trò lãnh đạo tâm linh đưa đến một tình trạng khủng hoảng về đức tin.
đời sống nặng về vật chất, nhiều bon chen, hưởng thụ đưa đến chủ nghỉa ích kỷ cá nhân.
Nhưng trong tình hình Việtnam chậm tiếnviệc thành lập Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội năm 1964 Thầy Nhất Hạnh thường dạy phải nhằm vào các đối tượng:
1 nghèo đói
2 bệnh tật
3 thất học
4 thiếu tổ chức xã hội
Các đối tượng này thường hiện diện cùng lúc và tương tức với nhau cho nên cần phải được đồng thời giải quyết.
Đạo Phật để đối trị các khổ đau này phải dựa trên nguyên lý Tương Tức để tạo lập Niềm Tin và Hạnh Phúc, vì thiếu niềm tin thì không có lòng thương và niềm vui sống. Thêm nữa Hạnh Phúc cá nhân có liên hệ tương tức với Hạnh Phúc đại chúng.
Thầy Nhất Hạnh thường dạy: vì chỉ muốn lo cho mình thôi cho nên cứ tin rằng hạnh phúc là cái mà mình đi tìm kiếm riêng cho mình, mình không biết hạnh phúc là vấn đề tương tức. Nếu người kia không có hạnh phúc thì mình không thể có hạnh phúc được. Không có niềm tin thì không có tình thương. Tại vì có thương thì mình có liên hệ tới người khác, và mình thấy hạnh phúc của người khác có liên hệ tới mình.
Tư tưởng Đạo Phật đi vào cuộc đời có sự tiếp nối đưa đến việc năm 1973, Viện Hoá Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất cho xuất bản một Cương Lĩnh của nền Phật Giáo
VIệt Nam: ”Đạo Phật áp dụng vào đời sống hàng ngày" do Thầy Nhất Hạnh viết chung với Thầy Huyền Quang, đương kim Tổng Thư Ký Viện Hoá Đạo GHPGVNTN.
Thầy Nhất Hạnh khi đi tu lúc còn là học tăng trẻ đã có hoài bảo đem Đao Phật vào đời sống hằng ngày (trong tiểu thuyết Liên...) nhưng đất nước đang trong thời kỳ chiến tranh càng ngày càng khốc liệt, nhu cầu trước mắt là phải làm mọi cách để kêu gọi " chấm dứt chiến tranh, mau chóng xoa dịu các đổ nát do chiến cuộc gây nên và xây dựng lại đất nước".
Những khổ đau của đồng bào cùng những xáo trộn xã hội do chiến tranh gây ra đã đưa Thầy vào cuộc vận động hoà bình cho miền Nam Việt Nam, Thầy đã phát tâm dũng mãnh đi vào những hoạt động như làm thơ Chấp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện ra, viết sách Hoa sen trong biển lửa, nói chuyện với sinh viên văn khoa Saigon, hội thảo với sinh viên Vạn Hạnh, thành lập Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội để đào tạo tác viên xã hội giúp xây dựng lại làng mạc, nhà cửa, trường học, trạm xá y tế bị đổ nát do chiến cuộc và thiên tai cứu trợ thực phẩm và gạo và săn sóc sức khỏe cho các gia đình nghèo khó.
Sống trong Chánh niệm: Hạnh phúc đích thực
Và cách đây hơn 30 năm từ 1985 Thầy Nhất Hạnh và Làng Mai (trước là Làng Hồng) luôn nói về "Sống trong Chánh Niệm, Bây Giờ và Ở Đây”. Pháp môn nầy dạy cách trở về với Hơi Thở Chánh Niệm để luôn sống trong Thực Tại Hiện Tiền, một cách trọn vẹn, trong sáng.
Hiện nay trong nhiều tông và tại nhiều nước, pháp môn "Sống trong Chánh Niệm, Bây giờ và Ở đây” được giảng dạy rất nhiều. Và qua một buổi gặp gở rất ngắn Sư Cô Chân Không có nhắc tôi: Phật Giáo Dấn Thân của Thầy Nhất Hạnh là Biết Sống Trong Chánh Niệm, vì thế Làng Mai luôn kiên trì hướng dẫn thiền sinh tu tập theo pháp môn nầy rất có hiệu quả và đạt được nhiều lợi lạc.
Ngày nay Làng Mai ngoài Viện Phật Học Ứng Dụng ở châu Âu và châu Á còn có phong trào Wake Up cho người trẻ thực hành Năm giới quý báu vào đời sống hàng ngày và chương trình Đạo Đức học ứng dụng cung cấp phương pháp giảng dạy và thực hành cho giới giáo chức và học sinh tại các trường phổ thông trung, tiểu học ở nhiều nước trên thế giới, v.v..
Đó là những thứ chúng ta bắt gặp được qua một đạo Bụt đang được thực tập tại các Làng Mai trên thế giới trong 34 năm qua.
Để chấm dứt phần trình bày gợi ý nầy tôi xin nhắc lại một lời nhắn gởi của Thẩy Nhất Hạnh: Đừng biến Đạo Phật thành một tổ chức có uy quyền thế lực, có giáo đường vàng son. Đừng biến Tăng sĩ thành những con người sống vô tư trong sự ưu đãi của một chế độ cúng dường thiếu ý thức, quên lãng nhiệm vụ tự thực hiện giải thoát và phụng sự con người. Đừng để người Phật tử hiểu rằng Phật Pháp Tăng là những bảo vật xa vời không hiện hữu giữa cuộc đời đau khổ.
Chúng tôi cầu xin quý vị Phật tử cùng quý vị chưa là con Phật nhưng có quan tâm và yêu kính đạo Phật hãy thực hành tất cả những hình thức sinh hoạt nào có thể chứng minh rằng đạo Phật luôn hiện hữu trong cuộc đời để giải phóng cho con người.
Cám ơn quý vị đã hết sức kiên nhẫn cho phép tôi được trình bày đến đây.
Phạm Phi Long