Phụ nữ và Phật giáo
Femmes et Bouddhisme
Gabriela Frey
Hoang Phong chuyển ngữ
Bà Gabriela Frey
Lời giới thiệu của người dịch
Dưới đây là phần chuyển ngữ bài thuyết trình của bà Gabriela Frey với chủ đề "Phụ nữ và Phật giáo", trước cử tọa của tổ chức Ki-tô giáo FHEDLES (Femmes et Hommes, Égalité, Droits et Libertés, dans les Églises et la Société/Nữ và Nam giới, Công bằng, Luật pháp, Tự do, trong Nhà thờ và ngoài Xã hội). Buổi thuyết trình diễn ra ngày 5 tháng 12 năm 2013, và sau đó đã được ghi chép lại và phổ biến trên nhiều trang mạng, trong số này có trang mạng của Tổ chức FHEDLES trên đây và Hiệp hội Sakyadhita Quốc Tế (Sakyadhita International Association of Buddhist Women/Hiệp hội Phụ nữ Phật giáo trên thế giới).
Bà Gabriela Frey tu tập theo Phật giáo Tây Tạng, gốc người Đức nhưng lưu ngụ trên đất Pháp, là một nhân viên cao cấp trong Quốc hội Âu Châu từ năm 1989, đồng thời cũng là Chủ tịch Ủy ban "Phật giáo và người Phụ nữ" (Buddhism and Women) trong Liên đoàn Phật giáo Âu Châu (EBU/European Buddhist Union), và cũng là Chủ tịch và Sáng lập viên chi nhánh Pháp của Hiệp hội Sakyadhita Quốc tế.
Bài thuyết trình trên đây nêu lên sự tranh đấu thật tích cực của các nữ tu sĩ Phật giáo tại các nước Tây Phương ngày nay, nhằm đòi hỏi sự bình đẳng giữa những người tu hành nam và nữ giới, không những tại Âu Châu mà cả trên toàn thế giới. Sự hăng say của họ cũng phản ảnh phần nào sự sinh hoạt của nền Phật giáo son trẻ nhưng nhiều hứa hẹn và tràn đầy sức sống tại phương Tây. Dầu sao thì bài thuyết trình này cũng cho thấy rõ ràng là không nhằm biểu lộ cái tôi của diễn giả, cũng không nhằm mang lại một chút "thích thú" mà người đọc có thể chờ đợi, mà là một bài nghiên cứu công phu đúng nghĩa của nó, giúp chúng ta suy nghĩ và hành động.
Trong bài thuyết trình này bà Gabriela Frey sẽ lần lượt trình bày về ba chủ đề:
1- Thái độ của Đức Phật và những người Phật giáo đối với phụ nữ
2- Sự tương quan giữa người phụ nữ, bối cảnh chùa chiền, các nam tu sĩ và vấn đề thụ phong.
3- Quan điểm của một nữ tu sĩ về Phật giáo
Đây cũng là bài thứ 5 trong loạt bài "Phật giáo và người phụ nữ":
Bài 1: Phật giáo và người phụ nữ: một sự nghịch lý hay mâu thuẫn (Philippe Cornu)
Bài 2: Phụ nữ và nữ tính trong Phật giáo (Dominique Trotignon)
Bài 3: Con đường của sự quyết tâm (Ilan Dubosc)
Bài 4: Tenzin Palmo: Một nữ du-già nơi xứ tuyết (Dominique Dutet)
Bài 5: Phụ nữ và Phật giáo (Gabriela Frey)
Bà Gabriela Frey và các ni sư Tây Tạng trên miền bắc Ấn
***
Phụ nữ và Phật giáo
(Femmes et Bouddhisme)
Gabriela Frey
1- Thái độ của Đức Phật và những người Phật giáo đối với phụ nữ
Vậy giáo huấn của Đức Phật là gì?
Không được gây ra điều tai hại
Thực thi những điều lợi ích
Tinh khiết hóa tâm thức mình
Đấy là giáo huấn của Đức Phật.
Giáo huấn ấy hướng vào tất cả chúng sinh, không phân biệt một chúng sinh nào. Đức Phật vạch ra con đường mang lại sự giải thoát tối thượng, vả trên con đường đó tất cả mọi người - nam và nữ - đều có thể bước theo.
"Chỉ có Cỗ xe mới thật sự là quan trọng / Dù là nam giới hay nữ giới / Bất cứ ai biết xử dụng Cỗ xe / sẽ đạt được Niết bàn" (Kinh Samyutta Nikaya, I, 5, 6) (Cỗ xe ở đây có nghĩa là Dhamma/Dharma/Đạo Pháp, Giáo lý của Đức Phật).
Theo Đức Phật thì đời sống tâm linh chỉ có thể trọn vẹn khi nào những người tu hành nam và nữ, tất cả đều được thụ phong trọn vẹn và đầy đủ, kể cả những Phật tử tại gia nam và nữ (ghi chú 1) (xin lưu ý các ghi chú có đánh số thứ tự là các ghi chú của bà Gabriela Frey).
Đức Phật dạy rằng: "Khi nào người nam tu sĩ biết giữ gìn đạo đức, người nữ tu sĩ phát huy được một trí tuệ dồi dào, các đệ tử tại gia (nam và nữ) phát động được lòng tin vững chắc, thì khi đó Tăng đoàn mới sáng chói được, bởi vì chính họ là ánh sáng của toàn thể Tăng đoàn" (Anguttara Nikaya) ("Tăng đoàn" theo định nghĩa trong kinh sách gồm có bốn thành phần: những người xuất gia nam và nữ và những người tại gia nam và nữ).
Tội tổ tông của bà Ê-va (péché originel/original sin, là một khái niệm căn bản của Ki-tô giáo, dùng để giải thích một số các sự "phi lý" trong xã hội nhằm áp đặt một số các quan điểm "đạo đức" cho con người) là nguyên nhân chính yếu nhất đưa đến sự phân chia giai cấp giới tính trong Ki-tô giáo, tội này không hề có trong Phật giáo. Cái "tội" khiến con người bị tống cổ ra khỏi thể dạng tạm gọi tương tự như thiên đường (của Ki-tô giáo), được giải thích trong kinh "Aggañña-sutta" (của Phật giáo). Bản kinh này là một trong số các bản kinh hiếm hoi trong kinh điển nòng cốt của Phật giáo (tức các kinh trong Kinh Tạng) giải thích về "nguồn gốc của mọi sự vật ". Trong giai đoạn khởi nguyên, chúng sinh nhất thiết chỉ là các thể dạng tâm thần, không mang giới tính nào cả. Kinh này nêu lên quá trình của một sự diễn tiến cho thấy các sự vật và sự tách biệt giới tính đã xảy ra "như thế nào", nhưng không giải thích là "tại sao".
Học giả Phật giáo Dominique Trotignon là một trong các tác giả của quyển "La femme" ("Người phụ nữ") (ghi chú 2) nói về vị thế của người phụ nữ trong các tôn giáo khác nhau, đã trích dẫn bản kinh trên đây và đưa ra lời kết luận như sau: "Lúc khởi thủy không có sự phân chia thứ bậc (hierarchy) nào về giới tính, cũng không cho thấy một ưu thế nào đối với nam giới: sự tách biệt giới tính trước đây chưa có, nay bắt đầu hiện ra như là một hiện tượng, tương tự như tất cả các hiện tượng khác, và cũng chỉ là kết quả tạo ra bởi sự tiến hóa, phát sinh từ một sự tạo dựng mang tính cách phân biệt nhị nguyên (dualistic differentiation/sở dĩ một sự tách biệt xảy là do "hành động" hay "ý nghĩ" phân biệt làm phát sinh ra nó), theo một quy trình giống hệt với quy trình phân chia tế bào (theo sự hiểu biết khoa học ngày nay)! Và đấy cũng chính là "quy luật tự nhiên của mọi sự vật" (order of things): có nghĩa là sự hiển hiện của mọi hiện tượng (dhamma/pháp) cũng chỉ là kết quả phát sinh từ một số điều kiện cần thiết tạo ra nó khi đã hội đủ, và các điều kiện này thường là liên hệ đến các tác động của sự thèm muốn (desires/thèm khát, tham lam, hám dục). Các sự thèm muốn ấy sẽ không khỏi tạo ra cho chúng sinh những sự thèm muốn khác, và các sự thèm muốn này đều mang tính cách nhị nguyên (đối nghịch): chẳng hạn như bám víu và ghét bỏ, ngạo mạn và khinh miệt, quyến rũ và chán ghét.... Chính vì thế mà một hệ thống phức tạp gồm các "quy ước" khác nhau dần dần được hình thành và biến đổi với thời gian (trước một cử tọa gồm các thành viên của một hiệp hội của tín ngưỡng Ki-tô giáo, bà Gabriela Frey đã mạnh dạn trình bày về quan điểm không chấp nhận sự "sáng tạo" của Phật giáo, và chỉ xem mọi hiện tượng đều phát sinh từ một số điều kiện tạo ra chúng một khi hội đủ. Các điều kiện này thường là liên hệ đến các yếu tố nội tâm như ghét bỏ, bám víu, thèm khát... tạo ra tính cách nhị nguyên - chủ thể và đối tượng - đưa đến các thể dạng đối nghịch. Tác giả Dominique Trotignon giải thích cặn kẽ và chi tiết hơn về bản kinh này trong bài thứ hai thuộc loạt bài "Phật giáo và người phụ nữ". Tương đối it người chú ý đến bản kinh này, phải chăng là vì cách giải thích "quá xưa" về nguồn gốc hiển hiện của mọi sự vật, thế nhưng nếu phân tích thật kỹ thì chúng ta sẽ nhận thấy nhiều nét rất gần với khoa học và cả triết học ngày nay).
Theo giáo huấn của Đức Phật thì khi nào chúng ta vẫn còn bị chi phối bởi tầm nhìn mang tính cách nhị nguyên (tôi và kẻ khác, trắng và đen, v.v.) thì khi đó chúng ta vẫn còn tiếp tục bị vướng mắc trong cõi Samsara (luân hồi) và khổ đau. Thể dạng tâm thức sau khi loại bỏ được mọi sự thèm muốn (desires/dục vọng, thèm khát, tham lam...) và các hình thức vô minh khác, sẽ được gọi là Nirvana (Niết bàn). Điều này đúng với tất cả chúng sinh (nam và nữ) (và cả với những người đồng tính luyến ái, hoặc ái nam hay ái nữ), do đó qua một góc nhìn thật lý tưởng thì người ta có thể cho rằng "hiện thực tuyệt đối" chính là thể dạng "phi-đối-nghịch" (non-duality) (sự đối nghịch tạo ra thế giới hiện tượng, che khuất phía sau nó một thế giới khác, không sinh cũng không hủy hoại - nói cách khác là phi-nhị-nguyên - đó là thế giới của "hiện thực tuyệt đối", thế nhưng cũng thật hết sức lạ lùng là cái thế giới ấy cũng chỉ là thể dạng sâu kín, vắng lặng và tuyệt đối của tâm thức con người, bởi vì tính cách nhị nguyên và đối nghịch của những gì xảy ra trong thế giới bên ngoài đều là do sự thèm khát và vô minh bên trong tâm thức con người tạo dựng ra mà thôi).
Đức Phật và cà các chúng sinh giác ngộ khác (Thatagata/các vị Như Lai khác) không ai có thể giải thoát chúng ta khỏi khổ đau và các nguyên nhân gây ra khổ đau (thèm muốn, bám víu, vô minh, hận thù) trói chặt chúng ta trong chu kỳ bất tận của sự tái sinh. Đức Phật và các vị giác ngộ chỉ có thể chỉ cho chúng ta trông thấy con đường và đưa ra các phương pháp giúp chúng ta biết cách vượt thoát khỏi chu kỳ ấy mà thôi (trong câu trên đây tác giả nêu lên cho biết "Đức Phật và cả các vị Giác Ngộ khác hay Như Lai khác..." là có ý nói lên quan điểm của Đại Thừa: ngoài Đức Phật lịch sử ra còn có các vị Phật khác, tức là các vị Như Lai khác cũng đã đạt được Giác Ngộ. Các vị ấy có thể là Long Thụ, Thế Thân, Tịch Thiên, Đạo Nguyên..., và cả Đức Đạt-lai Lạt-ma ngày nay).
Padhmasambhava (một vị Thầy người Ấn thế kỷ thứ VIII, rất uyên bác đã hệ thống hóa và phát triển Kim Cương Thừa tại Tây Tạng và trong toàn vùng Hy-mã Lạp-sơn) là một vị đại sư Vajrayana (Kim Cương Thừa) đã đạt được giác ngộ (tôi sẽ giải thích thêm về thuật ngữ này trong vài phút nữa) có nói như sau: người phụ nữ cũng có thể có nhiều năng khiếu hơn người đàn ông: "Thân xác con người là một nền tảng giúp phát huy trí tuệ. Thân xác thô thiển dù là của người đàn ông hay của người đàn bà, đều mang một giá trị như nhau trong lãnh vực giác ngộ. Thế nhưng trong trường hợp mà cả hai cùng phát huy được một sự quyết tâm đích thật giúp mình đạt được giác ngộ, thì người người phụ nữ sẽ tiềm năng cao hơn" (ghi chú 3).
Đức Phật Shakyamuni (Thích-ca Mâu-ni) đưa ra ba thể loại giáo huấn (xin lưu ý qua câu này diễn giả có ý nhấn mạnh là cả ba thể loại giáo huấn sẽ nêu lên duới đây là Hinayana, Mahayana và Vaijrayana, đều là do chính Đức Phật Shakyamuni đưa ra. Đây cũng là quan điểm chung của Đại Thừa Phật giáo, nhất là Phật giáo Tây Tạng và Đức Đạt-lai Lạt-ma):
- Hinayana (còn gọi là Phật giáo của các thời kỳ đầu tiên) (tức Phật giáo Theravada, còn được gọi một cách không chính xác là Phật giáo Tiểu Thừa, Nam Tông, Nguyên Thủy, v.v.): theo phép tu tập của Phật giáo này thì không được làm những điều thiếu đạo đức, phải loại bỏ các xúc cảm bấn loạn và tránh không tạo ra khổ đau cho mình và kẻ khác, hầu giúp mình thoát ra khỏi Samsara (cõi luân hồi) và đạt được sự giải thoát.
- Mahayana (còn gọi là Đại Thừa): theo thừa này thì tất cả chúng sinh đều hàm chứa hạt giống của thể dạng Tâm Thức hoàn hảo và tối thượng (còn gọi là bản thể của Phật) (Phật tính, Như Lai tạng, Chân Như, v.v) cần được triển khai thêm, và đối với mọi sự vật [trong thế giới hiện tượng] thì đều ở thể dạng tương kết (interdependent) (tức là lệ thuộc và tương liên với nhau, không có một hiện tượng nào tự nó độc lập và tách rời ra khỏi các hiện tượng khác. Nên hiểu "hiện tượng" ở đây là tất cả những gì có thể nhận biết và hình dung được thuộc bối cảnh bên ngoài cũng như những gì hiện ra trong tâm thức, chẳng hạn như tư duy, tác ý và xúc cảm, v.v.. Khái niệm về sự tương liên, tương kết và tương tạo là một trong các khái niệm căn bản và chủ yếu nhất trên phương diện lý thuyết của Đại Thừa). Ngoài ra theo Đại Thừa thì người tu tập phát nguyện ước vọng đạt được giác ngộ với mục đích giúp kẻ khác cũng sẽ đạt được thể dạng ấy như mình (đó là Con Đưởng của người Bhodhisattva/Bồ-tát) (đây là khái niệm chủ yếu nhất trên phương diện thực hành và tu tập của Đại thừa).
- Vajrayana: là "Thừa rắn chắc như kim cương" (vajra có nghĩa là kim cương hay tiếng sét, thường dùng để ghép với một từ khác), còn gọi là Tantrayana/Tan-tra Thừa hay Mantrayana/Man-tra Thừa): là một phương pháp giúp người tu tập quán thấy không có gì khác biệt giữa Samsara (Luân hồi) và Nirvana (Niết bàn) (trên phương diện lý thuyết) và sự kết hợp giữa trí tuệ và lòng từ bi (như là một phương pháp) (tức là trên phương diện thực hành) (Ngoài ra trên phương diện căn bản và lý thuyết Kim Cương Thừa chấp nhận và quy nạp tất cả các tông phái và học phái - kể cả Phật giáo A-di-đà, sự khác biệt chủ yếu và đặc thù của thừa này thuộc lãnh vực thực hành nhiều hơn, đó là cách dựa vào một số phương pháp tu tập thật quyết liệt, đòi hỏi thật nhiều quyết tâm và sức cố gắng, giúp người tu tập đạt được sự giác ngộ ngay trong kiếp sống này). Thừa Phật giáo này dựa và các kinh sách tan-tra (là các kinh sách đặc thù của Kim Cương Thừa), chủ trương tận dụng tất cả mọi tiềm năng xúc cảm (khai thác sức mạnh của xúc cảm như là một phương tiện tu tập, đây là một điểm khác biệt rất lớn đối với các thừa khác, nhất là đối với Phật giáo Theravada, chủ trương phải chủ động các xúc cảm không cho chúng tạo ra các thể dạng bấn loạn và khổ đau). Nếu quán thấy được bản chất sâu xa của các thứ cấu hợp tạo ra "cái tôi " (hình tướng, giác cảm, sự cảm nhận, sự tạo tác tâm thần và tri thức) (kinh sách Hán ngữ gọi năm thứ này là ngũ uẩn), thì người ta có thể xử dụng một số các "phương tiện thiện xảo" để tinh khiết hóa và biến cải các thứ ấy (tức ngũ uẩn) trở thành trí tuệ (thiết nghĩ cách xử dụng thuật ngữ "phương tiện thiện xảo"/upaya để chỉ các phương pháp tu tập tích cực của Kim Cương Thừa thì không được thích nghi lắm, bởi vì đối với Thừa này thiết nghĩ phải dùng thuật ngữ "phương tiện quyết liệt" thì mới đúng). Đây là con đường chuyển biến các độc tố trở thành các liều thuốc chữa trị hay các chất xúc tác (catalyseurs/catalysts, đây là một từ hóa học chỉ các chất "trung gian" làm gia tăng một phản ứng hóa học bằng sự "hiện diện" của chúng, nhưng riêng chúng thì không trực tiếp dự phần vào các sự biến đổi hóa học đó). Vì thế cũng thật hiển nhiên là các phép tu tập của Kim Cương Thừa phải cần đến sự giúp đỡ của một vị giáo huấn hay một vị thầy thật giỏi để tránh mọi sai lầm).
Đức Phật thuyết giảng cả 3 con đường trên đây (Hinayana, Mahayana, Vajrayana) nhằm giúp mỗi người - dù nam hay nữ - đều có thể tìm được cho mình một phương pháp thích nghi (có nghĩa là phù hợp với cơ duyên, trình độ, xu hướng và các nghiệp của mình). Đức Phật cũng nêu lên một điều thật quan trọng là phải thận trọng đối với từng người thầy và những lời giảng dạy của họ, xem có thiết thực và giúp gì cho việc thăng tiến trên đường tu tập mang lại sự giác ngộ cho mình, và có gây ra thiệt hại cho kẻ khác hay không (kinh Kalama-sutta).
Đức Phật nhận thấy tất cả chúng sinh đều hàm chứa một tiềm năng ngang nhau trên đường đưa đến giác ngộ, vì thế Ngài đã cho phép tất cả mọi người được gia nhập Sangha (Tăng đoàn) của Ngài (Sangha có nghĩa là tập thể những người từ bỏ [gia đình]), dù họ là nam hay nữ, dù thuộc giai cấp hay sắc tộc nào, không phân biệt một ai.
Cả hai Tăng đoàn nam và nữ giới đều cần đến xã hội thế tục cung cấp các nhu cầu thiết yếu, chẳng hạn như thực phẩm, thuốc men, quần áo, v.v. Các thành phần trong Tăng đoàn ngày ngày phải tự mình đi vào các vùng làng mạc để khất thực, v.v., và đổi lại thì họ phải tụng niệm, đưa ra các lời khuyên và giảng dạy cho người thế tục. Và cũng xin nhắc thêm là trong quá khứ cũng đã từng có những mối dây tương trợ thật khắng khít như thế giữa người tu hành và kẻ thế tục, cả nam và nữ.
Người phụ nữ giữ một vai trò nổi bật trong cuộc đời của Đức Phật. Mẹ của Ngài qua đời rất sớm sau khi sinh ra Ngài và người dì là Mahaprajapati (Ma-ha Bà-xà Ba-đề) đã trở thành mẹ nuôi của Ngài. Vợ Ngài là Yasodhara (Da-du Đà-la) hạ sinh một người con trai là Rahula (La-hầu-la). Sau khi từ bỏ cuộc sống vương giả của một thái tử thì Ngài ra đi khắp nơi trên đất Ấn hầu tìm một giải pháp mang lại sự giải thoát tối thượng. Sau một thời gian tu tập với phương pháp hành xác thật khắc nghiệt, Ngài trở nên suy nhược, không còn sức thiền định được nữa, thì bỗng nhiên có một người con gái là Sujata (Tu-xà-đa) hiến dâng Ngài một bát cơm nấu với sữa, nhờ đó Ngài lấy lại sức đi đến Bodhgaya (Bồ-đề Đạo-tràng), ngồi xuống thiền định dưới cội Bồ-đề và đạt được Giác Ngộ.
Sau khi đạt được giác ngộ, Đức Phật bắt đầu thuyết giảng, còn gọi là "khởi động bánh xe Dharma" (Đạo Pháp), và thu nhận đệ tử. Sau khi thành lập Tăng đoàn nam giới được khoảng năm năm, thì Đức Phật bắt đầu thành lập Tăng đoàn nữ giới. Người mẹ nuôi của Ngài là Mahaprajapati, vợ Ngài và rất nhiều phụ nữ khác trong bộ tộc Shakya (tức bộ tộc thuộc giòng họ của Đức Phật), đầu cạo trọc, kéo nhau đi bộ từ Kappilavatthu đến tậ, Vaishali để xin Đức Phật được làm đệ tử của Ngài.
(Kappilavatthu/Ca-tì-la-vệ là kinh đô của vương quốc của bộ tộc Shakya (Thích-ca), ngày nay thuộc lãnh thổ Nepal, nằm sát biên giới Ấn. Vaishali/Vệ-xá-li là một thị trấn nằm bên bờ một nhánh sông Hằng trên lãnh thổ Ấn Độ, về hướng đông nam của kinh đô Kappilavatthu, hai nơi cách nhau khoảng 300km. Thị trấn Vaishali là nơi sinh trưởng và cũng là nơi cư ngụ của một cư sĩ nổi tiếng vào thời đại Đức Phật là Vimalakirti/Duy-ma-cật. Đức Phật thường thuyết giảng tại thị trấn này, và cũng tại nơi này trong lần thuyết giảng cuối cùng Đức Phật cũng đã thông báo với các đệ tử về sự nhập diệt của mình. Một trăm năm sau khi Đức Phật nhập diệt, cũng tại nơi này đã diễn ra đại hội kết tập Đạo Pháp lần thứ hai).
Theo truyền thuyết thì người dì của Đức Phật là Mahaprajapati ba lần ngỏ lời xin Đức Phật được gia nhập Tăng đoàn, thế nhưng Đức Phật đều từ chối. Người đệ tử thân cận của Ngài là Ananda (A-nan-đà) động lòng trước những người phụ nữ [thân hành đến tận nơi này] bèn cất lời hỏi Đức Phật rằng người phụ nữ có thể thực hiện được sự giải thoát và đạt được thể dạng Arhat (A-la-hán/giác ngộ) hay không. Đức Phật cho biết là có, và nhất định là phải như thế. Tuy thế Đức Phật cũng hiểu rằng nếu Ngài cho phép người phụ nữ được trở thành đệ tử của Ngài và được thụ phong trọn vẹn (tôi sẽ giải thích về thuật ngữ này trong một đoạn sau) thì đấy sẽ là cả một cuộc cách mạng xã hội vào thời bấy giờ. Mục đích của Đức Phật không nhắm vào một hình thức cách mạng xã hội nào cả mà chỉ là những lời giáo huấn giúp con người biết là phải làm thế nào để cải biến tâm thức mình.
Điều quan trọng là phải ý thức được hoàn cảnh của người phụ nữ trong xã hội Ấn cách nay đã hơn 2.500 năm (ngày nay cũng chẳng khá hơn). Người con gái phải chịu sự giám hộ của cha cho đến ngày lấy chồng (thường cũng chỉ là một sự giàn xếp), và sau đó là sự giám hộ của chồng. Ngoài việc nội trợ, người phụ nữ không có quyền quyết định về bất cứ việc gì khác (từ muôn thuở cho đến nay truyền thống văn hóa và xã hội Ấn chỉ xem trọng người đàn ông, họ giữ một vị thế chủ yếu trong gia đình và ngoài xã hội, và có quyền trên trước đối với người phụ nữ. Chẳng phải trong kinh sách người đàn ông được gọi là "người chủ gia đình" hay sao?). Người phụ nữ phải lo việc dọn dẹp nhà cửa, bếp núc, sinh con (tốt nhất là sinh con trai) và phải hầu hạ cả gia đình chồng. Cũng xin nhắc thêm là xã hội Ấn là xã hội quản lý bởi những người theo Ấn giáo. Trong gia đình chỉ có người con trai mới có quyền chủ trì các nghi lễ hỏa táng cha mẹ, và đây cũng là một sự vinh dự cho cha mẹ khi qua đời. Có một câu ngạn ngữ nói rằng sinh con gái cũng chẳng khác gì như tưới vườn cho kẻ khác. Của hồi môn trước đây (đôi khi cả ngày nay) là một gánh nặng cho gia đình (nhà nghèo hoặc là của hồi môn ít ỏi thì sẽ khó mà tìm được tấm chồng). Tóm lại người phụ nữ chẳng có giá trị gì, và cũng chẳng có gì là thuộc phần mình cả.
Đối với người phụ nữ, quyết định chọn kiếp sống không nhà, ra đi một mình làm kẻ ăn xin, bên cạnh không có người đàn ông nào chỉ huy mình, tự lo toan mọi việc một mình, thì dù mục đích có cao quý đến mấy đi nữa - có nghĩa là giúp mình bước vào con đường đưa đến giác ngộ - thì đấy cũng sẽ là một quyết định vô cùng táo bạo, phản ảnh một hình thức cách mạng vô song vào thời bấy giờ. (Cách nay khoảng 2.500 năm, và cũng có thể là trước cả Đức Phật, chỉ có đạo Ja-ïn là công nhận các tu sĩ nam và nữ ngang hàng nhau).
Theo tôi thì Đức Phật có thể đã nghĩ rằng Tăng đoàn vừa mới được thành lập, các đệ tử thì cũng mới chập chững bước vào con đường, do đó Ngài lo ngại cho những người phụ nữ không đủ sức chịu đựng sự nhọc nhằn (khất thực, thiếu thốn, sống trong rừng, xa làng mạc. Phật giáo mới bắt đầu phát triển, người thế tục cúng dường còn ít ỏi, chưa có các tịnh xá do người thế tục xây dựng để cúng dường Tăng đoàn làm nơi tạm trú). Dù ý thức được tiềm năng rất cao của người phụ nữ, thế nhưng Đức Phật không muốn một ai trong số họ phải chịu cực khổ. Tuy nhiên, Đức Phật cũng đã chấp nhận thụ phong cho họ, nhưng Ngài cũng đòi hỏi họ phải chấp hành "tám Garudharma", tức là tám "Điều kiện Trọng đại", nhằm buộc các nữ tu sĩ (bhikkhuni/tỳ kheo ni) phải lệ thuộc vào các nam tu sĩ (bhikkhu/tỳ kheo) (trước hết là để phù hợp với thói tục và truyền thống trong xã hội, và sau đó cũng là một cách bắt buộc người tỳ kheo nam gìới phái có trọng trách chăm lo cho người tỳ kheo ni).
Thế nhưng các công cuộc khảo cứu gần đây của Bhikkhu Analoya và các khảo cứu gia khác cho thấy điều này còn là cả một nghi vấn, vì theo họ "Tám Garudharma" (tám "Điều kiện Trọng đại") thật ra cũng chỉ được thiết đặt vào các thời kỳ hậu Đức Phật (ghi chú 1, trang 141). Thiết nghĩ cũng chỉ cần nêu lên điều kiện thứ nhất và thứ năm [trong số tám điều kiện trên đây] cũng đã đủ cho thấy những gì khắt khe mà bà Mahaprajapati (mẹ nuôi của Đức Phật và cả các phụ nữ khác) phải chịu đựng:
- Một nữ tu sĩ dù đã được thụ phong một trăm năm đi nữa thì cũng phải kính cẩn vái chào một nam tu sĩ dù chỉ vừa được thụ phong trong ngày, tức là phải đứng lên, cúi đầu thật tôn kính.
- Một người sa di nữ giới (sa di ni) chỉ có thể được thụ phong trọng đại (nghi thức thụ giới upasampada) để trở thành một tỳ kheo ni, khi nào đã được sự chấp thuận của cả hai Tăng đoàn (nữ giới và nam giới), và đã tuân thủ sáu giới luật (ngoài năm giới luật của người thế tục còn phải tuân thủ thêm giới luật thứ sáu là chỉ được phép ăn mỗi ngày một bữa trước giờ ngọ) trong vòng hai năm.
Bà Mahaprajapati phải học thuộc và hoàn toàn chấp nhận tám điều kiện bắt buộc trên đây trước khi được thụ phong để trở thành người tỳ kheo ni đầu tiên trong đại Tăng đoàn Phật giáo.
Theo truyền thống thì người tỳ kheo (nam giới) phải tuân thủ khoảng 217 giới luật, và người tỳ kheo ni là khoảng 311 giới luật. Lúc đầu khi Tăng đoàn nữ giới mới được thành lập, thì người ty kheo ni cũng chỉ phải tuân thủ 217 giới luật như người tỳ kheo nam giới, thế nhưng dần dần sau đó một số giới luật mới được thiết lập thêm dành riêng cho họ. Cũng nên hiểu rằng mỗi khi có một sự kiện đáng tiếc xảy ra và đem thuật lại với Đức Phật, thì khi đó Đức Phật mới đưa ra một giới luật mới, nhằm ngăn chận không cho việc ấy tiếp tục xảy ra.
Các tỳ kheo và tỳ kheo ni đầy đủ khả năng tiếp nối nhau đứng ra thực thi các nghi thức thụ phong và lưu truyền hết thế hệ này sang thế hệ khác, qua các dòng truyền thừa được thành lập từ thời kỳ Đức Phật còn tại thế đến nay. Theo tập tục thì tên họ của những người được tiếp nhận các nghi thức thụ phong trong các dòng truyền thừa đều được ghi chép cẩn thận. Điều này cũng phải được áp dụng đối với các vị giảng dạy giáo lý và các vị luyện tập thiền định. Do đó nếu một dòng truyền thừa bị gián đoạn, thì giáo huấn và các nghi thức thụ phong cũng sẽ bị gián đoạn theo. Trong trường hợp may mắn hơn thì dòng truyền thừa bị gián đoạn cũng có thể được tiếp tục sau đó bằng cách truyền sang cho một dòng truyền thừa khác, nếu không thì cũng sẽ vĩnh viễn chấm dứt.
Đối với việc thụ phong toàn diện thì vào giai đoạn đầu tiên có khoảng sáu dòng truyền thừa tất cả (tức là các học phái hình thành sau khi Đức Phật tịch diệt hội đủ tư cách để thực thi nghi thức thụ phong). Thế nhưng sau đó thì chỉ có các dòng truyền thừa Theravada, Mulasavastavada và Dharmaguptaka là còn lưu truyền đến nay. Và trong số này duy nhất chỉ có dòng truyền thừa Darmaguptaka là còn giữ được truyền thống thụ phong toàn vẹn cho người phụ nữ. Chúng tôi hiện nay đang tranh luận thật gay go xem việc thụ phong toàn vẹn cho người phụ nữ có cần phải nhờ vào dòng truyền thừa Darmaguptaka hay không, hay là chỉ cần cho phép các tỳ kheo nam giới thực thi các nghi thức này, tương tự như vào thời kỳ khi Đức Phật còn tại thế. Thật ra còn nhiều điểm cần phải giải thích và nêu lên thêm, thế nhưng tôi xin chuyển sang phân đoạn 2 của bài thuyết trình hôm nay (Dầu sao quý vị cũng có thể tìm hiểu thêm qua quyển sách nêu lên trong ghi chú 4).
2- Mối quan hệ giữa người phụ nữ, khung cảnh chùa chiền, các nam tu sĩ và việc thụ phong
Sau khi Đức Phật thành lập xong Tăng đoàn nữ giới; thì các tỳ kheo ni cũng bắt đầu tu tập thật chuyên cần và dần dần trở thành các vị giảng huấn ở các cấp bậc thật cao và được nhiều người thế tục ngưỡng mộ, Nhằm chứng minh điều này tôi xin nêu lên trường hợp tập kinh Therigatha (ghi chú 5), gồm các bài thơ do các các ni sư tiền bối đã trước tác vào các thời kỳ xa xưa.
Chữ Therigatha trong tiếng Pa-li là một từ ghép: chữ theri có nghĩa là những người "phụ nữ xưa" và chữ gatha có nghĩa là các vần thơ (do đó chữ Therigatha có thể dịch là "Những vần thơ của các ni sư tiền bối", Hán dịch là "Trưởng lão ni kệ". Ngoài ra trong Kinh Tạng còn có một tập thơ khác của các vị tăng nam giới gọi là Theragatha, Hán dịch là "Trưởng lão tăng kệ", thera có nghĩa là các "Nam giới lớn tuổi"/Elder, Senior. thế nhưng từ này cũng là một "tuớc hiệu" - Hán dịch là Thượng Tọa - dùng để ban tặng cho các tỳ kheo được thụ phong ít nhất hơn mười năm, do đó thường gây ra một sự lầm lẫn trong kinh sách Hán ngữ. Chữ Theravada hay Theravadin có nghĩa là "Con đường hay học phái của những người xưa" thế nhưng kinh sách Hán ngữ lại dịch là "Thượng Tọa Bộ", không mang một ý nghĩa nào cả! Các sự lầm lẫn đại loại như trên đây rất nhiều. Thiết nghĩ nên dịch kinh sách Pa-li và Phạn trực tiếp sang tiếng Việt, không nên mượn kinh sách tiếng Hán làm trung gian và nhất là tránh bớt các thuật ngữ Hán Việt, bởi vì không những đôi khi là các từ dịch sai, và dù dịch đúng đi nữa thì trong số những người thuộc thế hệ ngày nay không còn mấy ai hiểu đấy là gì), là một tập sách gồm các bài thơ Phật giáo được xem là do các các tỳ kheo ni trong Tăng đoàn trước tác vào các thời kỳ đầu tiên. Tập thơ này đã được ghép chung vào Kinh Tạng bằng tiếng Pa-li (tức giáo huấn của chính Đức Phật ghi chép lại bằng ngôn ngữ Pa-li) (Chữ Pa-li cũng là một sự hiểu lầm của người Tây Phương khi mới khám phá ra Tam Tạng Kinh ở Tích lan. Tiếng Pa-li không phải là ngôn ngữ của bất cứ một nước nào hay một dân tộc nào cả, mà chỉ có nghĩa là các dòng chữ (pathâ) trong Kinh Tạng, và Kinh Tạng thì được ghi chép bằng một thổ ngữ trong vùng Magadha/Ma-kiệt-đà gọi là ngôn ngữ mâgadhikâ gần với tiếng Phạn và dường như cũng chỉ bắt đầu xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ III trước Tây Lịch, tức vào thời đại của vua A-dục. Thuật ngữ "pali"/Pa-li duy nhất chỉ thấy nêu lên trong các tập bình giải của Buddhaghosa/Phật Âm vào thế kỷ thứ V, nhằm mục đích phân biệt giữa giáo huấn của Đức Phật và các lời bình giải bằng tiếng sinhalese là thổ ngữ trên đảo Tích Lan, được chuyển dịch sang tiếng Pa-li và ghép chung vào Kinh Tạng. Thế nhưng người Tây Phương lúc đầu thì lại cứ nghĩ rằng Pa-li là một ngôn ngữ xưa của một dân tộc nào đó. Điều này ngày nay đã được các học giả Tây Phương điều chỉnh lại, thế nhưng không mấy người quan tâm, bởi vì cách gọi ngôn ngữ trong Tam Tạng Kinh là "tiếng Pa-li" đã trở thành thói quen). Tập kinh Therighata gồm 73 bài thơ (tất cả là 522 tiết), được xếp vào tập thứ IX trong Khuddaka Nikaya/Tiểu Bộ Kinh. Các tỳ kheo ni trong Tăng đoàn nữ giới khi mới được thành lập, đã trước tác các bài hát (bài kệ) này là để thuật lại những sự kham khổ và những gì mình thực hiện được trên đường tu tập giúp mình đạt được thể dạng arhant (A-la-hán). Các phụ nữ thật quả cảm đó đã thuật lại cuộc đời mình với tất cả sự chân thật và đẹp một cách tuyệt vời. Các câu chuyện trong tập thơ Therighata của các tỳ kheo ni trên đây nêu lên các khía cạnh rất con người và thật sâu kín của họ, khiến con tim chúng ta phải se thắt lại. Quả thật những câu chuyện đó về cuộc đời của họ đã lưu lại những tấm gương thật sống động, thúc dục chúng ta bước theo dấu chân họ (trích dẫn từ Wikipedia).
Tập Therigatha góp phần không nhỏ trong việc nghiên cứu Phật giáo xưa, trong đó có nhiều đoạn khẳng định một cách dứt khoát là người phụ nữ ngang hàng với nam giới về các sự thành đạt tâm linh. Một trong các bài kinh trong Anguttara Nikaya I/Tăng Nhất Bộ Kinh(chương 14, Attadagga Vagga - Các môn đệ ưu tú nhất - Spitzen der Jüngerschaft) (Thanissaro Bhikkhu dịch chương này với tựa là "The Octet Chapter". Nói chung Attadagga Vagga là một loạt bài giảng gồm 16 bài thơ, nêu lên chủ đề về bốn sự bám víu là: dục tính, quan điểm, việc tu tập và giới luật) có đưa ra một danh sách gồm các nam và nữ tu sĩ và cả những người tu hành tại gia nam và nữ, được Đức Phật xem là các đệ tử ưu tú nhất của Ngài trên các phương diện trí tuệ, giáo lý, hoặc đã đạt được các thành quả to lớn, hoặc nhiều phẩm tính khác.
Đức Phật nêu lên trong danh sách này khoảng bốn mươi vị gồm giới tu sĩ và cả những người tu hành tại gia, và trong số này có 13 Tỳ kheo ni và 21 phụ nữ tại gia được xem là siêu việt nhất, chẳng hạn như:
- Tỳ kheo ni Khema: xuất sắc trên phương diện trí tuệ
- Tỳ kheo ni Uppalavanna: thành thạo về các phép thuật (magic)
- Tỳ kheo ni Patacara: thấu triệt tất cả các giới luật quy định cho Tăng đoàn
- Nữ đệ tử tại gia Uttara: trí tuệ cao siêu.
- và rất nhiều phụ nữ khác...
Các tu sĩ nữ giới thường nổi tiếng là rất uyên bác, trí tuệ phong phú và đặc biệt là nhiều khả năng trong việc giảng dạy (ni sư Soma sau khi được nghe Đức Phật giảng một lần là thuộc toàn bộ Luật Tạng, và trong một cuộc đấu lý đã thắng hung thần Mara...)
Theo tôi thì vào thời kỳ Đức Phật còn tại thế, các đệ tử nam giới của Ngài dầu sao đi nữa vẫn chưa thoát khỏi ảnh hưởng của các quan điểm đã ăn sâu vào thời đại của họ và cả tình trạng vô minh của họ đối với người phụ nữ. Để chứng minh điều này tôi xin nêu lên câu chuyện sau đây về một người đệ tử thân cận của Đức Phật là Sariputra (Xá-lợi-phất), nổi tiếng là người đệ tử bảo vệ sự tinh khiết của Đạo Pháp, và cũng nổi danh khi đưa ra quan điểm cho rằng người phụ nữ nếu muốn đạt được giác ngộ thì trước hết phải tái sinh làm nam giới. Một phụ nữ (thật ra là một vị nữ thần) là Shunyatadevi trong một cuộc đấu lý với Sariputra đã dùng phép thuật chuyển đổi thân xác mình với Sariputra (khiến Sariputra trở thành một phụ nữ và mình thì trở thành một nam giớ). Nhờ đó Sariputra đã hiểu được rằng không có một sự hiện hữu phụ nữ nào mang tính cách thực thể cả (nữ hay nam giới cũng chỉ là các đặc tính quy uớc) và có thể biến đổi khác hơn. Cách giảng dạy của người phụ nữ ấy, tức là vị thần linh nữ giới ấy, không dựa vào lý thuyết mà là sự quán thấy trực tiếp: đó là Tánh Không của cái ngã và cả đối tượng của sự quán thấy (tức là các cấu hợp tạo ra cái ngã, đã nói đến trên đây) (cái ngã của mình cũng chỉ là một sự trống không, nam hay nữ cũng chỉ là các thành phần của năm thứ cấu hợp/ngũ uẩn, do đó không hề hàm chứa một thực thể nào cả và tất cả cũng chỉ là trống không) (ghi chú 1, tác giả Lily Besillay, tr. 41).
Từ thời đại của Đức Phật đến nay đã từng có không biết bao nhiêu phụ nữ tiếp tục nêu lên một cách thật giản dị qua bản thân họ những lời giảng huấn thật siêu việt - đôi khi rất trực tiếp, hướng thẳng vào chủ đích - cho thấy CÁ THỂ cũng chỉ đơn giản là một sự biểu hiện của tâm thức, ẩn chứa bên trong thân xác, nhưng không phải là bên trong giới tính (cá nhân con người biểu trưng bởi thân xác nhưng không biểu trưng bởi giới tính).
Ngay từ thời đại của Đức Phật, các đệ tử của Ngài và cả xã hội Ấn cũng đã bắt đầu chuyển hướng đôi chút, mang lại một tầm nhìn khá hơn về người phụ nữ. Thế nhưng tiếc thay, toàn bộ cơ chế xã hội và cả các đệ tử của Đức Phật lúc bấy giờ cũng vẫn chưa chữa lành được tình trạng vô minh, định kiến, chủ trương trọng nam khinh nữ, cũng như các thói quen tệ hại khác của mình (theo diễn giả tức tác giả của bài này, thì Đức Phật luôn chủ trương sự bình đẳng và ngang hàng giữa người phụ nữ và nam giới trên phương diện tu tập, thế nhưng các đệ tử của Ngài thời bấy giờ và cả sau này, không theo kịp tư tưởng của Ngài. Các hình thức kỳ thị giới tính trong Phật giáo là do họ đưa ra dưới ảnh hưởng của xã hội, và hầu hết là những sự thêm thắt hậu Đức Phật).
Sau khi Đức Phật tịch diệt, các đệ tử (nam giới) tổ chức các lần kết tập nhằm mục đích hệ thống hóa và bảo toàn di sản mà Đức Phật đã lưu lại:
- Lần kết tập thứ nhất sau khi Đức Phật tịch diệt đã diễn ra tại Rajagrha (Vương xá thành) vào thế kỷ thứ V trước Tây Lịch (nhằm thiết lập các kinh điển nòng cốt của Phật giáo là Tipitaka/Tam Tạng Kinh) (sau khi Đức Phật tịch diệt khoảng một năm).
- Lần kết tập thứ hai được tổ chức tại Vaishali (Vệ-xá-li) năm 367 trước Tây Lịch.
- Lần thứ ba, năm 250 trước Tây Lịch tại Pataliputra (Hoa Thị Thành) (và đã bắt đầu xảy ra các bất đồng chính kiến đưa đến sự hình thành ít nhất là hai nhóm: nhóm thứ nhất gồm các người xưa gọi là Sthavira, và từ nhóm này đã phát sinh ra Phật giáo Theravada ngày nay, nhóm thứ hai là Mahasanghika, còn gọi là nhóm "đa số", chủ trương sự cải tiến.
Và cũng vào thời gian này (tức là sau lần kết tập thứ ba) sau khi Phật giáo được đưa vào Tích Lan (nhờ con gái của vua Ashoka/A-dục là Sanghamitta) và cũng tại nơi này lần đầu tiên Giáo Huấn của Đức Phật đã được ghi chép bằng chữ viết (tiếng Pa-li).
Sự truyền bá Phật giáo tại Ấn Độ:
Nếu nhìn gần hơn vào lịch sử lâu dài của Phật giáo thì sẽ không khó để nhận thấy là người đàn ông đã dành ra thật nhiều công sức trong việc biến đổi (modify/sửa đổi) giáo huấn của Đức Phật (các vị thánh nhân trong lịch sử Phật giáo đứng ra bình giải, quảng bá Đạo Pháp, soạn thêm "kinh sách", triển khai các khái niệm, thành lập các tông phái, học phái, chi phái... có thể nói hầu hết trong số họ là nam giới). Họ che đậy (trong nguyên bản là chữ déguiser/disguise/hóa trang, ngụy trang, che dấu) (cố tình hay vô tình) các thói quen không tốt đẹp của mình dưới các nhãn hiệu truyền thống, đôi khi kể cả dưới hình thức các quy luật (règlements/regulations) của tự viện, nhằm mục đích củng cố uy quyền. Và người phụ nữ lại thêm một lần nữa rơi vào vị thế lệ thuộc và tụt xuống một cấp bậc thấp hơn, bất chấp những sự thành đạt và các kết quả thượng thặng mà họ đã đạt được trên đường tu tập tâm linh của họ.
Các cuộc xâm lược và chiến tranh liên tiếp xảy ra ở Ấn đã khiến cho Phật giáo dần dần suy yếu kể từ thế kỷ thứ VI và VIII sau Tây Lịch (Phật giáo gần như hoàn toàn biến mất ở Ấn vào cuối thế kỷ XII). Ngày nay chỉ còn 2 đến 3% người dân Ấn là theo Phật giáo (Phật giáo xuất hiện trở lại trên đất Ấn kể từ thế kỷ XX nhưng vẫn còn rất yếu).
Vì lý do chùa chiền nữ giới đều lệ thuộc vào sự quản lý của các chùa chiền nam giới, nên người thế tục ngày càng nghĩ rằng tài trợ và cúng dường chùa chiền nam giới sẽ mang lại nhiều công đức tốt (tức là nhiều karma/nghiệp tốt) hơn là tài trợ và cúng dường cho các chùa chiền nữ giới. Do đó các nguồn tài trợ cũng như thực phẩm mà người tu hành nữ giới nhận được lúc nào cũng ít ỏi hơn, và cũng chính vì thế nên các điều kiện giúp họ được may mắn học hành cũng kém hơn, v.v.
Dù rằng trong hai bản kinh xưa (Dakkhina-vibbhanga sutta/Madhyama-agama) (ghi chú của tác giả không được rõ ràng lắm. Bài kinh Dakkhina-vibbanga sutta trong Majjima Nikaya/Trung Bộ Kinh, MN 142.3, là một bài kinh nêu lên các phẩm tính trong việc cúng dường, trong bài kinh này cũng có nói đến người dì và mẹ nuôi của Đức Phật là Mahaprajapati biếu tặng Ngài một chiếc áo do chính bà khâu, thế nhưng Đức Phật không nhận và giảng rằng việc cúng dường là cúng dừng cho Tăng đoàn, không cúng dường cho một cá nhân nào cả. Madhyama-agama là một tập kinh đã thất truyền chỉ còn lại bản Hản dịch gọi là Trung A Hàm, nhiều bài kinh trong bản Hán dịch này mang nội dung khá gần với một số các bài kinh trong Majjima Nikaya/Trung Bộ Kinh) nêu lên thật rõ ràng là cúng dường cho cả hai Tăng đoàn (nam và nữ giới) cao quý hơn là cho một Tăng đoàn.
Ngay cả trường hợp người phụ nữ, dù đạt được giác ngộ hay một cấp bậc tâm linh thật cao đi nữa, thì vẫn khó cho họ có thể viết ra (vì không được học hành) hầu lưu lại chứng tích về các sự thành đạt của mình (cũng xin lưu ý thêm là chữ viết cũng chỉ bắt đầu xuất hiện vào thế kỷ thứ III trước Tây Lịch ở Ấn Độ, và vào thời bấy giờ cũng không có mấy ai được đi học và biết chữ). Ngày nay chúng ta thấy xuất hiện rất nhiều phụ nữ khác thường qua các câu chuyện do chính các đệ tử (hầu hết là nam giới) của họ thuật lại.
Việc thụ phong trọng đại chỉ có thể thực hiện với sự chấp thuận của cả hai Tăng đoàn, nam và nữ giới, điều này cho thấy nữ tu sĩ phải lệ thuộc vào nam tu sĩ (giới luật trọng đại thứ 6).
Điểm quan trọng nhất trong phép thụ phong trọng đại là phải thực thi với sự chứng kiến của hai dòng truyền thừa, một của các nam tu sĩ và một của các nữ tu sĩ, và họ phải hội đủ tư cách thụ phong cho người khác, và cả hai dòng truyền thừa chưa hề bị gián đoạn. Vinaya (Tạng Luật) (tức là các giới luật nơi tự viện) nêu lên thật rõ ràng là nếu muốn thụ phong cho người khác thì người nam tu sĩ cũng như người nữ tu sĩ chính mình cũng đã được thụ phong trước đó ít nhất là mười hai năm. Ngoài ra trong buổi lễ thụ phong cũng phải có sự chứng kiến của 10 đến 12 Tỳ kheo (nam giới) và từ 10 đến 12 Tỳ kheo ni, tất cả phải hội đủ các điều kiện trên đây (tức đã được thụ phong trọng đại ít nhất 12 năm).
Thật hết sức khó để hội đủ các điều kiện bắt buộc nêu lên trong Vinaya (Tạng Luật), nhất là trong trường hợp mà người xin thụ phong trọng đại sống trong những nơi hẻo lánh, chùa chiền thưa thớt. Chẳng hạn như tại Tây Tạng việc thụ phong trọng đại chưa bao giờ được thực thi đúng với "các điều lệ quy định trong Vinaya" (không có đủ số ni sư đầy đủ tư cách đứng ra thụ phong). Do đó người phụ nữ ở Tây Tạng cũng chỉ được thụ phong với tư cách là các sa di ni.
Ngoài ra cũng còn các trở ngại khác: như chiến tranh và nạn đói kém. Các nữ tu sĩ là những người phải gánh chịu trước nhất mọi sự bất hạnh, chẳng qua vì họ không nhận được sự trợ giúp tích cực của người thế tục, tương tự như các người đồng tu nam giới của họ. Chính vì thế tại Tích Lan Tăng đoàn Tỳ kheo ni đã hoàn toàn biến mất sau nạn đói lớn hoành hành tại hòn đảo này cách nay khoảng một ngàn năm.
Phật giáo Tan-tra (Vajrayana) xuất hiện trong một bối cảnh phụ hệ khắc nghiệt, khiến người phụ nữ phải chịu nhiều thiệt thòi, không được may mắn như nam giới trên phương diện tu tập tâm linh. Tuy nhiên một số phụ nữ cũng đã trở thành các vị Thầy thượng thặng. Hơn thế nữa tôi tin rằng trong số họ nhiều người đã góp phần không nhỏ vào sự hình thành và phát triển của Phật giáo Tan-tra. Các di tích xưa nhất ghi chép bằng chữ viết về Vajrayana (Kim Cương Thừa) xuất hiện từ thế kỷ thứ IV, và sau đó đã phát triển rộng rãi trong vùng bắc Ấn kể từ thế kỷ thứ VII, và ngày nay rất phổ biến trong toàn vùng Hy-mã Lạp-sơn (Tây tạng, Sikkim, Bhoutan, bắc Ấn Độ, các vùng biên giới phía tây và bắc Trung Quốc) (ghi chú 7, đây là một quyển sách rất giá trị nói về người phụ nữ trong Phật giáo Tan-tra).
Là một người tu tập theo Kim Cương Thừa, tôi rất quan tâm đến tất cả các các vị Phật nữ giới: nhất là về nguồn gốc và các khả năng đặc biệt của họ. Nói chung người phụ nữ không mấy khi được đi học, nên họ cũng không có nhiều dịp tiếp cận với các nguồn thông tin hữu ích giúp mình tìm hiểu các vấn đề tâm linh, và cũng chính vì thế nên một số đông cũng chỉ biết chọn cách ẩn tu và trở thành các nữ du-già (yoginis), tự tu tập một mình trong các hang động. nơi nghĩa trang hoặc những nơi hẻo lánh, biệt lập với xã hội. Tất nhiên là họ cũng phải nhờ vào một người thầy, thế nhưng bối cảnh tách xa xã hội phụ hệ quá gay gắt, bắt họ phải gánh vác vai trò mà truyền thống đã bắt buộc họ phải giữ (làm vợ, làm mẹ, v.v.), đã mang lại cho họ nhiều thuận lợi hơn trong cuộc sống tâm linh.
Thông thường trong Kim Cương Thừa có bốn thể loại "thần linh nữ giới" hay là các "nhân vật nữ giới" thượng thặng:
- Yidam: là các vị thần linh được người tu tập xử dụng như một phương tiện thiền định. Các thần linh Yidam được biểu trưng bởi sự kết hợp giữa trí tuệ và lòng từ bi, hai phẩm tính luôn kết chặt với người hành thiền (Yidam có thể là một vị Phật, một vị Bồ-tát nào đó làm đối tượng cho sự quán tưởng của người hành thiền, giúp mình hòa nhập với các phẩm tính (từ bi, trí tuệ...) của vị ấy và cả Mandala/Mạn-đà-la, tức là không gian và bối cảnh linh thiêng của vị ấy, nhằm giúp mình trở thành chính vị ấy. Thế nhưng đấy không phải là một sự liên kết với một thần linh thuộc bối cảnh bên ngoài, mà là một sự hòa nhập vào "bản thể của Phật" hay "Phật Tính" bên trong chính mình). Thí dụ như nữ thần Tara Màu Xanh (lá cây), biểu trưng cho lòng từ bi của toàn thể chư Phật (tên của nữ thần linh này có nghĩa là "Người cứu khổ"), với gương mặt, hay cánh tay và toàn thân màu xanh (lá cây). Tay phải để ngửa nói lên sự bố thí, tay trái cầm một cành hoa sen màu xanh dương, các cánh hoa nở ra bên cạnh vành tai trái. Vị nữ thần Tara Màu Xanh này được xem là hàm chứa một sức mạnh vô song, có khả năng vượt lên trên tất cả các cảnh huống khó khăn, giúp mình đứng ra bảo vệ và trấn an những người tu tập phải đối đầu với các mối hiểm nguy. Tara là một vị nữ thần Tây Tạng đặc biệt luôn hành động một cách ôn hòa.
- Guru: thường là tên gọi của những vị sáng lập ra các dòng truyền thừa, hay những vị đã hoàn toàn thành đạt và trở thành các vị thầy hướng dẫn tâm linh. Thí dụ 1: Machig Labdrön một phụ nữ Tây Tạng thế kỷ XI, là người sáng lập ra phép tu tập Chöd ("cắt bỏ") ("cắt bỏ" ở đây có nghĩa là cắt bỏ cái ngã, các hình thức bám víu, v.v...nhờ vào trí tuệ hoàn hảo/prajnaparamita, giúp mình vượt lên trên tính cách nhị nguyên). Phép tu tập này được biểu trưng bởi một vị Thần Linh Màu Trắng thật hiền hòa và trong tư thế đang nhảy múa. Thí dụ 2: Niguma, là một phụ nữ Mahasiddha (kinh sách Hán ngữ gọi là Ma-ha Tất-đạt hay Đại thành tựu giả, là những người hành thiền có những khả năng phi thường) thượng thặng,là em gái hay thần linh phụ trợ (tùy theo tư liệu) của Naropa (1016-1100, một vị đại sư Tây Tạng được tôn kính như một vị thánh nhân), đã thiết lập được một phép luyện tập gọi là "Sáu giáo pháp Du-già của Niguma". Bà là một trong các biểu hiện của thần linh Dakini ("Không hành nữ", một nữ thần linh bay trong không trung) biểu trưng cho trí tuệ nguyên sinh. Bà nguyện sẽ luôn hiển lộ qua thân xác của một người phụ nữ giúp chúng sinh đạt được các thành quả tối thượng. Bà hiện ra với vị Khyoungpo Neldjor (990-1139, một vị đại sư Tây Tạng) và trao cho vị này sáu giáo pháp Du-già và năm bài giảng huấn, giúp vị này sáng lập ra dòng truyền thừa Changpa Kagyü (vẫn còn tiếp tục lưu truyền ngày nay).
- Người phụ nữ bảo vệ Đạo Pháp: thường được xem như một vị thần linh đã đạt được giác ngộ dưới hình thức nổi giận. Trọng trách của vị nữ thần này là giúp người tu tập loại bỏ các thứ chướng ngại tâm thần. Thí dụ: Palden Lhamo (nghĩa từ chương là "Nữ thần Chiến thắng") là vị nữ thần bảo vệ Đạo Pháp, và cũng là vị nữ thần duy nhất được tất cả bốn học phái Phật giáo Tây Tạng đồng loạt thừa nhận. Vị nữ thần này được biểu trưng đang trong cơn giận dữ, cưỡi một con la vượt ngang một biển máu, chung quanh hừng hực bốc lên những ngọn lửa trí tuệ. Vị nữ thần này có màu xanh dương đậm, trên trán có ba mắt, đeo một mặt trời nơi rốn và vương miện là mặt trăng, đầu được che bởi một chiếc lọng kết bằng lông công (nói lên sự che chở). Ngoài ra vị nữ thần này còn tham gia vào phép bói toán bằng các hạt xúc xắc. Bà cũng thường được xem liên hệ với các nữ thần Sarasvati (nữ thần biểu trưng cho sự hiểu biết, trí tuệ và nghệ thuật) và Tara (đã nói đến trên đây).
- Các nhân vật lịch sử: là những người có một cuộc sống dưới thể dạng con người, thế nhưng theo truyền thống thì được lồng vào một bối cảnh mang tính cách lịch sử rõ rệt. Thí dụ: Yéshé Tsogyal (777-837) - tên có nghĩa từ chương là "Trí tuệ nguyên sinh" - là một nữ tu sĩ ẩn dật và cũng là một vị thánh nữ Tây Tạng. Bà là công chúa của xứ Karchen lấy vua Tây Tạng là Trisong Detsen (740-797), thế nhưng sau đó lại bước theo con đường tu tập và trở thành thần linh phụ trợ cho vị thầy Padmasambhava. Nhờ có một khả năng trí nhớ vô song bà đã trở thành người bảo toàn và lưu giữ giáo huấn của vị này (sau khi vị này qua đời).
Nếu quý vị muốn tìm hiểu thêm về các vị nữ thần khác thì cũng không khó, vì có cả một danh sách thật dài nêu lên các vị "thần linh" nữ giới khác trên trang mạng: www.buddhistwomen.eu (là trang mạng của các phụ nữ Phật giáo Âu Châu và thế giới, với ba thứ tiếng: Đức, Anh và Pháp)
3- Quan điểm của một nữ tu sĩ về Phật giáo
Ngay cả ngày nay, vị thế của người phụ nữ cũng chẳng khá gì hơn, thế nhưng nói chung người phụ nữ cũng đã bắt đầu ý thức được là phải biến cải thân phận mình.
Một thí dụ điển hình là một bạn gái người Anh của tôi là Diane Perry, sinh năm 1943 tại Luân Đôn. Người bạn gái này luôn yêu thích sự vắng lặng và những gì thật hoàn hảo, đặc biệt nhất là vô cùng quý trọng Phật giáo. Năm hai mươi tuổi, cô ta tìm đến nước Ấn, gặp được một vị thầy tâm linh và sau đó đã quyết tâm hy sinh đời mình để tu tập theo giáo huấn do thầy mình chỉ dạy. Cô là một trong những người Âu Châu đầu tiên được thụ phong ni sư với pháp danh là Tenzin Palmo, và cũng là một tu sĩ phụ nữ duy nhất từng sống giữa hàng trăm nhà sư nam giới trong một ngôi chùa Tây Tạng, và hàng ngày phải chịu đựng cách cư xử kỳ thị của họ.
Dù không hòa mình được, thế nhưng với một quyết tâm không lay chuyển cô vẫn ước mong đạt được sự giác ngộ dưới thể dạng một người phụ nữ hầu giúp mình góp phần biến cải thân phận người phụ nữ được dễ dàng hơn. Cô tìm được một chiếc hang nhỏ tại quận lỵ Lahoul sát biên giới Tây Tạng, ở một độ cao hơn 4000m. Trong suốt mười hai năm liền, cô say mê thiền định, ngồi trong một chiếc thùng chật hẹp không đủ chỗ để duỗi chân hay nằm thẳng. Thế nhưng việc ẩn tu đó đã mang lại cho cô một niềm hân hoan to lớn. Sau khi chấm dứt thời gian biệt tu trên đây, bạn hữu và cả những người tò mò tìm đến đây để viếng thăm cô - mà nay đã trở thành một ni sư trung niên - và đều kinh ngạc trước sự cởi mở, thanh thản và ân cần của một người biệt tu sau một thời gian xa lìa thế tục thật lâu dài. Sau đó người ni sư này đã ra đi khắp nơi trên thế giới nhằm gây quỹ xây dựng một ngôi chùa đón nhận những người phụ nữ ước mong tìm được một nơi để tu hành. Bà phải vận dụng tất cả sự khéo léo của mình - nhưng không bao giờ tỏ ra mình là một tấm gương cho người khác soi - nhằm tổ chức các buổi thuyết giảng hướng dẫn những ai muốn bước theo con đường Phật giáo nhưng gặp phải quá nhiều khó khăn vì bức tường ngăn chận của nền văn minh Tây Phương. Một vòng tròn đã khép lại: Tenzin Palmo sinh ra trong thế giới này, rút lui ra khỏi nó, và đã trở về với nó mang theo với mình một mục đích thương người thật tinh khiết. Bà quả xứng đáng là một đệ tử chân chính của Đức Phật. Ngày nay bà là một vị thầy giảng dạy thật tích cực và cũng là người sáng lập và trụ trì ngôi chùa Dongyu Gatsal Ling tại Himachal Pradesh ở Ấn (trích dẫn từ quyển Cave in the snow, tác giả Vicki Mackenzie) (ghi chú 8) (quyển sách này cũng đã được dịch sang tiếng Việt, sẽ giải thích thêm trong phần ghi chú của người dịch dưới dây).
Tôi xin kể thêm trường hợp một phụ nữ khác thật đáng kính là Karma Lekshe Tsomo. Bà là người Mỹ nay đã trở thành ni sư, từng đến Dharamsala (Ấn Độ, nơi cư ngụ của Đức Đạt-lai Lạt-ma) để tu học Phật giáo. Sau khi trông thấy hoàn cảnh quá sức cực khổ và bấp bênh của người phụ nữ và các ni sư trong vùng Hy-mã Lạp-sơn (và chính bà cũng đã cùng chia sẻ với họ cảnh sống đó), bà nghĩ rằng cần phải tổ chức ngay một hội nghị mang tầm cỡ thật rộng lớn, quy tụ tất cả các tu sĩ nữ giới và cả nam giới, nói một cách vắn tắt là tất cả những người có thiện chí, hầu cùng nhau tìm một giải pháp. Quả là một việc vô cùng to lớn, thế nhưng bà lại chẳng có một nguồn tài trợ nào có sẵn.
Tuy thế với các nỗ lực phi thường của bà và sự góp sức của các ni sư nổi tiếng khác (ghi chú 6) thuộc đủ các tông phái và học phái Phật giáo, một đại hội đầu tiên trong lịch sử những người nữ tu Phật giáo đã được tổ chức ở Bodhgaya/Bồ-đề Đạo-tràng. Nhân dịp này một Hiệp hội mang tầm cỡ quốc tế của những người phụ nữ Phật giáo là Sakyadhita (nguyên nghĩa là "Những người con gái của Đức Phật") đã được thành lập năm 1987 (www.sakyadhita.org), sự thành công này là nhờ sự hăng say của các thành viên tham gia đại hội lịch sử trên đây. Cũng xin nhắc thêm là đại hội này đã được đặt dưới sự bảo hộ của Đức Đạt-lai Lạt-ma, và sau đó Ngài cũng thường xuyên khuyến khích các thành viên của tổ chức Sakyadhita hãy tiếp tục dấn thân tích cực hơn nữa trong các lãnh vực nghiên cứu và thông tin, hầu góp phần cải tiến vị thế của người phụ nữ trong Phật giáo.
Sau đại hội thứ nhất trên đây, một quyết định đã được đưa ra nhằm kết hợp tất cả các nữ tu sĩ cũng như những nữ Phật tử tại gia trong việc sắp xếp và ấn hành các bài thuyết trình dưới một danh nghĩa chung. Và chính vị ni sư thật khả kính Karma Lekshe Tsomo trên đây đã đứng ra quán xuyến công việc này và đã in thành sách các bài khảo luận của tất cả các đại hội đã được tổ chức đều đặn hai năm một lần cho đến nay (dường như không có tư liệu nào cho biết là các ni sư Việt Nam trong nước và cả hải ngoại (?) trước đây từng tham gia hoặc có thể cũng là thành viên của Hiệp hội Sakyadhita này, nay có còn tiếp tục liên lạc và sinh hoạt với họ hay không, và có đóng góp gì hay không?).
Kết quả mang lại qua các lần đại hội của tổ chức Sakyadhita, đã tạo được nhiều tác động lâu bền tại các nước Á Châu. Chẳng hạn như tình trạng của người nữ tu tại các nước theo Phật giáo Theravada và các sa di ni Tây Tạng đã được cải tiến rất nhiều và đã được chính thức công bố, chẳng hạn như các quyết định thay đổi liên quan đến trường hợp "mười giới luật của người nữ tu" (Dasasilamatas) (còn viết là Dasa Sila Matas, tức là các "giới luật" quy định người phụ nữ chỉ có thể giữ vị thế sa di, tương tự như những người làm công quả, không được ngang hàng với các tỳ kheo nam giới, chẳng hạn như họ chỉ được mặc áo màu lam hay màu trắng, nhưng không được mặc áo màu nâu, đỏ hay vàng, v.v.). Hiệp hội và các Tăng đoàn liên tục nhận được vô số các thắc mắc nêu lên tại sao người phụ nữ và các nữ tu sĩ lại không được giúp đỡ, đào tạo và thụ phong trọn vẹn như các nam tu sĩ.
Các thắc mắc trên đây đã gây ra nhiều tiếng vang. Qua sự ủng hộ của Đức Đạt-lai Lạt-ma một số cải tiến đã được thực hiện. Trong khung cảnh sinh hoạt theo truyền thống của Phật giáo Tây Tạng, người nữ tu vẫn chưa được thụ phong toàn vẹn, thế nhưng nhiều tu viện dành cho người phụ nữ cũng đã được thành lập. Trong các tu viện này người phụ nữ được học triết học Phật giáo ở các cấp bậc cao và đưọc phép dự thi bằng Guéshe-ma (nữ Tiến sĩ). Một số tu viện khác cũng đã thiết lập được các trường đào tạo các ni sư đầy đủ khả năng, hầu có thể thay thế các vị tăng nam giới trong việc giảng dạy.
Đối với việc thụ phong toàn vẹn thì người phụ nữ Sinhalese (Tích Lan) đã đạt được nhiều thắng lợi nhất: sau một đại hội Sakyadhita tổ chức ở Sarnath (nơi Đức Phật thuyết giảng lần đầu tiên, gần thị trấn Bénares/Varanasi/Ba-la-nại) vào khoảng năm 1996, mười phụ nữ Tích Lan đã được thụ phong trọn vẹn. Nhiều phụ nữ khác sau đó cũng đã được thụ phong tại Bodhgaya (Bồ-đề Đạo-tràng) và Tích Lan. Nhờ đó Tăng đoàn nữ giới cũng đã được tái lập lại trên hòn đảo này sau hơn một ngàn năm mai một. Tăng đoàn nữ giới đó nay đã được xã hội chấp nhận, thế nhưng các tăng sĩ nam giới vẫn còn do dự.
Năm 1998, lần đầu tiên tôi đặt chân đến Dharamsala tại Ấn Độ với tư cách là thư ký của Liên đoàn Tây Tạng (Tibet Intergroup) của Quốc hội Âu Châu. Nhân dịp này, tôi viếng vài nơi, đặc biệt nhất là các chùa thuộc học phái Sakya (trong Hiệp hội Sakyadhita) ở Dehradun (một thị trấn nhỏ trên miền bắc Ấn, không xa Dharamsala), là học phái mà tôi đang tu tập. Phải thú nhận rằng tôi bị chấn động thật mạnh khi nhận thấy một sự khác biệt thật to lớn giữa những gì tôi học hỏi được từ các vị thầy của tôi ở Âu Châu và thân phận của những người phụ nữ và các nữ tu sĩ ở Á Châu (những gì bà học được từ Phật giáo ở Âu Châu đẹp một cách tuyệt vời, thế nhưng trước mặt bà thân phận của những người nữ tu và cả những người phụ nữ thế tục ở Á Châu đã khiến bà không khỏi xót xa).
Tôi quyết định đứng ra giúp đỡ họ, trước hết là các nữ tu sĩ trong học phái Sakya của tôi. Nhằm thực hiện mục đích đó, tôi thành lập một chi nhánh Sakyadhita Internationale ngay trên đất Pháp. Với sự góp sức của bạn bè thành viên trong hội cũng như trên toàn thế giới, chúng tôi đã xây dựng được từ năm 1998 đến 2008 nhiều ký túc xá, một trường học, một ngôi chùa, và thiết lập được một trường cao đẳng nhằm giảng dạy các cấp cao. Tôi xin đặc biệt tỏ lòng biết ơn đối với hai bà Tenzin Palmo và Carola Roloff về các nỗ lực của họ đã giúp tôi không nhỏ trong lúc ban đầu (bà Carola Roloff là người Đức, sinh năm 1959, lớn lên trong một gia đình Ki-tô giáo và rất ngoan đạo. Năm 18 tuổi có một người thân thiết trong gia đình "tự tước đoạt sự sống", bà rất phẫn uất, bèn chất vấn các vị chức sắc trong họ đạo về vấn đề Trời và sự sống liên hệ với nhau như thế nào, không ai đưa ra được một lời giải thích thỏa đáng, bà bèn quay ra nghiên cứu triết học Phật giáo, đích thân đến Dharamsala để học hỏi thêm, năm 22 tuổi bà xin xuất gia. Nay bà là một ni sư rất năng động, viết khá nhiều và diễn thuyết khắp nơi, nhất là rất tích cực trong việc bênh vực và giúp đỡ các tu sĩ nữ giới. Hiện bà là chủ tịch nhiều tổ chức Phật giáo và là thành viên của Ủy ban Tỳ kheo ni Âu Châu/The Committie of Western Bhikkhunis). Họ đã trao lại cho tôi nhiều kinh nghiệm và những lời khuyên thật quý báu.
Tháng giêng năm 2013 chi hội Sakyadhita ở Pháp đứng ra mời bốn ni sư của trường cao đẳng Sakya (thuộc học phái của chính bà) tham dự Hội nghị Sakyadhita tổ chức tại Vaisali (Vệ-xá-li, Ấn Độ) nhằm khuyến khích họ nên gia nhập vào đại Tăng đoàn ni sư và các phụ nữ tu tập tại gia trên toàn thế giới. Tôi đích thân đứng ra tổ chức và luôn bên cạnh họ để giúp đỡ. Thật hết sức cảm dộng khi trông thấy họ cứ như là những chiếc bọt biển (éponge/sponge) thật xốp thấm hút tất cả những điều học hỏi, với đôi mắt tràn đầy biết ơn.
Đấy cũng là dịp giúp họ gặp vị ni sư tôn kính Tenzin Palmo (Venerable Tenzin Palmo) và vị này đã ân cần hầu chuyện họ và khuyến khích họ phải mạnh dạn trong việc học hỏi. Họ còn được gặp cả ni sư tôn kính Jampa Tsedroen (tức Tiến sĩ Carola Roloff) giải thích cho họ về việc thụ phong toàn vẹn mà ngày nay họ có quyền được tiếp nhận...
Ni sư tôn kính Jampa Tsedroen (Ven. Jampa Tsedroen) cùng sinh trường với tôi tại thành phố Hamburg, và đã trở thành ni sư của học phái Gelugpa/Cáh lỗ phái của Phật giáo Tây Tạng. và được thụ phong toàn vẹn đã 30 năm nay. Đức Đạt-lai Lạt-ma đích thân giao cho bà trọng trách tìm kiếm các giải pháp thích nghi nhằm thiết lập nghi thức thụ phong toàn vẹn cho người phụ nữ trong Phật giáo Tây Tạng (ghi chú 9).
Năm 2007 bà được trao tặng giải thưởng "Người phụ nữ Phật giáo xuất sắc" ("Outstanding Women in Buddhism") tại Hội Trường của Liên Hiệp Quốc tại Bangkok. Buổi lễ được diễn ra trước khi khai mạc "Hội nghị quốc tế đầu tiên về vai trò của người phụ nữ trong các Tăng đoàn Phật giáo" do bà tổ chức: http:www.congress-on-buddhist-women.org/.
Hiệp hội Sakyadhita France (chi nhánh tại Pháp của Hiệp hội Sakyadhita) giữ nhiệm vụ liên lạc với nước Pháp và giúp đỡ những người Pháp tham dự đại hội. Các bài thuyết trình được ấn hành và phổ biến bằng tiếng Anh (xem ghi chú 1).
Với sự giúp đỡ của các ni sư nổi tiếng khác, năm 2005 Tiến sĩ Carola Roloff đã thành lập được "Ủy ban Thụ phong cho người Tỳ kheo ni"/"Committee of Bhiksuni Ordination": http://www.bhiksuniordination.net/
Các thành viên của Ủy ban này thiết lập các phương tiện phổ biến và giảng dạy nhằm giúp các nữ tu sĩ ý thức được tầm quan trọng và các lợi điểm trong việc thụ phong toàn vẹn.
Thật hết sức quan trọng là người phụ nữ phải biết tổ chức, và điều tiên quyết nhất là phải vượt lên trên mọi chướng ngại có thể ngăn chận quyền được học hành của mình. Chúng ta còn nhiều việc phải làm, nếu một mình thì sẽ chẳng làm được gì cả. Chính vì lý do đó tôi đã cố gắng đưa ủy ban "Phật giáo và người phụ nữ" vào "Liên đoàn Phật Giáo Âu Châu" (European Buddhist Union: http://www.e-b-u.org/activities/committees/women-and-buddhism/) và "Liên đoàn Phật giáo Âu Châu" vào Hội nghị OING (Conférence des Organisations Internationales Non Gouvernementales/INGOs, Conference of International Non Governmental Organisations) trong Hội Đồng Âu Châu (Conseil de l'Europe/Council of Europe): http://www.coe.int/T/NGO/default_fr.asp.
Kết Luận
Các vị thầy của tôi dạy tôi ba điều: mỗi chúng sinh đều hàm chứa tiềm năng đạt được giác ngộ; không được gây ra tai hại cho bất cứ ai; nên khơi động tình thương và lòng từ bi đối với tất cả mọi người, không được phân biệt bất cứ một ai.
Nếu Đức Phật từng chống lại sự phân chia giai cấp trong thời đại của Ngài, thì những người Phật giáo hôm nay phải chống lại tất cả mọi hình thức kỳ thị, hung bạo và bất công đã trở thành các cơ chế tự nhiên trong xã hội. Người Phật tử phải có bổn phận làm sống lại quyết tâm của Đức Phật chống lại hệ thống giai cấp vào thời đại Ngài, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của chủ thuyết Nhân Quyền ngày nay (ghi chú 10).
Tất cả mọi hình thức kỳ thị, chẳng hạn như phân biệt chủng tộc (apartheid), các đạo luật duy trì sự bất công giữa nam và nữ, hoặc cách đánh giá con người dựa vào giới tính, phải được xem là các hình thức tân tiến nói lên một hệ thống phân chia giai cấp (caste system) trong xã hội ngày nay.
Bất cứ ai nghĩ rằng mình đã góp phần quá đủ vào việc bảo vệ sự công bằng nam nữ, và cho rằng việc tranh đấu cho công bằng giới tính đã lỗi thời, thì hãy cứ nhìn vào sự thật trước mặt mình xem sao. Hoàn cảnh của nhiều người phụ nữ khiến chúng ta không sao chịu đựng nổi. Nguyên nhân chính yếu nhất đưa đến cái chết của người phụ nữ là sự hung bạo trong cuộc sống lứa đôi. Tỷ lệ thất nghiệp của họ cao hơn nam giới, được học cao là cả một sự may mắn và gian nan cho họ, được thụ phong trọn vẹn vẫn còn là một sự bế tắc..., danh sách còn dài.
Tại sao việc loại bỏ các thói quen sai lầm và các khuôn phép bất di dịch trong xã hội chúng ta (trong thế giới Tây Phương) và cả trong các nước Phật giáo (Á Châu) lại gặp quá nhiều khó khăn như vậy? Theo ý tôi, nguyên nhân là "yếu tố con người". Đức Phật dạy rằng chúng ta là kết quả tạo ra từ những gì mà chúng ta suy nghĩ, tất cả những gì đang là chúng ta và các kinh nghiệm cảm nhận của chúng ta, thật ra cũng chỉ là kết quả phát sinh từ tư duy của mình, và đồng thời thì chúng ta cũng tạo dựng ra cả thế giới bằng tư duy của chính mình (đây là ý nghĩa của bốn câu đầu tiên trong kinh Dhammapada/Pháp Cú: tư duy làm phát sinh ra tất cả mọi hiện tượng).
Theo tôi, tư duy của Đức Phật vượt lên trên tất cả các quan điểm kỳ thị. Nếu những người Phật giáo trong thời đại chúng ta quên đi quyết tâm của Đức Phật và cứ tiếp tục kỳ thị người phụ nữ, thì chúng ta cũng nên tự hỏi xem tại sao lại xảy ra chuyện đó.
Tôi vẫn tự hỏi vì lý do nào sự bất bình đẳng và kỳ thị người phụ nữ và cả những người nữ tu sĩ lại vẫn cứ tiếp tục xảy ra trong các xã hội chúng ta ngày nay?
Chẳng qua vì chúng ta quá bám víu vào vào các thói quen và xu hướng của mình. Chúng ta rất sợ sự đổi thay. Thế nhưng bối cảnh của sự sống thì lại biến đổi không sao tránh khỏi được, bởi vì tất cả đều là vô thường.
Chúng ta phải giữ việc tu tập cũng như cung cách hành xử của mình luôn phù hợp với những lởi giáo huấn của Đức Phật, của Chúa Giê-xu hay bất cứ một vị thầy tâm linh nào. Nếu nhận thấy chúng không còn thích nghi nữa thì bổn phận của thế hệ chúng ta là phải sửa đổi như thế nào để có thể mang lại lợi ích cho các thế hệ mai sau (quả là một câu phát biểu thật ý nhị, tiếc thay nhiều sự kiện - thuộc lãnh vực tâm linh cũng như sự hợp lý trong xã hội - cho thấy hoàn toàn đi ngược lại với lương tâm và lý trí con người, thế nhưng chúng ta vẫn bám víu vào những thứ sai lầm, ngu xuẩn và cứng nhắc đó để mang lại khổ đau cho mình và kẻ khác, hết thế hệ nảy sang thế hệ khác).
Qua kinh nghiệm của riêng tôi, thì quả hết sức khó khăn và đau buồn khi phải từ bỏ các thói quen và các xu hướng vô minh và bám víu của mình. Luôn phải cần đến thật nhiều can đảm và quyết tâm mới có thể giúp mình vượt lên trên những sự từ bỏ ấy. Thế nhưng cũng nhờ vào kinh nghiệm của riêng tôi, mà tôi có thể cam kết với quý vị rằng ngay từ lúc mà quý vị bắt đầu biết hướng vào sự từ bỏ, thì cũng ngay từ lúc đó, một sự nhẹ nhõm vô biên và sự giải thoát cũng sẽ bắt đầu hiện ra với quý vị. Chẳng phải tất cả chúng ta (dù là người Phật giáo hay không Phật giáo cũng thế) đều mong cầu đạt được sự giải thoát tối thượng hay sao?
Thế nhưng nếu muốn từ bỏ thì phải làm thế nào bây giờ? Chúng ta hãy mượn một tiết thơ trong Therighata (Trưởng lão ni kệ) của ni sư Abhirupa-Nada hầu vạch ra một hướng đi cho mình: "Hãy loại bỏ thói quen xem mình cao hơn, thấp hơn hay ngang hàng với kẻ khác ..." (tất cả chúng ta cũng chỉ là con người như nhau, cũng vô minh, thiển cận và bám víu như nhau. Tất cả những sự phân biệt, kỳ thị, các quy luật, thói tục, truyền thống đều là sản phẩm của vô minh phát sinh từ tâm thức con người. Cởi bỏ được những thứ ấy sẽ giúp chúng ta dù vẫn còn là con người, nhưng là một con người khác hơn, nhẹ nhõm và tự do hơn, giải thoát hơn).
Tiết thơ thật ngắn trên đây khuyên chúng ta trước hết hãy nhìn vào thái độ của mình đối với chính mình và không nên tự đánh giá mình để phân biệt mình với kẻ khác. Sau đó nếu áp dụng được cách hành xử đó trong xã hội thì nhất định chúng ta sẽ thực hiện được nhiều tiến bộ hơn.
Phật giáo là một tín ngưỡng chống lại các hình thức giáo điều (antidogmatic) và quan niệm rằng duy trì chủ nghĩa bảo thủ về văn hóa và tín ngưỡng là một chủ trương gây tai hại (préjudiciable/detrimental) cho sự phát triển của con người và xã hội.
Đức Phật luôn khuyên các đệ tử của Ngài hãy tự tìm kiếm người thầy hướng dẫn mình từ bên trong của chính mình ("Tự đốt đuốc soi đường cho mình, tự biến mình trở thành một hòn đảo làm nơi an trú cho chính mình", Maha-parinibbana sutta/Đại bát Niết bàn kinh).
Trước khi chấm dứt tôi xin trích dẫn một đoạn dưới đây trong bài diễn văn của Đức Đạt-lai Lạt-ma đọc trước Hội Đồng Liên Hiệp Quốc:
"Tất cả chúng ta đều mong cầu hạnh phúc và tránh không mang lại khổ đau cho kẻ khác, thái độ đó vượt lên trên chủng tộc, tôn giáo, giới tính, quy chế xã hội. Duy trì sự đa dạng không phải là một lý do chính đáng nhằm bào chữa bất cứ một sự vi phạm nào về nền tảng nhân quyền (chủ trương sự độc đoán lại còn là một sự vi phạm nặng nề hơn nữa). Vì thế, mọi sự kỳ thị trên phương diện con người và sự khác biệt chủng tộc, chống lại người phụ nữ và chống lại những kẻ nghèo khó trong xã hội, dù là mang tính cách truyền thống của một số tín ngưỡng nào đó đi nữa, cũng không thể xem là có giá trị trên phương diện toàn cầu, và nhất định là phải được loại bỏ. Tóm lại là phải đặt nguyên tắc bình đẳng toàn cầu lên trên tất cả".
Ghi chú của tác giả Gabriela Frey
(1) Mit Würde und Beharrlichkeit, page 121 / Edition Steinrich, ISBN 978-3-942085-17-5
Quyển sách này cũng đã được dịch sang tiếng Anh với tựa: Dignity and Discipline, Wisdom Publications Boston, ISBN-13 : 978-0861715886. Trong quyển sách này có ghi chép các bài thuyết trình trong đại hội quốc tế lần thứ nhất về vị thế của người phụ nữ trong Tăng đoàn, tổ chức tại Hambourg năm 2007, dưới sự chủ tọa của các vị Jampa Tsedroen và Thea Mohr. Có thể xem thêm: http://www.congress-on-buddhist-women.org/
(2) Bài viết của Dominique Trotignon, trích trong quyển "Les Femmes" dưới sự phối hợp của Evelyne Martini (gồm các tác giả: Malek Chebel, Vasundhara Filiozat, Arlette Fontan, Philippe Haddad, Elisabeth Parmentier, Dominique Trotignon), collection “Ce qu’en disent les religions”, Editions de l’Atelier, Paris 2002. Được trich đăng trên trang mạng: http://www.buddhistwomen.eu/FR/index.php/Textes/Feminin
(3) Zur Debatte N° 215 75 F – 2/2013 tr. 39 (trích từ một tập san của Học viện Ki-tô giáo của tỉnh Bavaria (Đức Quốc), trong bài "Buddhas weibliche Seite"), tác giả Vajramala S. Thielow
(4) "The Legality of Bhikkhuni Ordination" ("Tính cách Hợp pháp trong việc Thụ phong các Tỳ kheo ni"), tác giả Bhikkhu Analayo, center for Buddhist studies, University of Hamburg, in Journal of Buddhists Ethics, ISSN 1076-9005, có thể xem thêm:
http://blogs.dickinson.edu/buddhistethics/category/volume-20-2013/
(5) "The First Buddhist women, translations and commentary on the Therigatha" ("Những người phụ nữ Phật giáo đầu tiên, dịch và bình giải tập Therigatha/Tăng lão ni kệ"), tác giả Susan Murcott, ISBN : 0-93877-42-2 Parallax Presse, Berkley
(6) Các vị Tỳ kheo ni: Venerable Karma Lekshe Tsomo (USA), Venerable Ayya Khema †, Sylvia Wetzel và Venerable Jampa Tsedroen (Dr. Carola Roloff, Đức Quốc), và các vị Tỳ kheo ni: Venerable Bhikkhuni Kusuma (cựu Tiến sĩ Kusuma Devendra, Tích Lan) và Venerable Bhikkhuni Dhammananda (cựu Tiến sĩ Chatsumarn Kabilsingh, Thaïlande).
(7) "Passionate elightenment", women in tantric Buddhism" ("Sự say mê giác ngộ" -, Người phụ nữ trong Phật giáo Tan-tra"), tác giả Mirinda Shaw, Princeton paperback ISBN 0-691-01090-0. Quyển sách này cũng đã được dịch sang tiếng Đức: "Frauen, Tantra und Buddhismus", Spirit Fischer, ISBN 3-596-14743-3
(8) «Un ermitage dans la neige», l’itinéraire d’une Occidentale devenue nonne bouddhiste "Chốn ẩn tu trong vùng tuyết phủ - một người phụ nữ Tây Phương trở thành một ni sư Phật giáo", tác giả Vivian Mackenzie, Nil éditions, có thể xem thêm: www.tenzinpalmo.com
(9) Dr. Carola Roloff – Ven. Jampa Tsedroen http://www.carolaroloff.de/index.php/AboutMe/CV
(10) "Religionen und Menschenrechte», Menschenrechte im Spannungsfeld religiöser Überzeugun-gen und Praktiken". Đây là một quyển sách về lịch sử Nhân Quyền, Chủ thuyết Tương Đối và Chủ thuyết Toàn Cầu, và trong đó cũng có nói đến vị trí của người phụ nữ trong năm tôn giáo lớn, trong số này có Phật giáo. Tác giả: Katharina Ceming, một nữ chuyên gia thần học Ki-tô giáo. ISBN 978-3-466-36822-8. Một quyển sách mà tôi xin đặc biệt giới thiệu với quý độc giả.
Vài lời ghi chú của người dịch
Đây là một bài thuyết trình trước một cử tọa có thể hầu hết không phải là người Phật giáo, do đó diễn giả đã đặc biệt giải thích và định nghĩa thêm một vài nét chính yếu cũng như một số khái niệm căn bản trong Phật giáo nhằm giúp người nghe dễ theo dõi. Thế nhưng đấy cũng là một dịp giúp chúng ta ôn lại sự hiểu biết của mình, thật vậy đôi khi chúng ta cũng có thể bị lạc hướng trong sự đa dạng và phong phú của Phật giáo.
Mở đầu buổi thuyết trình diễn giả đã giải thích với cử tọa Phật giáo là gì:
- Không được gây ra điều tai hại
- Thực thi những điều lợi ích
- Tinh khiết hóa tâm thức mình
Đấy là điểm khởi hành trên Con Đường mà Đức Phật đã vạch ra, nói lên giáo huấn nguyên thủy của Ngài. Sau đó diễn giả nhấn mạnh là chính Đức Phật Shakyamuni tức là vị Phật lịch sử, đã đưa ra cả ba thể loại giáo huấn là Hinayana (Phật giáo Theravada), Mahayana (Đại Thừa) và Vajrayana (Kim Cương Thừa), và chúng ta cũng có thể thêm vào danh sách này Thiền Tông hay Thiền Học (Zen). Thế nhưng chúng ta đều hiểu rằng tất cả ba - hay bốn - thể loại giáo huấn trên đây đều được hình thành vào các thời kỳ hậu Đức Phật, với các kinh sách đặc thù của mỗi tông phái cũng chỉ được trước tác nhiều thế kỷ sau khi Đức Phật đã tịch diệt. Vậy thì chúng ta phải hiểu sự kiện này như thế nào?
Có nhiều cách hiểu khác nhau, trong số này dường như khái niệm "Hoá Thân" hay "Ứng Hóa Thân" (Nirmanakaya) trong Đại Thừa là một cách giải thích mở rộng, giúp chúng ta tìm hiểu khía cạnh vô cùng quan trọng này của Phật giáo. Theo giáo lý của Đại Thừa thì Đức Phật không "tịch diệt", "đình chỉ" hay "tắt nghỉ" một cách vĩnh viễn có nghĩa là hoàn toàn biến mất, mà còn tiếp tục hiển hiện dưới hình thức các "Hóa thân" hầu cứu độ chúng sinh. Trước hết khái niệm này, dưới một góc nhìn nào đó, rất phù hợp với khoa học: đó là "Định-luật Bảo-toàn" (Law of Conservation), đôi khi còn được gọi một cách cụ thể hơn là "Định-luật Bảo-toàn Năng-lượng" (Law of Consevation of Energy), có nghĩa là một hệ thống năng lượng nào đó không bao giờ bị mất mát hay gia tăng mà chỉ biến đổi dưới các thể dạng hay hình thức khác mà thôi. Định luật này cho biết là một "hệ thống vật lý" (tức là một "thành phần" hay "thể dạng" nào đó của vũ trụ) hàm chứa một "đặc tính" có thể đo lường được và luôn luôn ổn định (constant/bất biến, kiên định, liên tục không mất mát...). Có thể xem định luật này là một "ngoại lệ" trong Vật lý học, bởi vì đối với hầu hết tất cả các "hệ thống vât lý" trong vũ trụ mà khoa học quan sát được đều không đi ra ngoài định luật này, nói một cách khác là "Định luật Bảo toàn" trong khoa học nói chung chưa bao giờ bị đánh đổ.
Trở về với Phật giáo - tức là một thể dạng hiểu biết mở rộng hơn nữa, vượt lên trên khoa học, liên quan đến tất cả các thể loại hiện tượng (dhamma/dharma) - thì chúng ta sẽ hiểu rằng giáo huấn của Đức Phật cho biết rằng một hiện tượng hiển hiện từ một nguyên nhân, chuyển biến bằng cách tương tác với các hiện tượng khác, tạo ra các nguyên nhân khác làm phát sinh ra các hiện tượng khác, không có gì mất đi, cũng không có gì thêm vào (pratityasamutpada). Hãy lấy một thí dụ: tư duy không bao giờ mất mát (constant) hay biến mất đi một cách vô cớ và hoàn toàn, tư duy cũng không có thể tự nó hiện ra một cách vô cớ, không có nguyên nhân cũng không liên hệ với các hiện tượng khác hay tư duy khác. Thật hết sức rõ ràng, tư duy phát sinh từ xúc cảm làm nguyên nhân cho nó, và ít nhất là liên quan đến trí nhớ (karma/nghiệp) của một cá thể, và cũng phải liên hệ đến các tế bào thần kinh và bộ não của cá thể ấy. Vậy tư duy liên hệ với Định luật Bảo toàn trong khoa học như thế nào?
Tư duy phát sinh từ một nguyên nhân trước nó và không biết mất đi mà chỉ chuyển biến để trở thành một thể dạng khác: hoặc nó chuyển thành một "xúc cảm" in đậm vào dòng tri thức (trí nhớ) vết hằn của nó (karma/nghiệp) hoặc chuyển thành tác ý, và từ tác ý sẽ có thể đưa đến "ngôn từ" hay là một "hành động" nào đó trên thân xác. Ngôn từ hay hành động (karma/nghiệp) sẽ gây ra các tác động đối với thế giới bên ngoài, các tác động này liên kết với các hiện tượng khác đưa đến các hiện tượng khác nữa, các hiện tượng này lại tiếp tục chuyển biến và tỏa rộng ra trong không gian và thời gian, và một lúc nào đó khi gặp được các điều kiện thuận lợi (pratyaya/causation, circumstance/cơ duyên) sẽ tác động trở lại với cá thể đã làm phát sinh ra tư duy liên hệ với các hiện tượng đó.
Tóm lại có thể hình dung sự vận hành của karma (nghiệp) trên đây một cách cụ thể dựa vào "Định-luật Bảo-toàn" của Vật lý học. Quá trình vận hành đó mang hai khía cạnh: trực tiếp ghi khắc trên dòng tri thức (trí nhớ) hoặc có thể mở rộng và tác động đến bối cảnh chung quanh. Những điều trên đây thật hết sức khó để giải thích cho những con người chất phác sống cách nay hơn hai ngàn năm trăm năm, khi chưa có khoa học và chữ viết, vả có thể xem như thuộc vào thời tiền sử. Do đó Đức Phật không trả lời về một số câu hỏi (vô ích hoặc thuộc lãnh vực siêu hình và nhất là không thiết thực), mà chỉ nói đến một sự "đình chỉ" (nirodha/cessation, extinction/sự tắt nghỉ, chấm dứt, sự giải thoát). Thật vậy Giáo Huấn của Đức Phật luôn trực tiếp, thiết thực, hướng thẳng vào vấn đề: "đình chỉ, tắt nghỉ, chấm dứt vả giải thoát ra khỏi khổ đau", và đó cũng là những gì thật khẩn thiết cho những con người vào thời đại của Ngài và cho cả chúng ta hôm nay.
Thế nhưng "hệ thống tư tưởng" và "lòng từ bi" của Đức Phật vẫn tiếp tục hiện hữu (Định luật Bảo toàn và Quy luật Tương liên và Tương tác/Pratityasamutpada/Interdependence do chính Ngài đưa ra) dưới những thể dạng khác. Tư tưởng siêu việt của Ngài in đậm trên dòng tri thức vắng lặng và tinh khiết tuyệt đối của Ngài, vượt thoát không gian và thời gian và các quy luật vận hành của thế giới hiện tượng - trong đó có quy luật luân hồi. Đối với thế giới bên ngoài thì hệ thống tư tưởng siêu việt của Ngài đã chuyến biến trở thành "Phật giáo" ngày nay. Vậy đối với "lòng từ bi vô lượng" của Ngài thì thế nào?
Lòng từ bi và cả tư tưởng của Ngài tác động trong thế giới hiện tượng dưới các hình thức "Hóa Thân" (Nirmanakaya: nirmana có nghĩa là một sự phát tán, biểu lộ, hiển lộ/emanating; kaya có nghĩa là một cấu hợp và cũng có nghĩa là thân xác/heap, collection, body), tức là các "hiện tượng" mang tính cách kết hợp phát sinh và hiển hiện từ lòng từ bi và tư tưởng cực mạnh của Ngài. Các Hóa Thân đó hiện ra trong tâm trí của các vị đại sư trong quá khứ như là những cảm ứng giúp họ trước tác kinh sách, khai triển tư tưởng của Ngài nhằm thích nghi hơn với văn hóa, tư tưởng - nói chung là sự hiểu biết - của con người tùy theo thời đại và các địa phương khác nhau trên dòng lịch sử tiến hóa của nhân loại.
Đối với chúng ta không phải là các nhà sư uyên bác, không phải là các khoa học gia hay các triết gia lỗi lạc để có thể hiểu hết những thứ đó, vậy thì chúng ta có thể cảm ứng được trí tuệ đó và lòng từ bi đó của Đức Phật hay không? Nếu mở thật rộng tâm trí mình thì mình cũng có thể cảm nhận được trí tuệ và lòng từ bi của Đức Phật: chẳng hạn như trông thấy một gốc cây, một bóng mát, một con đò, một chiếc cầu, một con đường mòn, một con sâu, hoặc cảm thấy tim mình se thắt lại hoặc một giọt nước mắt lăn trên má khi trông thấy cảnh khổ đau của kẻ khác, thì tất cả những thứ ấy cũng có thể là "Hóa Thân" của Đức Phật, hiển hiện lên bên trong tâm thức mình, tương kết với các cảnh huống và hiện tượng đang xảy ra trong bối cảnh bên ngoài, trên thân xác và cả trong nội tâm mình.
Nếu trở lại với bài thuyết trình của bà Gabriela Frey, thì những gì trên đây sẽ giúp chúng ta hiểu được tại sao bà lại nhấn mạnh đến ba thể loại giáo huấn - Hinayana, Mahayana và Vajrayana - đều là do chính Đức Phật Sakyamuni (Thích-ca Mâu-ni) đưa ra. Ngoài ra bà cũng đã định nghĩa ba thể loại giáo huấn này thật ngắn gọn và chính xác:
- Tu tập theo tông phái Hinayana là tránh không làm những điều thiếu Đạo Hạnh, loại bỏ các xúc cảm bấn loạn trong tâm thức, không được gây ra khổ đau cho mình và kẻ khác, đó là một cách tu tập đòi hỏi sự bền chí và nhẫn nại, nhưng rất vững chắc.
- Tu tập theo Mahayana là làm nẩy nở hạt giống hoàn hảo (Phật Tính) bên trong tâm thức mình và phát huy sự quán thấy hiện thực của con người mình và thế giới. Cái bản chất đó là thể dạng tương liên, tương tác và tương tạo của mọi hiện tượng (pratityasamutpada), nói lên đặc tính "trống không" và "ảo giác" của chính mình và cả thế giới hiện tượng.
- Tu tập theo Vajrayana là phải kết hợp trí tuệ và lòng từ bi nhằm mang lại cho mình một quyết tâm vô song. Căn bản của việc tu tập này là tận dụng sức mạnh của tất cả các xúc cảm, dù là tích cực hay tiêu cực, giúp mình đạt được nhanh chóng hơn sự giải thoát và giác ngộ. Vậy ba đường hướng tu tập đó đã mang lại một ý niệm hay quan điểm như thế nào về Phật giáo?
Khắc hẳn với hầu hết các tôn giáo khác, Phật giáo là một tín ngưỡng tiến hóa (religion évolutive/evolving religion), đâm chồi và nẩy lộc, phát triển và thích nghi với các đường hướng tiến hóa và tư tưởng của nhân loại. Phật giáo không phải là một tín ngưỡng xây dựng trên giáo điều, cứng nhắc và dần dần bị đào thải bởi thời gian, và có thể trở thành một "hệ thống tư tưởng" đi ngược lại hay chống lại khoa học, sự tiến bộ của xã hội và tư tưởng con người nói chung, khiến một số tín ngưỡng ngày càng tách biệt với khoa học và con người, và chỉ còn được ưa chuộng trong một số các nước "đang phát triển" và phù hợp với một số tầng lớp nào đó trong xã hội.
Điểm đáng lưu ý thứ hai trong bài thuyết trình trên đây là sự năng động, dấn thân và tích cực của những người phụ nữ Phật giáo Tây Phương, đứng lên bảo vệ người phụ nữ và tranh đấu cho sự bình đẳng của người phụ nữ trong môi trường tự viện và bên ngoài xã hội. Những người nữ tu Á Châu cần thức tỉnh, không nên chấp nhận và khép mình trong sự trói buộc của tập quán và các truyền thống lâu đời, mà hãy nhìn vào những người phụ nữ Phật giáo trong thế giới Tây Phương, một vùng đất mà Phật giáo mới đặt chân đến không lâu. Họ kết hợp với nhau thành các hiệp hội, ủy ban, liên minh, v.v. hầu cùng tranh đấu, giúp đỡ và bênh vực nhau, tất nhiên là với mục đích góp phần quảng bá sự hiểu biết và lòng từ bi Phật giáo, nhằm mang lại hòa bình và an vui cho tất cả mọi người. Vậy tất cả những người phụ nữ Phật giáo trên toàn thế giới cũng nên liên lạc và hợp tác với họ, hầu tạo ra một sức mạnh toàn cầu cho người phụ nữ, và đấy cũng có thể là một đường hướng làm giảm bớt sự chém giết và mang lại nhiều hòa bỉnh hơn cho hành tinh này. Thật vậy số phận của nhân loại, hạnh phúc của con người trên phương diện tâm linh và xã hội, và cả tương lai của hành tinh này, nào phải chỉ giao phó trong tay người đàn ông và các tín ngưỡng do họ áp đặt và chỉ huy đâu?
Điểm nổi bật thứ ba và cũng quan trọng nhất là quan điểm của bà Gabriela Frey, qua các dẫn chứng cũng như giả thuyết, dứt khoát cho rằng các hình thức kỳ thị nữ giới trong kinh sách chỉ là các phản ứng vô minh của các đệ tử của Đức Phật, ảnh hưởng bởi các truyền thống và tập quán lâu đời về người phụ nữ của xã hội thời bấy giờ, hoặc là những sự thêm thắt hậu Đức Phật của các môn đệ sau này trên dòng lịch sử phát triển lâu dài của Phật giáo. Cũng xin nhắc thêm là kinh sách ghi chép bằng chữ viết chỉ bắt đầu xuất hiện ở Tích Lan vào thế kỷ thứ I trước Tây Lịch, có nghĩa là vào khoảng năm thế kỷ sau khi Đức Phật đã tịch diệt. Quan điểm trên đây không phải là một cách bào chữa cho Đức Phật và cũng không phải là hoàn toàn vô căn cứ. Thật vậy quan điểm kỳ thị người phụ nữ hoàn toàn đi ngược lại căn bản Giáo Huấn của Ngài, do đó một số đoạn trong kinh sách nếu có chủ trương sự kỳ thị giới tính thì cũng chỉ có thể là những sự thêm thắt. Nhằm chứng minh cho điều này bà Gabriela Frey nêu lên nhiều trường hợp mà người phụ nữ, trong quá khứ cũng như hiện tại, đã đạt được nhiều thành quả thật phi thường. Chúng ta hãy nêu lên trường hợp ngày nay của bà Jetsunma Tenzin Palmo như là một thí dụ điển hình, nhằm tìm hiểu thêm thế nào là sự tu tập Phật giáo, thế nào là sự thành đạt và dấn thân của một người tu hành.
Viki Mackenzie là một phụ nữ Phật giáo thuật lại sự gian nan, lòng quyết tâm và sự thành đạt của bà Tenzin Palmo trong quyển sách "Cave in the snow - Tenzin Palmo and The Quest For Enlightenment". Quyển sách này sau đó đã được dịch sang tiếng Pháp "Un Ermitage dans la neige: L'intinéraire d'une Occidentale devenue une nonne bouddhiste" (Chốn ẩn cư trong vùng tuyết phủ: Hành trình của một phụ nữ Tây Phương trở thành một ni sư Phật giáo"), dịch giả là Carisse Beaune-Busquet, là một phụ nữ và dường như cũng là một người Phật giáo (rất giỏi về tiếng Tây Tạng). Thế nhưng một điều đáng quan tâm hơn là quyển sách này có đến hai bản dịch sang tiếng Việt: bản thứ nhất "Trong động Tuyết sơn -Tenzin Palmo và cuộc suy tầm chân lý" (1999), dịch giả Thích nữ Minh Tâm, bản thứ hai "Ẩn tu nơi núi tuyết - hành trình tìm giác ngộ của một phụ nữ Phương Tây" (2010), dịch giả Pháp Minh Trịnh Đức Vinh.
Mạn phép dài dòng như trên đây là chỉ để nêu lên cho thấy chúng ta thường ngưỡng mộ những gì "bên cạnh" con đường tu tập, nhưng không nhìn thẳng vào những thành quả mà những người khác đã đạt được để cùng chia sẻ những kinh nhiệm thực tiễn, hữu ích và cụ thể ấy của họ hầu giúp mình thăng tiến trên đường tu tập của chính mình. Quyển sách ca ngợi lòng quyết tâm và sự khắc khổ của bà Tenzin Palmo thì được dịch ra nhiều thứ tiếng, thế nhưng các sách, các bài giảng, bài viết của bà rất thiết thực, trong sáng và tuyệt vời, giúp chúng ta trực tiếp đi sâu vào Phật giáo, thì dường như không thấy đã được dịch ra các ngôn ngữ khác (?) - ít nhất là sang tiếng Việt. Bà Telzin Palmo đã từng đến Việt Nam thuyết Pháp và tham dự đại hội lần thứ 11 của Hiệp hội Phụ nữ Phật giáo Thế giới (Sakyadhita International Associaton of Buddhist Women), diễn ra từ ngày 29 tháng 12 năm 2009 đến ngày 2 tháng giêng 2010, với tư cách là phó chủ tịch của Hiệp hội này, thế nhưng sau khi bà quay đi thì dường như tất cả cũng đã quay về với sự im lặng mênh mông.
Dù rằng sự vắng lặng rất cần thiết cho người tu tập Phật giáo, thế nhưng sự vắng lặng cũng mang rất nhiều ý nghĩa: cô đơn, yên lặng, quạnh hiu, lẻ loi, câm nín, ngây ngô, uất ức, im lặng, quạnh quẽ, trống không, cô quạnh... Vậy thì ý nghĩa đích thật của sự vắng lặng trong Phật giáo là gì? Bà Telzin Palmo đã ẩn cư suốt 12 năm trong khung cảnh cô quạnh của một vùng núi tuyết bao la, phải chăng là để đi tìm cái ý nghĩa đích thật của sự vắng lặng ấy?
Một sự hung bạo luôn luôn che dấu phía sau nó một sự hung bạo khác, làm phát sinh ra nó. Sự hung bạo xảy ra trước mắt thì rất dễ nhận thấy và có thể khiến mọi người khiếp sợ và lên án, thế nhưng sự hung bạo ẩn nấp phía sau sự hung bạo đó thì rất khó nhận biết. "Người bị thương bao giờ cũng là người bóp cò súng, thế nhưng người bóp cò súng thì lại là chính mình", đây là lời phát biểu của một ni sư nổi tiếng người Đức Ayya Khema (1921-1997) (tập san "Hướng nhìn Phật giáo"/Regard Bouddhiste số 14, năm 2016, tr.42, câu này cũng đã được trích từ một quyển sách của bà). Nếu không hiểu hết ý nghĩa của câu phát biểu vô cùng sâu sắc này thì hãy cứ nhìn vào dân tộc mình, dù là trên quê hương hay ở bất cứ nơi nào trên thế giới, thì sẽ hiểu ngay. Thật vậy, tay thì khư khư khẩu súng thế nhưng miệng thì hô hoán lên là kẻ khác bóp cò: hãy cứ nhìn vào thân xác và nội tâm mình xem có đúng là mình bị thương hay không? Dù không phải là một cách tự bào chữa đi nữa, thế nhưng đôi cũng phải công nhận rằng không phải chính mình bóp cò mà là những thứ vô minh trong tâm thức mình xui dục mình bóp cò, và phía sau của thể dạng vô minh ấy là tham lam, thiển cận, bám víu và hung dữ... mà Phật giáo gọi là các "độc tố" tâm thần.
Nếu phía sau sự hung bạo là một sự hung bạo khác làm nguyên nhân cho nó, thì phía sau một sự vắng lặng cũng sẽ ẩn nấp một sự vắng lặng khác. Phía sau sự vắng lặng trong chiếc hang ẩn cư của bà Tenzin Palmo là sự vắng lặng trong nội tâm của chính bà. Sự vắng lặng đó rất sâu kín, êm ả, hoàn toàn phẳng lặng và tuyệt đối, và chỉ có riêng bà mới cảm nhận được nó mà thôi: đó là bản chất tinh khiết và nguyên sinh của tâm thức bà, là Phật Tính bên trong nội tâm và con tim của bà.
Trong cuộc sống, chúng ta chỉ nghe thấy toàn là những thứ nhiễu âm thật ồn ào khuấy động tâm thức mình: nào là tiếng nói, âm thanh, màu sắc, vị cay, vị ngọt, mùi thơm, hơi thối, cái nóng, cái lạnh, ảo giác trong nội tâm và biến động trong bối cảnh bên ngoài, cứ như một khu chợ "chồm hỗm". Tất cả tạo ra đủ mọi thứ xúc cảm lấp đầy tâm thức mình, khiến mình không sao cảm nhận được được sự "vắng lặng" nguyên sinh trên thân xác vả trong nội tâm mình. Chúng ta hãy thử nêu lên một thí dụ cụ thể và đơn giản, chẳng hạn như một bản Việt dịch quyển sách "Cave in the snow" trên đây mang tựa là "Trong Động Tuyết Sơn". Cách dịch này cho thấy một sự "thi vị hóa" nào đó, nếu không muốn nói là một cách "tiểu thuyết hòa" nội dung cua quyển sách. Sự "thi vị hóa" hay "tiểu thuyết hóa" đó phản ảnh một thể dạng tâm thức bị lôi cuốn bởi xúc cảm, dù là mang tính cách tích cực đi nữa. Một khi đã bị xúc cảm lôi cuốn thì chúng ta sẽ bị tách ra khỏi hiện thực, nói một cách khác là đánh mất sự "vắng lặng nguyên sinh" của chính mình, bởi vì sự tách rời ấy là một thứ nhiễu âm. Các nhận xét trên đây không mang tính cách phê bình mà chỉ là một cách mượn một trường hợp cụ thể để nêu lên một khía cạnh vận hành tinh tế và khó nhận biết của tâm thức, giúp chúng ta tập nhìn vào tâm thức mình để tìm hiểu sự vận hành phức tạp và tinh tế của nó. Hai hình (1 và 2) dưới đây sẽ cho chúng ta thấy là cái "Động Tuyết Sơn" ấy cũng chỉ là một cái hang nhỏ trong vách núi.
H.1: Chiếc am của ni sư Tenzin Palmo dưới ánh nắng của một ngày đẹp trời, bà đem phơi tất cả các vật dụng trong am (có thể đây là một tấm hình được chụp vào thời gian đầu tiên khi bà còn trẻ và mới đến đây).
H.2: Hình chụp chiếc am năm 2010, đã trở nên hoang phế, trước khi được dân chúng trong một ngôi làng gần nhất nơi này kéo đến đây sửa chữa lại, làm nơi ẩn cư cho một phụ nữ Tây Phương khác, và cũng là đệ tử của bà Tenzin Palmo.
H3: Hình chụp bà Tenzin Palmo trên sàn quay của đài truyền hình Pháp ngày 18.10.2009, khi bà được phỏng vấn trong một chương trình về Phật giáo.
Ý nghĩa của sự vắng lặng trên đây nói lên một khía cạnh rất quan trọng trong việc tu tập Phật giáo. Thế nhưng sự vắng lặng - như đã được nói đến trên đây - còn mang nhiều ý nghĩa khác nữa. Vậy chúng ta cũng thử tìm hiểu thêm một khía cạnh khác của sự vắng lặng ấy, mang tính cách cực đoan đi ngược lại với sự vắng lặng của Phật giáo, hầu giúp chúng ta ý thức được sâu sắc hơn về sự vắng lặng trong việc tu tập Phật giáo là gì.
Nói chung sự vắng lặng cực đoan và đối nghịch với sự vắng lặng của Phật giáo là sự cô đơn, một hình thức cô lập hóa mang lại sự sợ hãi và lo âu. Phật giáo gọi đó là sự xao lãng, một tình trạng tâm thức bị tách ra ngoài hiện thực, tạo ra mọi thứ xúc cảm bấn loạn. "Ủy ban quốc gia quan sát về tệ nạn tự tước đoạt sự sống" (Observatoire national du suicide/National Suicide Observatory) của Pháp vừa đưa ra thống kê về tệ nạn này trong năm vừa qua: trung bình mỗi ngày có 27 người "tự tước đoạt sự sống" trên đất Pháp, không kể những người cứu sống được, tức trong năm vừa qua đã có hơn 10.000 người thiệt mạng, cao hơn nhiều so với số tử vong vì tai nạn xe cộ. Phúc trình này còn cho biết là người đàn ông tự tước đoạt sự sống ba lần nhiều hơn người phụ nữ (phúc trình do chính bà bộ trưởng y tế Pháp công bố ngày 09.02.2016). Cũng theo phúc trình này thì con số tử vong tuy cao nhưng đã giảm dần từ nhiều năm nay, nhờ các phương tiện phòng ngừa chẳng hạn như các tổ chức "SOS tự tước đoạt sự sống" (SOS Suicide) được phát triển rộng rãi và tích cực hơn trước, các nhà tâm lý học, phân tâm học, tâm lý trị liệu và các người tình nguyện có khả năng trong các tổ chức này sẵn sàng lắng nghe qua điện thoại những người đang trong cơn "bấn loạn tâm thần" thổ lộ những khó khăn của mình, hầu kịp thời khuyên giải họ. Trung bình mỗi lần đàm thoại như vậy kéo dài từ nửa giờ đến một giờ.
Phúc trình trên đây cho biết thêm là 81% những người mang ý nghĩ tự tước đoạt sự sống là vì lý do cá nhân, 27% là vì lý do nghề nghiệp. Lý do cá nhân chính yếu nhất trong số 81% những người mang ý nghĩ tự tước đoạt sự sống trên đây là sự cô lập (isolement/isolation)! Điều này cho thấy là sự "cô lập" của một người ẩn tu mang một ý nghĩa khác hẳn, đối nghịch lại với sự "cô lập" không chịu đựng nổi của một người trong tình trạng khủng hoảng tâm thần. Sự "cô lập" trong một chiếc hang trên triền núi cao trong một vùng tuyết phủ mênh mông, tách ra khỏi khu chợ "chồm hổm", đã mang lại một sức mạnh vô song cho một người tu hành chân chính.
Nếu nhìn lại chúng ta thì thật hết sức rõ ràng là chúng ta đăng lăn mình vào một nơi buôn bán, trao đổi và mặc cả - danh vọng, tình cảm, tiền bạc, ganh tị, hận thù...- thật ồn ào và náo nhiệt, nói một cách nghiêm chỉnh hơn là chúng ta luôn sống trong một tình trạng hoàn toàn bị lạc hướng; bên trong tâm thức thì bám víu vào các thức xúc cảm, tư duy và tác ý của mình, bên ngoài thì chạy theo danh vọng, tiền bạc, các sự giao tiếp trong xã hội, các đòi hỏi của bản năng sinh tồn, truyền giống và sợ chết. Vào một lúc kém may mắn nào đó khi các sự bám víu trên đây bị cắt đứt, thì chúng ta tất sẽ rơi vào một sự cô lập kín mít, nặng nề, đầy lo sợ, có thể mang lại một sự tuyệt vọng thật đáng tiếc, Phật giáo gọi đó là khổ đau (dukkha). Sống trong một môi trường buôn bán, chúng ta sẽ không bao giờ tìm được sự vắng lặng đích thật giúp mình tìm hiểu xem mình là ai và đang làm gì, hầu giúp mình biết tìm về với con người đích thật của chính mình.
Một điểm đáng lưu ý khác trong phúc trình trên đây là người phụ nữ tự tước đoạt sự sống ít hơn nam giới rất nhiều. Nhằm tìm cách giải thích về hiện tượng này, nhiều nhà tâm lý học và phân tâm học đưa ra rất nhiều nguyên nhân liên hệ đến hoàn cảnh, môi trường sống, và vai trò của họ trong gia đình và xã hội, v.v... khác hơn với người đàn ông. Thế nhưng dường như chưa thấy một cách giải thích nào thật thỏa đáng. Theo người chuyển ngữ thì người phụ nữ sống hướng vào nội tâm nhiều hơn so với nam giới, tuy "dễ khóc" và có vẻ "yếu đuối" hơn nhưng dưới một khía cạnh nào đó thì nội tâm của họ vững vàng và thực tế hơn nam giới giúp họ trở về với chính họ dễ dàng hơn.
Nói chung một người tu tập Phật giáo - dù là nam hay nữ - thường là biết xử dụng thiền định để phát huy một sự chú tâm cao độ, tạo ra một sự vắng lặng trong tâm thức mình, nên nhờ đó mà họ có thể trở về với chính mình dễ dàng hơn. Một sự chú tâm cực mạnh và thường xuyên huớng vào thân xác và nội tâm mình sẽ làm tỏa ra một sự vắng lặng tuyệt đối bên trong tâm thức mình, mang lại cho mình thật nhiều khả năng quán thấy được bản chất nguyên sinh của chính mình, một sự trống không thật êm ả, phẳng lặng và an bình, không còn một nhiễu âm nào quấy rầy, không còn vướng mắc vào một chút xúc cảm bấn loạn nào, không còn một bóng dáng khổ đau nào. Cái bản chất đó của tâm thức vượt khỏi các yếu tố không gian và thời gian, kể cả lòng từ bi và trí tuệ mà trước đây mình hằng bám víu.
Vậy sự chú tâm hết sức cần thiết đó của Phật giáo thật sự là gì? Làm thế nào để phát huy được nó? Trong một quyển sách (Three Teachings - Talks by Venerable Tenzin Palmo. Buddha Dharma Education Association Inc. Quyển sách này gộp chung ba bài giảng của bà tại Singapore vào tháng năm năm 1999, độc giả có thể xem trên mạng) bà Tenzin Palmo có giải thích thật cụ thể và dễ hiểu thế nào là sự chú tâm:
"Thí dụ như khi quý vị đang xem một cuốn phim hay, hoặc đang đọc một quyển sách lý thú, thì quý vị không cần bắt buộc tâm trí mình phải cố gắng chú tâm gì cả. Quý vị bị tràn ngập bởi câu chuyện đang diễn tiến trong phim hay trong quyển sách. Tâm thức quý vị đang hiện diện ở tại nơi đó [...]. Không cần bất cứ một người nào đứng bên cạnh để nhắc nhở quý vị phải tập trung vào đó cả, bởỉ vì quý vị đang ở trong đó. Tâm thức tìm thấy sự thích thú với những gì mà nó đang làm, chúng ta cũng chỉ cần chuyển phẩm tính [của sự chú tâm] ấy (tức là sự thích thú ấy) hướng vào việc tu tập của mình thế thôi" (tr. 13).
Trong một đoạn khác bà cho biết thêm:
"Ẩn cư sẽ mang lại cho quý vị thật nhiều không gian. Quý vị không cần phải giao tiếp với ai cả, do đó quý vị có nhiều thì giờ để tìm hiểu xem phải làm thế nào để đưa phẩm tính của sự chú tâm (awareness/sự tỉnh thức) vào những gì mà mình đang làm. Ẩn cư tạo ra một bối cảnh lý tưởng nhất để che chở cho mình. Khi nào ý thức được điều ấy, và cảm thấy yêu thích nó, thì khi đó quý vị sẽ có thể bước ra khỏi nó để bắt đầu tìm hiểu xem mình phải làm như thế nào để có thể hòa mình với cuộc sống hằng ngày, và tất nhiên là trong cuộc sống đó quý vị sẽ phải đối đầu với những thử thách khó khăn hơn nhiều" (tr. 18).
Và trong một đoạn khác:
"Nếu tâm thức không được luyện tập thì đấy là cách thả lỏng nó, khiến nó trở nên hoàn toàn bất trị. Nó tha hồ chạy đâu thì chạy, mình thì phải chạy theo nó. Các khó khăn thuộc bối cảnh bên ngoài và ngay bên cạnh mình, đó là người phối ngẫu của mình, con cái mình, thầy mình, thế giới và chính phủ. Vấn đề không phải là mình, bởi vì mình vẫn bình chân như vại" (trong nguyên bản: Im OK!) (tr.20).
Nếu ngược về thật xa trong quá khứ thi chúng ta cũng có thể nghe thấy văng vẳng những lời di huấn cuối củng của Đức Phật: "Hãy tự đốt đuốc soi đường cho mình. Hãy tự biến mình thành một hòn đảo làm nơi an trú cho chính mình", có nghĩa là hãy trở về với mình, vui thú với sự vắng lặng mênh mông và tuyệt vời bên trong tâm thức của chính mình.
Bures-Sur-Yvette, 18.02.16
Hoang Phong chuyển ngữ
Độc giả có thể xem bản gốc tiếng Pháp bài thuyết trình trên đây của bà Gabriela Frey trên các trang mạng:
http://www.buddhistwomen.eu/FR/uploads/Documentation/Femmes-et-Bouddhisme-GF.pdf
http://fhedles.fr/wp-content/uploads/conference_bouddhisme.pdf
Hoặc cũng có thể xem một đoạn ngắn buổi phỏng vấn bà trên đài truyền hình Pháp ngày 13.03.11 về chủ đề này:
http://bouddhisme-au-feminin.blogspot.fr/2011/03/sakyadhita-france-gabriela-frey-les.html
Sau hết xin giới thiệu với độc giả trang mạng Phật giáo quốc tế của nữ giới:
http://www.bouddhismeaufeminin.org/
http://bouddhismeaufeminin.free.fr/